1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Vạn lao động rời TPHCM: Việc mất nhân lực như người ốm nhận thêm vết thương

An Linh

(Dân trí) - Doanh nghiệp tại TPHCM vừa gượng dậy sau đại dịch nhưng bài toán khó phải giải là thiếu lao động. Với dây chuyền sản xuất lớn, khép kín, việc mất nhân lực chẳng khác người ốm lại nhận thêm vết thương.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, các chuyên gia kinh tế đều khẳng định một điều: Đại dịch Covid-19 chưa từng có tiền lệ nhưng hệ quả lại đã được báo từ trước.

Vạn lao động rời TPHCM: Việc mất nhân lực như người ốm nhận thêm vết thương - 1

Người lao động rời bỏ TPHCM và Bình Dương khi địa phương nới lỏng giãn cách.

Di dân do dịch cho thấy mặt trái của mô hình phát triển

GS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Khóa XV đánh giá, nhìn dòng người từ TPHCM và các trung tâm công nghiệp phải hồi hương về miền Tây, Tây Nguyên, các tỉnh miền Trung ai cũng thấy đau xót.

Vạn lao động rời TPHCM: Việc mất nhân lực như người ốm nhận thêm vết thương - 2

GS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (Ảnh NVCC).

"Đây là sự lựa chọn bất đắc dĩ của người lao động, vì dịch bệnh đã quá sức chịu đựng của họ. Họ rơi vào tình huống bất khả kháng", GS Cường phân tích.

Ông chỉ rõ, cố cầm cự, ở lại TPHCM cũng khổ, bước vào hành trình về quê cũng khổ, nhưng tâm lý tất yếu, bản thân người lao động, ai cũng muốn được trở về nhà trong lúc này.

"Hiện tượng di dân do dịch cho thấy mặt trái của mô hình phát triển kinh tế mà chúng ta đang duy trì là phụ thuộc FDI và thâm dụng lao động giá rẻ, gây nhiều hệ lụy cho xã hội", GS Cường nhấn mạnh.

Theo GS Cường, vấn đề người di cư từ TPHCM do dịch cho thấy quy hoạch mạng lưới các khu công nghiệp, khu đô thị tại Việt Nam rất thiếu đồng bộ.

Ông đề cập, trong nhiều năm, Việt Nam tăng trưởng theo chiều rộng, tăng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất ở hàng loạt các địa phương có lợi thế. Dù đã nhìn ra được mặt hạn chế, song cả nước vẫn chưa khắc phục được điểm này và hệ lụy đã bộc lộ ở một số khía cạnh, vấn đề.

Vì thế, muốn lao động ở lại TPHCM, phải làm sao vận động được người cho thuê nhà giảm tiền cho người thuê văn phòng, trụ sở, thậm chí miễn giảm tiền thuê nhà ở cho công nhân.

"Việt Nam chạy theo việc thu hút FDI bằng mọi giá, cứ có tiền đầu tư, cứ có máy móc thiết bị là vào Việt Nam được. Đến giai đoạn hiện nay, chúng ta đã có thay đổi về chiến lược thu hút FDI. Hy vọng sắp tới, hình ảnh công nhân lũ lượt rời bỏ thành phố như những ngày qua sẽ không còn nữa", ông Cường nói với PV Dân trí.

Vạn lao động rời TPHCM: Việc mất nhân lực như người ốm nhận thêm vết thương - 3

Dòng người rời khỏi TPHCM, Bình Dương do dịch, đa phần họ tạm xa giấc mơ thị thành để về quê né dịch. Đây là chuyện vạn bất đắc dĩ (Ảnh: Nguyễn Quang).

Ông Cường khẳng định, phải làm sao mô hình tăng trưởng không chạy theo các yếu tố đầu vào như vốn, lao động giá rẻ mà phải từ giá trị gia tăng, từ nội lực, công nghệ và hiệu quả.

"Chúng ta phải tạo ra giá trị gia tăng mới, phải làm chủ công nghệ, phải nhanh hơn, quyết liệt hơn so với thế giới, chứ đúng quy trình thì sẽ tụt lại", GS Cường phân tích.

Theo ông Cường, thế giới hiện nay đang chứng kiến những thay đổi rất nhanh từ chuỗi sản xuất, phương thức giao nhận, thanh toán. Vì thế, nếu không thay đổi từ chiến lược, quy hoạch, chúng ta vẫn phải rút thêm kinh nghiệm..

