1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Vạch trần chiêu trò lừa đảo của văn phòng môi giới việc làm chui

Bằng chiêu trò giới thiệu việc làm có mức lương cao, chế độ đãi ngộ tốt, bao ăn ở, đóng bảo hiểm, đi làm ngay, Lê Trung Kiên (SN 1991, trú tại Đông Đô, Hưng Hà, Thái Bình) đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng chục người lao động đang có nhu cầu tìm việc làm.

Đối tượng Lê Trung Kiên tại cơ quan điều tra
Đối tượng Lê Trung Kiên tại cơ quan điều tra

Cơ quan CSĐT Công an quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội cho biết, vừa tiến hành bắt khẩn cấp đối tượng Lê Trung Kiên cùng hai đối tượng khác để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chiêu trò việc nhàn, lương cao, đóng bảo hiểm

Đánh vào tâm lý cần tìm việc làm của đông đảo người lao động, Lê Trung Kiên đã nghĩ ra cách thuê nhà để làm nơi hoạt động môi giới việc làm nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Thực hiện ý tưởng, Kiên thuê căn nhà tại số 5 ngõ 214 Nguyễn Xiển (Thanh Xuân, Hà Nội) để mở văn phòng “chui”.

Tại đây, Kiên tuyển thêm hai nhân viên là Trương Thị Thu Hiền (SN 1994, trú tại Thanh Trì, Hà Nội) và Hoàng Văn Tùng (quê Thái Bình). Công việc hàng ngày của Hiền là làm nhân viên văn phòng, cùng với Kiên đón tiếp người lao động đến xin việc, thu tiền, hồ sơ…, còn Tùng làm nhân viên bảo vệ, đồng thời chạy xe máy đưa đón người xin việc nếu có yêu cầu.

Để dụ người lao động, Kiên cùng Hiền đã in các loại giấy tờ, rao vặt tuyển việc làm với nội dung: Tuyển nhân viên đi làm ngay, 7 - 10 triệu đồng/tháng, bao ăn ở, đóng bảo hiểm, rồi mang đi phát tờ rơi và dán khắp các cột điện, tường rào, bảng tin ở TP.Hà Nội. Ngành nghề mà Kiên và các đối tượng hướng đến là nhân viên bán xăng dầu, nhân viên đóng gói bánh kẹo…

Khi người lao động đến xin việc, các đối tượng thu mỗi người từ 300.000 đồng - 1 triệu đồng, tùy theo từng loại công việc. Để người lao động tin tưởng, Kiên và Hiền còn nghĩ ra cách viết hóa đơn thu tiền, đóng dấu “Đã thu tiền” lên hóa đơn, rồi hẹn người lao động ít ngày sau quay lại nhận việc. Tuy nhiên, biên lai thu tiền đó, Hiền và Kiên cất giữ chứ không giao lại cho người xin việc. Khi người lao động quay lại, các đối tượng nghĩ ra đủ cách thoái thác, chối bỏ trách nhiệm.

Qua công tác trinh sát, ngày 23.7, Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Thanh Xuân và Công an phường Hạ Đình đã phát hiện văn phòng môi giới việc làm “chui”, không biển hiệu, không có giấy phép hoạt động tại số 5 ngõ 214 Nguyễn Xiển, phường Hạ Đình (Thanh Xuân) của Lê Trung Kiên đang có hành vi thu tiền nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của NLĐ.

Ngay lập tức, lực lượng chức năng đã tiến hành bắt khẩn cấp 3 đối tượng Lê Trung Kiên, Trương Thị Thu Hiền và Hoàng Văn Tùng để phục vụ điều tra.

Tại cơ quan điều tra, bước đầu, đối tượng Lê Trung Kiên khai nhận, do không có công ăn việc làm ổn định nên Kiên đã nghĩ ra cách mở văn phòng tuyển việc làm “chui”, nhằm chiếm đoạt tài sản của người lao động để kiếm tiền tiêu xài.

Sử dụng chứng minh thư giả, tên giả để lừa đảo

Trao đổi với PV Lao Động & Đời sống về vụ việc, trung tá Trang Mạnh Hùng - Đội phó Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Thanh Xuân cho biết, cả ba đối tượng Kiên, Hiền và Tùng đều không có công ăn việc làm ổn định, riêng Lê Trung Kiên từng có 1 tiền án và 1 tiền sự về tội trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng. Kiên vừa ra tù và đang trong thời gian thử thách.

Theo trung tá Hùng, chiêu trò mà các đối tượng đưa ra là lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người lao động, đánh vào tâm lý cần việc làm của họ, đồng thời trong quá trình lập hồ sơ các đối tượng cũng chỉ thu với một khoản tiền nhỏ nên khi người lao động quay lại hỏi việc làm nhưng không được đáp ứng thì họ cũng không kiện cáo gì vì chỉ bị mất ít tiền.

Tuy nhiên, trước những quảng cáo lương cao, công việc nhàn, chế độ tốt mà các đối tượng đưa ra, rất nhiều lao động có nhu cầu tìm việc làm đã dính chiêu lừa này.

