Lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc:
Về nước trước 31/12 để được miễn xử phạt
“Tôi thấy ra ngoài bất hợp pháp may rủi. Lúc đầu tôi định ở lại bất hợp pháp nhưng chưa thực hiện thì một số bạn bị bắt và trục xuất về nước. Một số người có kinh nghiệm ở bất hợp pháp cũng bị bắt về. Tôi thấy tình hình khó khăn nên về để thi tiếng Hàn và quay lại cho chắc ăn”.
Anh Nguyễn Văn Giáp - người vừa từ Hàn Quốc về nước đúng hạn - trao đổi với báo chí tâm tư về tình hình lao động VN cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc hiện nay.
Trên 15.000 lao động cư trú bất hợp pháp
Người lao động nước ngoài bất hợp pháp đã và đang trở thành các vấn đề nóng tại Hàn Quốc. Theo thống kê của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, số lượng người lao động VN cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc hiện nay là trên 15.000 người.
Về nguyên nhân, nhiều người lao động cho rằng: Vì đang được hưởng mức thu nhập cao nên khi hết thời hạn hợp đồng lao động, họ vẫn muốn làm việc tại Hàn Quốc nên trở thành người lao động bất hợp pháp.
Mặc dù động cơ ở lại là để làm việc và có thu nhập nhưng một bộ phận người lao động không chịu làm việc, mắc các tệ nạn xã hội hoặc tham gia vào các tổ chức bất hợp pháp, có hành vi phạm tội, gây bất ổn xã hội.
Không ít trường hợp phạm tội bị trục xuất về nước hoặc bị phạt tù tại Hàn Quốc.
Anh Nguyễn Văn Kiên một lao động đã đi Hàn Quốc về cho biết: “Tôi thấy nhiều người ở lại không chăm chỉ làm như những năm đầu, lại hay tham gia vào hội hè, bạn bè, chi tiêu cũng nhiều nên không tiết kiệm được. Có những người ra bất hợp pháp được 4-5 năm rồi nhưng không có gì cho mình cả. Nếu ở Hàn Quốc như vậy thì không nên ở làm gì, gia đình lại hy vọng vào mình”.
Trao đổi với một người dân ở huyện Ba Vì - Hà Nội, chúng tôi được người này cho biết: “Ở xóm nhà tôi cũng có một cháu đi lao động tại Hàn Quốc 7-8 năm gì đó, nhưng mấy năm nay nó không gửi tiền về, bỏ mặc vợ con, mà gia đình cũng không liên lạc được với nó. Thế nên tôi bảo ngay con tôi phải về để mà ổn định cuộc sống. Ở lâu bên Hàn, không có gia đình cũng không tự kiểm soát được bản thân.”.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 62/NQ-CP, trong đó có nội dung miễn xử phạt theo điều 35 của Nghị định 95/2013/NĐ-CP đối với người lao động VN cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước từ 1/9 - 31/12/2015. Đây là chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhằm khuyến khích lao động VN đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước, tạo thuận lợi cho việc ký lại Bản ghi nhớ bình thường với Hàn Quốc.
Nhìn chung, cuộc sống của người lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc cũng có những nỗi khó khăn, vất vả. Vì không có tư cách lưu trú hợp pháp nên hàng chục nghìn người lao động VN bất hợp pháp tại Hàn Quốc đang phải trốn tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng của Hàn Quốc.
Trong thời gian gần đây, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Hàn Quốc đã đẩy mạnh các biện pháp quản lý và ngăn chặn tình trạng cư trú trái phép. Theo thống kê của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, mỗi năm phía bạn bắt giữ và cưỡng chế trên 2.000 người lao động VN cư trú trái phép về nước và xử phạt các chủ sử dụng lao động có liên quan.
Anh Nguyễn Văn Giáp (Đông Anh, Hà Nội) đã có thời gian làm việc tại Hàn Quốc và về nước đúng thời hạn trong tháng 10/2015, cho biết: “Tôi thấy ra ngoài bất hợp pháp cũng may rủi. Tôi lúc đầu định ở lại bất hợp pháp nhưng may chưa thực hiện thì chứng kiến một số bạn bị bắt và trục xuất về nước. Một số người có kinh nghiệm bất hợp pháp cũng bị bắt về rồi. Tôi thấy tình hình dạo này khó khăn nên về để thi tiếng Hàn và quay lại cho chắc ăn”.
