1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Về xứ sở hồng không hạt cổ thụ, người dân thu 8 tỷ đồng mỗi vụ

Hàng trăm gốc hồng không hạt ở xã Nam Anh, huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) trăm tuổi vẫn trĩu quả, giúp nhiều hộ dân thu họach khá. Chính quyền địa phương đang khuyến khích bà con đẩy mạnh nhân rộng loại cây này nhằm tạo vùng sản xuất hàng hóa quy mô hơn.

Xứ sở hồng không hạt

Những ngày này, người dân xã Nam Anh, Nam Đàn (Nghệ An) đang nhộn nhịp vào mùa thu hoạch hồng không hạt. Được mùa, được giá, nhiều hộ gia đình thu tiền triệu mỗi ngày.

Toàn xã Nam Anh hiện có khoảng 100ha diện tích trồng hồng không hạt. Ảnh: Lê Tập
Toàn xã Nam Anh hiện có khoảng 100ha diện tích trồng hồng không hạt. Ảnh: Lê Tập

Hòa chung niềm vui của người dân nơi đây, phóng viên đã có mặt tại xã Nam Anh và bắt gặp người dân đang vận chuyển những bao tải hồng nặng trịch chở ra các chợ và mọi ngả đường để bán.

Những quả hồng không hạt còn tươi rói, vàng ươm, vị ngọt dịu, giòn, thơm, nhiều đường cát, giàu dinh dưỡng, không sử dụng hóa chất bảo quản là đặc sản của địa phương này.

Hồng không hạt ở xã Nam Anh nói riêng, vùng đồi núi Đại Huệ nói chung nổi tiếng là thơm ngon, ngày được nhiều người tiêu dùng khắp cả nước biết đến.

Hồng không hạt được mùa, được giá nên người dân Nam Anh rất vui mừng, phấn khởi. Ảnh: Lê Tập
Hồng không hạt được mùa, được giá nên người dân Nam Anh rất vui mừng, phấn khởi. Ảnh: Lê Tập

Ông Lê Trọng Mạnh (xóm 8, Nam Anh) cho biết: “Hồng bản địa có 2 loại, hồng trứng và hồng cậy (đều không hạt), người dân ở đây cũng không nhớ rõ hồng trồng từ năm nào, mà chỉ biết cây hồng đã có tại địa phương từ nhiều đời trước. Có những gốc gần cả trăm năm tuổi, cây vẫn trĩu quả, ngọt và to. Chúng tôi phải bảo tồn loại giống hồng này”.

Bà Nguyễn Thị Mão (xóm 9, có hơn 80 gốc hồng không hạt gần trăm tuổi) hồ hởi nói: “Dịp này về xã Nam Anh là về với mùa hồng, với những cánh rừng nổi bật màu vàng của quả hồng chín. Năm nay hồng được mùa, được giá, gia đình tôi thu hoạch khoảng 7-8 tấn, giá bán tại vườn cho thương lái là 17.000 - 25.000 đồng/kg. Một vụ hồng cũng kiếm được gần 80 - 90 triệu đấy. Người dân ở đây cũng khá giả lên nhờ cây hồng không hạt”.

Cảnh mua bán hồng không hạt nhộn nhịp ở xã Nam Anh, Nam Đàn, Nghệ An. Ảnh: Lê Tập
Cảnh mua bán hồng không hạt nhộn nhịp ở xã Nam Anh, Nam Đàn, Nghệ An. Ảnh: Lê Tập

Còn gia đình ông Tư (xóm, Nam Anh) chia sẻ: “Gia đình tôi có 50 – 60 gốc hồng không hạt cổ thụ, mỗi vụ cho thu hoạch hàng tấn hồng. Nhờ bán hồng không hạt mà kinh tế gia đình tôi khấm khá hẳn lên. So với mọi năm, năm nay hồng được mùa, giá bán cũng cao nên thương lái họ đến tận vườn thu mua. So với một số loại cây trồng khác, cây hồng ít phải chăm sóc, một năm chỉ bón phân một lần, tuổi thọ cao, thân cành dẻo nên chống chọi được với mưa bão. Sắp tới, gia đình sẽ nhận thêm diện tích trồng hồng để tăng thêm thu nhập”.

Năm nay, thời tiết khá thuận lợi nên cây hồng không hạt cho quả sai, các tiểu thương tìm đến tận vườn thu mua, theo đó hồng cậy có giá từ 15.000 -17.000 đồng/kg, hồng trứng 20.000 - 25.000 đồng/kg. Với sản lượng thu hoạch ước đạt 400 – 500 tấn quả/ năm, người dân xã Nam Anh thu về khoảng 7 - 8 tỷ đồng.

Hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô

Hồng không hạt ở xã Nam Anh là loại cây bản địa, có nguồn gốc gen quý hiếm, được trồng ở vùng đất đặc thù về địa lý, sinh thái, tiểu khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cộng với kinh nghiệm chăm sóc, phân bón của người dân làm cho cây hồng không hạt đạt chất lượng.

Những quả hồng không hạt còn tươi rói, vàng ươm, vị ngọt dịu, giòn, thơm, nhiều đường cát, giàu dinh dưỡng, không sử dụng hóa chất bảo quản. Ảnh: Lê Tập
Những quả hồng không hạt còn tươi rói, vàng ươm, vị ngọt dịu, giòn, thơm, nhiều đường cát, giàu dinh dưỡng, không sử dụng hóa chất bảo quản. Ảnh: Lê Tập

Nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng, chính quyền địa phương đang khuyến khích người dân phát triển thành cây trồng chủ lực. Chính sách cụ thể để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa, tăng cường quảng bá nông sản này, để người tiêu dùng khắp cả nước biết đến. Qua đó, giúp người dân làm giàu trên chính mãnh đất của mình.

Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Viết Sỹ - Chủ tịch UBND xã Nam Anh cho biết: “Toàn xã có hơn 100 ha trồng hồng không hạt, diện tích được phân bố đều cho các hộ gia đình. Nguồn gốc của cây hồng không hạt người dân ở đây cũng không nhớ rõ, nhưng trên địa bàn xã có nhiều gốc hồng cổ thụ, thân to tới nỗi một người ôm không xuể. Cây hồng không hạt Nam Anh tạo ra nét riêng biệt bởi nằm ở vị trí tránh được gió Lào và gió Bắc. Bởi thế, hồng Nam Anh có vị ngọt dịu, thơm, giòn mà bất cứ hồng trồng ở vùng khác trên địa bàn Nghệ An không có”.