Vì mưu sinh, hàng trăm người lao động lại... ngược dòng vào Nam

Đặng Dương

(Dân trí) - Người lao động Đắk Nông rục rịch trở về nơi làm việc cũ khi các tỉnh thành phía Nam cơ bản kiểm soát dịch Covid-19. Nhiều người mang hy vọng công việc được ổn định để cuối năm có một cái Tết đủ đầy.

Trở lại công việc và lời hứa vaccine

Sáng 11/10, anh Hoàng Văn Cường (xã Ea Pô, huyện Cư Jút) cùng một người bạn chạy xe máy từ tỉnh Đắk Nông trở lại tỉnh Bình Dương.

Khác với dòng người tiếp tục ngược đường từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch, anh Cường và bạn lại chọn cách từ quê nhà trở lại nơi làm việc trước đây.

Người nhân viên ngành xây dựng này cho biết, tháng 7 vừa qua, do dịch bệnh phức tạp nên phải rời Bình Dương để về Đắk Nông. Khi liên tục nhận những thông tin tích cực về phòng, chống dịch Covid-19, anh quyết định trở lại với công việc.

"Tôi làm việc tại các công trình xây dựng. Trước khi trở lại Bình Dương, tôi đã liên hệ với công ty và được đồng ý đi làm trở lại. Lãnh đạo địa phương nơi tôi tạm trú còn cam kết, trong vòng khoảng 3-5 ngày, chúng tôi sẽ được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Vừa có việc làm, vừa được tiêm vaccine, tôi nghĩ thời điểm này là thích hợp để quay lại với công việc", anh Cường cho hay.

Vì mưu sinh, hàng trăm người lao động lại... ngược dòng vào Nam - 1

Từ đầu tháng 10, nhiều người lao động đã rục rịch trở lại nơi làm việc sau thời gian tránh dịch.

Tương tự, sáng 9/10, anh Vũ Kiên (trú xã Nam Dong, huyện Cư Jút) cùng 10 người bạn khác quyết định trở lại Bình Dương sau gần 4 tháng ở quê tránh dịch.

Vốn là nhân viên lái xe hàng cho một doanh nghiệp may mặc tại thị xã Bến Cát, anh Kiên may mắn được đơn vị cũ tiếp nhận vào làm lại. Vừa xuống tới nơi, anh được bố trí chỗ ăn nghỉ, thực hiện phương châm 3 tại chỗ ngay trong công ty nên không phải lo lắng tìm chỗ trọ mới.

Nói thêm về lý do để tự tin trở lại các tỉnh phía Nam, anh Kiên cho biết: "Nếu tiếp tục ở quê, sẽ rất lâu nữa tôi mới được tiêm vaccine. Nhưng khi vừa xuống tới nơi, tôi đã được công ty hỗ trợ tiêm một mũi vaccine phòng Covid-19. Được tiêm phòng, người lao động sẽ rất yên tâm làm việc, sớm có thu nhập để ổn định cuộc sống".

Mở cửa đón người lao động

Theo thống kê của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông, trong thời gian qua có khoảng gần 20.000 lao động của tỉnh trở về từ các tỉnh, thành phía Nam do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Vì mưu sinh, hàng trăm người lao động lại... ngược dòng vào Nam - 2

Nhiều tỉnh thành phía Nam khuyến khích người lao động trở lại làm việc sau khi dịch được kiểm soát.

Trong số này, nhiều người muốn tìm kiếm một việc làm tại địa phương, một số khác quyết định quay trở lại nơi làm việc cũ sau khi dịch được kiểm soát.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Nông, Sở LĐ-TB&XH cùng các địa phương, sở, ngành liên quan chủ động rà soát, nắm thông tin nhu cầu người lao động để có phương án hỗ trợ.

Cũng từ tháng 10 tới nay, trên nhiều diễn đàn lớn dành cho người dân Đắk Nông, nhiều người đã rục rịch chuẩn bị để trở lại các tỉnh phía Nam, chủ yếu là trở lại nơi làm việc cũ.

Theo chia sẻ của nhiều người, hiện nay chính quyền các địa phương đều tạo điều kiện tối đa để người lao động trở lại nơi làm việc.

Người lao động chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine thì chỉ cần kết quả test nhanh âm tính với SARS- CoV-2 sẽ được đi qua các chốt kiểm soát dịch. Đặc biệt, tại tỉnh Bình Phước, người lao động sẽ được lực lượng chức năng bố trí xe của CSGT dẫn đường, đưa đến đầu tỉnh Bình Dương.

Vì mưu sinh, hàng trăm người lao động lại... ngược dòng vào Nam - 3

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người lao động trở lại nơi làm việc sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh tại các tỉnh phía Nam kêu gọi người lao động trở lại làm việc với những chính sách hỗ trợ, đãi ngộ hấp dẫn. Người lao động được bảo đảm vị trí việc làm, mức lương. Một số đơn vị còn hỗ trợ tiêm vaccine Covid-19 để người lao động yên tâm sản xuất.

Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn đã từng bước mở cửa, đón nhận người lao động vào làm việc. Để đảm bảo việc phòng chống dịch, doanh nghiệp sẽ thực hiện phương án sản xuất "3 xanh", tức là doanh nghiệp xanh, địa phương xanh và thẻ xanh covid-19 (người đã tiêm vắc xin).

"Chúng tôi khuyến khích người lao động trở lại nơi làm việc. Đối với những lao động từ địa phương khác đến làm việc, nếu ai chưa được tiêm sẽ được công ty cùng chính quyền sở tại lập danh sách, cho tiêm ngay. Đây là quan điểm chỉ đạo chung của tỉnh để đảm bảo an toàn cho người lao động khi tham gia sản xuất", ông Cường nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc mới đây với các sở, ngành, địa phương, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cũng đề nghị, các đơn vị tiếp tục thực hiện chỉ đạo chung trong việc khuyến khích người lao động trở lại nơi làm việc. Từ đó góp phần ổn định đời sống người lao động, duy trì chuỗi cung ứng, sớm khôi phục, duy trì sản xuất.