Vẫn còn gần 1 triệu người bị mất việc, chưa thể trở lại vì Covid-19
(Dân trí) - Mặc dù không còn cảnh giãn cách kéo dài, phong tỏa giới hạn theo địa giới hành chính, song tác động của đại dịch Covid-19 lên vấn đề lao động vẫn nặng nề, trong 3 tháng đầu năm 2022.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, chỉ riêng trong ba tháng đầu năm 2022, Việt Nam có khoảng 16,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị tác động tiêu cực của đại dịch, có 900.00 người bị mất việc, 5,1 triệu người buộc phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất kinh doanh, 5,7 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc. Có khoảng 13,7 triệu lao động Việt Nam bị giảm thu nhập, chiếm 18,3% tổng số lao động.
Hai vùng kinh tế lớn nhất của Việt Nam là đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ vẫn là hai vùng có tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các vùng khác. Số lao động ở 2 vùng này cho biết công việc của họ bị ảnh hưởng do đại dịch chiếm lần lượt là 25,7% và 23,9%; cao hơn đáng kể so với con số này ở vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, tương ứng là 18,8% và 14,4%.
Thành thị vẫn là khu vực có số lao động chịu thiệt hại nhiều hơn nông thôn. Có 25,8% lao động khu vực thành thị bị ảnh hưởng tiêu cực, trong khi đó tỷ lệ này ở nông thôn là 20,5%. Đa phần những người có công việc bị tác động xấu bởi đại dịch Covid-19 trong thời gian qua có độ tuổi khá trẻ, từ 25 đến 54 tuổi, chiếm 73,8%.
Tuy nhiên, điều đáng mừng là lực lượng lao động được phục hồi nhanh chóng bất chấp bối cảnh đại dịch phức tạp, số ca mới tăng nhanh từng ngày.
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I năm 2022 là 51,2 triệu người, tăng hơn 0,4 triệu người so với quý trước và tăng 0,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
So với quý trước, lực lượng lao động ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị đều tăng khoảng 0,2 triệu, lao động là nam giới tăng nhiều hơn so với lực lượng lao động nữ giới (0,3 triệu lao động nam giới so với gần 0,2 triệu lao động của nữ giới).
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I năm 2022 là 68,1%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước. Đông Nam Bộ là vùng tăng mạnh nhất, với 2,1 điểm phần trăm; tiếp theo đó là Đồng bằng sông Cửu Long; với 0,9 %.
Theo Tổng cục Thống kê, nhờ có Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP triển khai kịp thời đã hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương cho người lao động, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh cho người sử dụng lao động, đảm bảo phục hồi, duy trì việc làm cho người lao động.
Hiện nay, các doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất kinh doanh; các cấp, các ngành đang tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trong đó bao gồm các giải pháp cụ thể như hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp.
Theo Tổng cục Thống kê, những chính sách này đã làm cho tình trạng thiếu việc làm của người lao động quý đầu năm 2022 được cải thiện, tiếp nối với thành quả phục hồi đã ghi nhận được ở quý IV năm 2021. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý I năm 2022 là khoảng 1,3 triệu người, giảm 135,2 nghìn người so với quý trước và tăng 357,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I năm 2022 là 3,01%, giảm 0,36 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,81 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị thấp hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 2,39% và 3,40%).