U40 là nhóm tìm việc nhiều nhất trong 3 tháng đầu năm
(Dân trí) - Trong quý I, có gần 43% số lao động đi tìm việc thuộc nhóm 30-39 tuổi, cao hơn nhóm 20-29 tuổi (hơn 37%).
Thông tin trên được nêu trong Bản tin Thị trường lao động Việt Nam quý I/2025 do Viện Khoa học Tổ chức nhà nước và Lao động thuộc Bộ Nội vụ tổng hợp từ 18.000 lao động đi tìm việc trên các website, 25.000 doanh nghiệp tuyển dụng với gần 200.000 lượt bản tin đăng tuyển.

Xu hướng tuyển dụng, tìm việc trên thị trường quý I (Ảnh: Viện Khoa học Tổ chức nhà nước và Lao động).
Trong đó, gần 53% vị trí tuyển dụng yêu cầu trình độ từ đại học trở lên, 40,4% yêu cầu trình độ cao đẳng, trung cấp và 6,7% yêu cầu trình độ sơ cấp hoặc không yêu cầu trình độ.
Trong khi đó, 50,8% người đi tìm việc trong quý I có trình độ đại học trở lên, 29,3% người có trình độ cao đẳng, trung cấp và gần 20% không có chuyên môn kỹ thuật.
Hầu hết các vị trí tuyển dụng không yêu cầu kinh nghiệm hoặc yêu cầu kinh nghiệm dưới 2 năm (chiếm 94,3%), còn lại yêu cầu từ 2 năm kinh nghiệm trở lên.
Tuy nhiên, nhóm tìm việc nhiều nhất lại là nhóm 30-39 tuổi, chiếm gần 43%, nhóm 20-29 tuổi chiếm 37,1%.
Người tìm việc nhiều nhất ở nhóm nghề quản trị doanh nghiệp, nhân viên bán hàng, mua sắm và môi giới, kinh doanh tiếp thị, quảng cáo. Trong khi nhà tuyển dụng thường tìm lao động trong lĩnh vực kỹ thuật, vận tải, bán hàng.
Quý I ghi nhận gần 145.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm gần 30.000 người so với quý IV/2024. Trong đó gần 124.000 lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, người nhận hỗ trợ học nghề vẫn chiếm lượng nhỏ, chỉ hơn 3.600 người.
Số liệu về biến động việc làm trong quý I cho thấy thị trường lao động có sự phân hóa rõ nét giữa các ngành nghề. So với quý IV/2024, ngành xây dựng giảm mạnh nhất với 148.500 người, tiếp theo là công nghiệp chế biến, chế tạo (giảm 113.300 người), và nông, lâm nghiệp, thủy sản (giảm 47.200 người).

Ngành xây dựng ghi nhận lượng lao động giảm mạnh nhất quý I (Ảnh: Viện Khoa học Tổ chức nhà nước và Lao động).
Các ngành dịch vụ như lưu trú, ăn uống và tài chính - ngân hàng cũng ghi nhận mức giảm lần lượt là 29.400 và 23.600 người.
Ở chiều ngược lại, các ngành có dấu hiệu phục hồi tích cực gồm vận tải, kho bãi (tăng 47.800 người), giáo dục và đào tạo (tăng 47.200 người), và bán buôn, bán lẻ (tăng 29.100 người).
Ngoài ra, hoạt động kinh doanh bất động sản và ngành nghệ thuật, vui chơi, giải trí cũng tăng việc làm lần lượt là 20.400 và 19.000 người.
So với cùng kỳ năm trước, mức giảm sâu nhất nằm ở ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản với 305.000 lao động. Tuy nhiên, công nghiệp chế biến, chế tạo lại bứt phá mạnh mẽ khi tăng tới 252.000 lao động, bán buôn - bán lẻ cũng tăng 239.600 người. Các ngành vận tải, dịch vụ lưu trú - ăn uống, và dịch vụ khác cũng ghi nhận mức tăng lần lượt là 117.700; 63.200; và 56.000 người.