"Thay đổi phương thức thích ứng để ít chịu tác động bất lợi nhất là đòi hỏi duy nhất lúc này. Chúng ta nhìn thấy hàng loạt hạn chế, yếu kém song cũng thấy nhiều cái mới đang thay đổi rất nhanh. Cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ", GS Cường nói.

Ở lại quê nhà không giải quyết được việc làm

Theo ông Cường: "Tác động dịch bệnh, một mặt tạo khó khăn lớn nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam thay đổi. Người ta thường nói có thách thức mới có thay đổi nhưng nay hãy thay đổi, đón nhận thách thức để có thành quả tốt hơn. Thay đổi không mất đi, chỉ mất đi rủi ro và bài học đã cũ!".

Vạn lao động rời TPHCM: Việc mất nhân lực như người ốm nhận thêm vết thương - 4

Chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng, cần tạo sinh kế bền vững để an yên người lao động (Ảnh Hữu Nghị).

Cũng trả lời PV báo Dân trí, chuyên gia Phạm Chi Lan cũng nhận định "sau đại dịch, người dân, lao động nhập cư vào TPHCM đã... sợ lắm rồi". Nhiệm vụ trước mắt, theo bà Phạm Chi Lan, là làm an yên lòng người lao động, sau đó tính kế sinh bền vững.

"Hiện đa phần lao động ngoại tỉnh làm việc bươn trải tại thành phố lớn, thu nhập một phần nuôi sống mình, một phần gửi về cho bố mẹ, cho vợ hoặc để nuôi con tại quê nhà", bà Lan nói.

Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, vấn đề an sinh đang đặt ra thách thức rất lớn đối với TPHCM khi cơ sở hạ tầng đô thị thiếu, quá tải, hệ thống nhà ở công nhân, lao động nhập cư thiếu.

"Sau đại dịch, lao động nhập cư đã sợ lắm rồi! Làm việc ở các thành phố lớn, họ phải ở trong các nhà trọ tồi tàn, lúc có dịch bệnh về quê cũng khổ mà cố ở lại thì không phải ai cũng có miếng ăn, chỗ ở", bà Lan nêu thực tế.

Vị chuyên gia kinh tế kỳ cựu phân tích, đối với lao động về quê, địa phương vừa phải lo sắp xếp công việc, vừa phải lo an sinh, thậm chí chưa chắc quê hương bản xứ đã có việc làm cho họ. Trong khi đó, những tỉnh thành lớn lại thiếu lao động, "khát" nhân lực.

Vấn đề hiện nay là phải nghĩ sinh kế lâu dài cho người lao động, chỗ ăn, ở, trường học cho con em lao động. Ngoài ra, thế mạnh của các thành phố lớn là dịch vụ, là kinh tế tri thức, là các ngành nghề lĩnh vực có hàm lượng giá trị gia tăng cao.

Việt Nam từng có chủ trương kêu gọi doanh nghiệp làm nhà ở cho công nhân, nhưng rồi cuối cùng, rất ít địa phương làm được. Không có quỹ đất, doanh nghiệp ngại làm vì chi phí lớn trong khi chính sách không bắt buộc, mới chỉ là khuyến khích...

"Nhà nước cần hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp bằng tạo nguồn quỹ đất, miễn thuế đất cho một hoặc một nhóm doanh nghiệp trong khu công nghiệp để làm nhà ở cho công nhân", bà Lan chia sẻ.

Theo ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH, trước bài toán giữ chân người lao động, doanh nghiệp nên chung tay chia sẻ.

Bên cạnh đó, người lao động đang rất khó khăn do tích lũy cạn kiệt, chưa được nhận ngay lương thưởng để cầm cự thêm cũng như đối mặt nỗi lo mắc COVID-19... Do đó doanh nghiệp cần chủ động có chính sách hỗ trợ cho người lao động trong thời gian chưa thể trở lại nhà máy, nhà xưởng.

Nhà nước thì cần tạo điều kiện, ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân tại các khu công nghiệp, địa bàn trọng điểm, ngành trọng điểm... Có thể phủ vắc xin theo từng khu công nghiệp một để phục hồi sản xuất. Khi sản xuất phục hồi, thì người lao động sẽ ở lại làm việc, số người về quê sẽ giảm dần.

Hoàng Mạnh