Có thể thấy, khi cơ quan chức năng của bạn ra tay, siết chặt quản lý, thì cơ hội của lao động nước ngoài bất hợp pháp tại Hàn Quốc bị thu hẹp đáng kể và việc cư trú của người lao động không còn ‘an toàn’ như trước.
Về nước và vấn đề việc làm.
Nhiều người lao động Việt Nam khi hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc đã về nước đúng thời hạn để được quay trở lại Hàn Quốc theo chính sách tái nhập cảnh của Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, một bộ phận người lao động không còn nguyện vọng trở lại Hàn Quốc làm việc mà muốn xây dựng cho mình cuộc sống tại chính quê nhà. Tuy nhiên, người lao động hồi hương lại phải đối mặt với việc tìm việc làm.
Ông Trần Văn Thuật (Đô Lương, Nghệ An), có con đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nói: “Chúng tôi cũng muốn cháu về nước để xây dựng gia đình vì cũng nhiều tuổi rồi. Nhưng cháu chưa muốn về vì còn mải kiếm tiền. Ở bên đó tuy thu nhập cao hơn, nhưng phải sống phải chui lủi như vậy tôi không yên tâm lắm. Nhà nước hiện nay có chính sách hỗ trợ giới thiệu việc làm, tôi sẽ cố gắng vận động cháu về theo quy định”.
Ông Thuật cũng cho biết thêm “Tôi cũng có cháu họ ở lại làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc gần chục năm. Vừa rồi cháu cũng tự nguyện về nước để được miễn xử phạt theo chính sách của Nhà nước. Bây giờ cháu đã đi làm cho 1 công ty liên doanh gần nhà, lương đủ trang trải được cuộc sống, vẫn có tiết kiệm và được gần gia đình”.
Anh Phan Quang Hùng, một người lao động đã đi làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn. Hiện anh đã là chủ một cơ sở chuyên trồng và cung cấp hoa tươi tại huyện Đan Phượng, Hà Nội tâm sự: “Về nước trong thời gian đầu tôi phải đối mặt với thực tế không có bằng cấp nên không kiếm được việc làm nào có mức thu nhập cao như bên Hàn Quốc. Tuy nhiên, nếu chỉ so sánh về thu nhập thì chưa thực sự thấu đáo”.
Theo anh Phan Quang Hùng, có những điều như hạnh phúc gia đình và sự nghiệp ổn định thì tiền bạc cũng không thể đem lại được. Anh Hùng xác định đi Hàn là để kiếm tiền về lấy vốn làm ăn, nên ngay từ đầu chỉ định chỉ đi 3-4 năm rồi về hẳn. “Bây giờ tôi thấy an tâm vì được gần gũi và có điều kiện chăm lo cho vợ con…”
Có thể nói, người lao động ở Hàn Quốc nếu chăm chỉ làm việc có thể có thu nhập cao hơn ở Việt Nam. Tuy nhiên, không chỉ riêng đối với thị trường Hàn Quốc, người lao động bất hợp pháp nói chung, để có được thu nhập người lao động sẽ phải chấp nhận nhận rủi ro, đánh đổi nhiều thứ mà không lường trước được.
Nhìn chung, người lao động đi xuất khẩu lao động hầu hết mới chỉ chú trọng tìm đến thị trường nào có thu nhập cao hoặc làm sao để được làm việc càng lâu càng tốt mà chưa nghĩ đến vấn đề của ‘hậu xuất khẩu lao động’.
Nếu chỉ trông chờ vào thu nhập ở nước ngoài mà không chuẩn bị cho mình một sự nghiệp ổn định sau khi về nước thì có thể cuối cùng người lao động lại trở về vị trí ban đầu như trước khi đi, nhưng tuổi xuân đã đi qua.
Những người biết cân bằng giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, cân bằng các giá trị vật chất và tinh thần thì sẽ có được hạnh phúc trọn vẹn.
Một đại diện của Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Trung tâm Lao động ngoài nước đã phối hợp với Trung tâm EPS tại VN (thuộc Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc), Trung tâm DVVL các tỉnh, thành phố của các địa phương tổ chức đào tạo nghề miễn phí và giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại VN cho lao động từ Hàn Quốc trở về nếu có nhu cầu.
Phan Đăng