Vật lộn với sóng dữ gom "lộc trời", kiếm tiền triệu mỗi ngày
(Dân trí) - Những cơn sóng lớn trong mùa biển động khiến lượng lớn sò lông dạt vào bờ biển Xuân Hải, Hà Tĩnh. Hàng trăm người dân cầm vợt ra vùng nước sâu cào, bán cho thương lái.
Những ngày này, dọc bãi biển Xuân Hải (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) có hàng trăm người dân kéo nhau ra thu hoạch sò lông. Họ di chuyển bằng xe máy đến bãi biển, mang theo vợt và bao tải.
Mỗi nhóm thợ cào sò có ít nhất 2 người để hỗ trợ nhau. Ông Trần Văn Diệu (38 tuổi, quê xã Thạch Kim, Lộc Hà) cho biết, sò thường dạt vào bờ biển nhiều từ tháng 10 đến tháng 12 Dương lịch. Theo kinh nghiệm của ngư dân, khi biển động, sóng lớn, sò dạt nhiều hơn. Người dân thường gọi đó là "lộc trời".
Ông Diệu ra bãi biển từ 4h sáng cùng vợ và vợ chồng người hàng xóm để hỗ trợ nhau. Cánh đàn ông khỏe mạnh, dẻo dai sẽ dùng vợt sắt dài hơn 1,5m gắn lưới màu xanh dài khoảng 2m ra vùng nước sâu để cào.
Họ đi giật lùi, vật lộn với những con sóng lớn. Khi bao lưới đầy hoặc cảm thấy nặng tay, đuối sức, ngư dân sẽ lên bờ, đổ sò ra bãi cát.
Lúc này, nhóm phụ nữ sẽ phân loại, loại bỏ vỏ nhuyễn thể và rác rồi nhặt sò cho vào bao lưới hoặc bao tải.
Bà Phạm Thị Trường (36 tuổi, vợ ông Diệu) cho hay, mỗi ngày từ sáng đến trưa, nhóm của bà có thể kiếm được 2-3 tạ sò. Với giá 12.000-15.000 đồng/kg tùy loại to nhỏ, họ kiếm tiền triệu là chuyện thường.
Cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Chung (45 tuổi, trú tại xã Thịnh Lộc) là một trong những phụ nữ hiếm hoi trực tiếp xuống biển cào sò. Là phụ nữ chân yếu tay mềm lại không biết bơi, bà Chung chỉ cào được gần bờ. Không có ai đi cùng hỗ trợ nên bà vừa cào vừa tự phân loại sò.
Sau khoảng 6-7 tiếng đồng hồ ngâm nước, bà cào được khoảng 5 yến sò. "Đi từ sớm nên tôi nhịn đói đến giờ. Công việc này tiêu tốn sức, mau khát nước nhưng đổi lại tôi có thu nhập đều đặn mỗi buổi sáng", bà Chung chia sẻ.
Sò lông là một loài động vật thân mềm có hai mảnh vỏ hình bầu dục. Thịt sò lông có vị ngọt, mặn, tính ấm, không độc...
Mùa biển động, đặc biệt sau những đợt mưa bão, sò lông, sò huyết thường dạt vào các bờ biển với số lượng lớn. Người dân các địa phương đổ xô ra bãi biển gom sò về làm thực phẩm hoặc bán kiếm tiền.