An Giang: Người dân hồi hương mong tìm được việc quê

Nguyễn Hành

(Dân trí) - Những người dân vượt hàng trăm kilomet từ TP HCM, Bình Dương,… về An Giang, vui mừng khi được cách ly tại nhà. Dù cuộc sống bộn bề khó khăn phía trước nhưng họ chưa vội tính chuyện ly hương tìm việc.

Chưa tính chuyện ly hương lần nữa…

Đến huyện biên giới An Phú, tỉnh An Giang, PV Dân trí được ông Hình Tiến Luân - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An - dẫn đến thăm một số hộ dân đang thực hiện cách ly tại nhà sau khi vượt hàng trăm kilomet từ TP HCM, Bình Dương, trong mấy ngày qua.

Theo chị Nguyễn Thị Mỹ Hiền - ấp An Hòa, xã Khánh An, vợ chồng chị mấy năm trước đây lên tỉnh Bình Dương làm công nhân cho một công ty giày nhưng chỉ mang tính chất thời vụ (không hợp đồng lao động). Khoảng tháng 4, dịch bùng phát và kéo dài đến hôm nay, vợ chồng chị Hiền mất việc và cuộc sống rơi vào cảnh khó khăn.

An Giang: Người dân hồi hương mong tìm được việc quê - 1

Ông Hình Tiến Luân - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An hỗ trợ gạo và khẩu trang y tế cho vợ chồng chị Nguyễn Thị Mỹ Hiền (Ảnh: Nguyễn Hành).

Chị Hiền nói: "Vợ chồng tôi cố gắng cầm cự sống qua ngày, thỉnh thoảng chính quyền địa phương có đến hỗ trợ nhu yếu phẩm, ăn vài ngày cũng hết. Nhưng dịch kéo dài 3-4 tháng, lại không làm ra tiền nên khi được nới lỏng giãn cách, hai vợ chồng quyết định về quê, vì trên đó quá khổ".

Khi về đến An Giang và có kết quả xét nghiệm PCR âm tính, chị dọn đến nhà chị gái để thực hiện việc cách ly tại nhà. Còn căn nhà chị Hiền để cho cha mẹ già sinh sống, hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh cho người thân.

Người dân An Giang hồi hương chưa vội tính chuyện ly hương lần nữa

Về những dự định sắp tới, vợ chồng chị Hiền cho biết, trước mắt hoàn thành thời gian cách ly và chờ bệnh dịch được kiểm soát hoàn toàn, khi đó mới tính chuyện ly hương tìm việc. Còn hiện tại, được về tới nhà sau 4-5 tháng đối mặt với dịch bệnh nguy hiểm, chị Hiền thấy an tâm và chưa muốn đi đâu.

Với chị Nguyễn Thị Diệu, chị ruột chị Hiền, cuộc sống ở quê khó khăn, vợ chồng phải gửi 3 con lớn cho ông bà, sau đó đi Bình Dương làm công nhân. Dịch bệnh kéo dài 4-5 tháng, khiến vợ chồng chị kiệt quệ đành bồng bế nhau chạy dịch về An Giang.

An Giang: Người dân hồi hương mong tìm được việc quê - 2

Ông Hình Tiến Luân, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An, hỗ trợ một số nhu yếu phẩm cho gia đình chị Nguyễn Thị Diệu (Ảnh: Nguyễn Hành).

Chị Diệu nói: "Chưa biết có trở lại Bình Dương làm công nhân nữa hay không, vì bỏ lại 3 con nhỏ ở nhà, không yên tâm. Tôi mong tìm được công việc ở tại quê, có thu nhập khá sẽ ở lại quê làm việc, tiện bề chăm sóc con cái".

Đa phần người dân được cách ly tại nhà ở xã Phú Hữu, xã Khánh An, huyện An Phú chưa được tiêm vaccine hoặc tiêm mũi một. Nhiều người làm những công việc theo kiểu thời vụ, không được ký hợp đồng nên khi dịch bệnh xảy ra, các chế độ bị "lọt sổ", dẫn đến khó khăn, bí bách đành chạy xe mô tô về quê.

Ông Dương Thanh Phong - Bí thư, Chủ tịch UBND xã Khánh An, huyện An Phú cho biết, tính đến 11/10, địa phương đón 198 người dân về cách ly tại nhà. Đa phần người dân thuộc diện khó khăn, do đó, địa phương vận động hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân trong thời gian cách ly. Để người dân yên tâm, thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ y tế, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

"Gánh nặng" việc làm cho người dân hồi hương

Huyện biên giới An Phú là địa phương phát hiện trường hợp F0 sớm nhất trong đợt bùng dịch lần thứ 4 trên địa bàn tỉnh An Giang. Dù cả hệ thống chính trị huyện An Phú và sự hỗ trợ của các Sở, ngành tỉnh giúp An Phú đều vào cuộc dập dịch, nhưng mãi đến tháng 9, tình hình dịch tại địa phương này mới dần kiểm soát.

