Đắk Lắk:

Ưu tiên sử dụng lao động từ vùng dịch về để thu hoạch cà phê

Thúy Diễm

(Dân trí) - Mỗi năm có khoảng trên 12.000 người lao động từ ngoài tỉnh tới Đắk Lắk tham gia thu hái cà phê. Tuy nhiên, hiện số lao động của tỉnh từ vùng dịch về nhiều, sẽ được ưu tiên để giải quyết việc làm.

Ngày 6/11, Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk cho biết, đơn vị vừa có văn bản gửi các địa phương về việc tăng cường công tác quản lý, ngăn ngừa tình trạng lừa đảo, cưỡng bức lao động, đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch để thu hoạch cà phê an toàn trong mùa vụ thu hoạch cà phê trên địa bàn tỉnh.

Ưu tiên sử dụng lao động từ vùng dịch về để thu hoạch cà phê - 1

Đắk Lắk sẽ ưu tiên cho người lao động của tỉnh trở về quê tránh dịch tham gia thu hoạch cà phê (Ảnh: Thúy Diễm).

Theo Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk, hiện nay, tỉnh đã bắt đầu bước vào mùa thu hoạch cà phê, thông thường sẽ có hàng chục nghìn lao động từ các địa phương khác đến tỉnh Đắk Lắk để làm thuê cho các hộ gia đình.

Tuy nhiên, trong điều kiện tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ bùng phát rất cao. Bên cạnh đó, trong thời gian qua số lao động đi làm việc ngoài tỉnh trở về địa phương nhiều.

Do đó, để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động cùng các vấn đề liên quan, Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk đề nghị các địa phương trên địa bàn phối hợp nắm bắt thông tin về nhu cầu, số lượng lao động đến thu hoạch cà phê ở các hộ gia đình.

Sở cũng lưu ý việc số lao động của tỉnh Đắk Lắk đi làm việc ngoài tỉnh trở về địa phương nhiều nên ưu tiên sử dụng những lao động hiện nay đang thất nghiệp tham gia thu hái cà phê để tạo việc làm, giúp người lao động ổn định cuộc sống trong lúc khó khăn.

Ưu tiên sử dụng lao động từ vùng dịch về để thu hoạch cà phê - 2

Cà phê tại Đắk Lắk đã bước vào giai đoạn thu hoạch (Ảnh: Thúy Diễm).

Bên cạnh đó, các địa phương cần thực hiện nghiêm công tác kiểm tra hành chính, nếu phát hiện người phạm tội trà trộn vào làm việc thì xử lý hoặc chuyển cơ quan liên quan xử lý theo thẩm quyền. Kiên quyết xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết các trường hợp vi phạm, đặc biệt là tình trạng sử dụng lao động trẻ em, cưỡng bức lao động, các trường hợp vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch.

Một lãnh đạo phòng Lao động - Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH cho biết, hàng năm có trên 12.000 lao động từ nhiều nơi về Đắk Lắk lao động mùa vụ trong thời điểm thu hoạch cà phê.

"Tuy nhiên đối với mùa thu hái cà phê năm nay, do số lượng người Đắk Lắk trở về từ nhiều tỉnh thành phía Nam để tránh dịch với khoảng 170.000 người (trong đó có khoảng 130.000 người trong độ tuổi lao động) sẽ là nguồn lực lao động dồi dào phục vụ việc thu hoạch", vị lãnh đạo thông tin.

Ưu tiên sử dụng lao động từ vùng dịch về để thu hoạch cà phê - 3

Có khoảng 170.000 người dân Đắk Lắk trở về quê tránh dịch (Ảnh: Minh Trần).

Trước đó, trong buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk về việc thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH Vũ Trọng Bình cũng đề nghị Sở LĐ-TB&XH cùng tỉnh nắm bắt, tìm hiểu nhu cầu số lượng lao động ngoại tỉnh về thu hái cà phê cũng như số lượng lao động của địa phương vừa từ vùng dịch về.

Qua đó, Cục trưởng Cục Việc làm yêu cầu phải đảm bảo nguồn lao động thu hoạch cà phê, không được để xảy ra tình trạng thiếu lao động thu hái làm ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất cà phê của Việt Nam.