Bước đầu, cơ quan điều tra xác minh, nhóm đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của gần 30 lao động nghèo ngoại tỉnh và Hà Nội với số tiền trên 14 triệu đồng. Theo trung tá Hùng, các đối tượng trên còn dùng tên giả, chứng minh thư giả để thuê văn phòng và giao dịch với người lao động đến tìm việc, trong đó đối tượng Kiên sử dụng các tên gọi Khang, Quyết, Tâm, Vũ, Huy, Hoạt…, đối tượng Hiền sử dụng tên Hà.

Là một nạn nhân của vụ việc, anh Nguyễn Công H (trú tại Định Công, Hoàng Mai) cho biết, trong một lần đi tìm việc làm trên đường Giải Phóng, anh thấy trên cột điện có dán tờ giấy ghi “Tuyển nhân viên bán xăng dầu, lương 8 triệu/tháng, bao ăn ở, đóng bảo hiểm, nhận việc đi làm ngay”. Thấy công việc nhàn, lương lại cao nên anh H gọi điện theo số điện thoại ghi trên tờ giấy rao vặt.

“Lúc tôi gọi điện, họ hỏi đang sinh sống chỗ nào, tôi trình bày mình ở Định Công liền được một người đàn ông hồ hởi nói đang cần người bán hàng cho một cây xăng ở ngay Định Công. Người đàn ông ấy bảo tôi mang hồ sơ đến số 5, ngõ 214 Nguyễn Xiển để nộp hồ sơ. Họ bảo nộp trước 1 triệu đồng để làm lệ phí, mua quần áo, làm thẻ nhân viên để chuẩn bị đi làm. Vì trong người chỉ có 400.000 đồng nên tôi bảo để lúc khác qua nộp song họ bảo, được chừng nào nộp luôn chừng đó. Ba ngày sau, tôi quay lại nhận việc thì họ cứ hứa lên hứa xuống, mãi không nhận được việc tôi mới biết mình bị lừa”, anh H chia sẻ.

Vạch trần chiêu trò lừa đảo của văn phòng môi giới việc làm chui - 2

Đối tượng Trương Thị Thu Hiền (phải) tại cơ quan điều tra. Ảnh do công an quận Thanh Xuân cung cấp.

Có hay không một đường dây lừa đảo?

Cũng theo trung tá Trang Mạnh Hùng, trong quá trình điều tra, lực lượng chức năng xác định, sau một vài ngày thu nhận tiền và hồ sơ xin việc, người lao động quay trở lại tìm Kiên để hỏi về việc làm, có người bị Kiên hứa lên, hứa xuống nhiều lần nhưng cũng có người được Kiên và Hiền đưa đến một văn phòng “chui” khác ở quận Đống Đa để giới thiệu.

Tại đây, Kiên cùng các đối tượng đang làm việc tại văn phòng này đã đưa cho người lao động một tờ giấy ghi các quy tắc phòng cháy rồi bảo người xin việc học thuộc để chuẩn bị đi làm.

“Khi tiến hành xác minh văn phòng “chui” tại quận Đống Đa, lực lượng chức năng xác định, các đối tượng đã bỏ trốn. Giống với chiêu trò của Kiên, các đối tượng ở quận Đống Đa cũng sử dụng tên giả, chứng minh thư giả thuê nhà và mở văn phòng “chui” để làm nơi lừa đảo người lao động có nhu cầu xin việc”, trung tá Hùng cho biết.

Chị Nguyễn Thị T - một nạn nhân - cho biết, vì thấy các đối tượng liên tục giới thiệu việc làm nhàn, lương cao nên chị đã “mạnh dạn” nộp trước 300.000 đồng để các đối tượng mua quần áo, làm thẻ. Năm lần bảy lượt đến hỏi việc mà không được, chị mới biết mình bị lừa.

“Định đi báo công an mấy lần nhưng lỡ nộp hồ sơ, chứng minh thư cho bọn lừa đảo rồi, chúng biết hết chỗ ở, số điện thoại rồi, nếu đi báo công an sợ chúng nó biết sẽ trả thù. Có quá nhiều trung tâm môi giới, trung tâm nào cũng giới thiệu ngon ngọt, chế độ tốt nên không biết đâu là thật, đâu là giả. Chỉ mong cơ quan công an sớm bắt giữ các đối tượng lừa đảo để những người như chúng tôi không còn bị mất tiền oan”, chị T thật thà nói.

Ngày 1.8, Cơ quan CSĐT - Công an quận Thanh Xuân đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lê Trung Kiên để điều tra làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời mở rộng điều tra để sớm làm rõ vụ việc.

Cơ quan công an quận Thanh Xuân thông báo, ai từng là bị hại của các đối tượng trên đề nghị liên hệ tới Công an quận Thanh Xuân theo số điện thoại: 04.38585623 (gặp đồng chí Trung) để cung cấp thông tin, phối hợp giải quyết làm sáng tỏ vụ việc.

Theo Báo Lao Động