Ông Lê Thanh Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú - cho biết, đầu tháng 9, được sự hỗ trợ và chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh và Công an An Giang tăng cường 500 cán bộ, chiến sĩ lên hỗ trợ An Phú giữ chặt các khu phong tỏa, cách ly; tiến hành sàng lọc, test nhanh 3 ngày/ lần để bóc F0 ra khỏi cộng đồng. Toàn huyện ghi nhận 1.600 F0 nhưng đến nay, An Phú đã kiểm soát được dịch bệnh.

An Giang: Người dân hồi hương mong tìm được việc quê - 3

Bộ đội Biên phòng Đồn Biên phòng Phú Hữu tặng quà cho các hộ dân trở về xã Phú Hữu, huyện An Phú, thực hiện cách ly tại nhà (Ảnh: Chiến Khu).

Về công tác đón dân hồi hương từ 1/10 đến nay, ông Phương cho biết, huyện đã đón trên 6.000 người, trong đó có 33 F0. Hiện tại địa phương đã đưa về cách ly tại nhà trên 5.500 người sau khi có kết quả xét nghiệm PCR âm tính.

Theo ông Phương, khi đưa dân về nhà cách ly, công tác trọng tâm là đảm bảo người dân thực hiện nghiêm cách ly tại nhà; tránh nhà này tiếp xúc nhà kia và tiến hành xét nghiệm nhanh, PCR theo thời gian quy định của ngành y tế.

Ngoài ra, huyện phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của 799 Tổ Covid-19 cộng đồng, Tổ này vừa giám sát, tuyên truyền nhắc nhở người dân cách ly tại nhà và những hộ chung quanh không được tiếp xúc; đồng thời cầu nối với chính quyền địa phương, ban ngành đoàn thể để hỗ trợ công an tác sinh cho những người dân đang cách ly tại nhà.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú, một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của lãnh đạo huyện hiện nay là tạo việc làm cho hơn 6.000 người dân hồi hương trong mấy ngày qua. Vì với đặc thù địa phương là huyện nông nghiệp, biên giới nên rất ít doanh nghiệp lớn có nhu cầu sử dụng nhiều lao động.

An Giang: Người dân hồi hương mong tìm được việc quê - 4

Tại những điểm "nóng" trên địa bàn xã Khánh An, huyện An Phú, treo nhiều biển tuyên truyền, nhắc nhở người dân về mức xử phạt về hành vi không khai báo y tế, đeo khẩu trang... (Ảnh: Nguyễn Hành).

Ông Lê Thanh Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú - cho biết, toàn huyện có 109 doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng gần 400 công nhân lao động. Do đó, bài toán tạo việc làm cho 6.000 người dân về huyện An Phú là vấn đề nan giải của địa phương trong thời gian tới.

Tuy nhiên, ông Phương cho rằng, khi dịch bệnh kiểm soát sẽ có một số lượng lớn người dân trở lại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… làm công nhân. Còn hiện tại, qua khảo sát sơ bộ, đa phần người dân muốn ổn định cuộc sống tại quê nhà, chưa khẳng định sẽ ly hương tìm việc làm.

Lãnh đạo tỉnh An Giang cho biết, đối với 51.000 người dân hồi hương từ ngày 1/10 đến hôm nay, UBND tỉnh đang tập trung làm tốt công tác cách ly tập trung và cách ly tại nhà, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Đồng thời vận động từ nhiều nguồn đảm bảo an sinh cho người dân trong thời gian cách ly.

Đồng thời, UBND tỉnh rà soát, phân nhóm lao động theo ngành nghề, độ tuổi cũng như nguyện vọng người dân về việc làm để có kế hoạch giới thiệu đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Vì doanh nghiệp may mặc, giày da, chế biến xuất khẩu cá tra đều có nhu cầu tuyển dụng từ 5.000-7.000 lao động/doanh nghiệp. Do đó, số lao động các DN trên địa bàn tỉnh cần có thể cao hơn số người dân hồi hương.

Tuy nhiên độ "khớp" giữa DN và người lao động có khi chưa trùng nhau nên tỉnh cần tính toán đến công tác đào tạo nghề nông thôn, hỗ trợ vốn nuôi trồng một số mô hình nông nghiệp, giúp bà con ổn định cuộc sống.