Hơn 2,2 triệu lao động Việt Nam đang bị lãng phí tiềm năng
(Dân trí) - Báo cáo mới nhất của Bộ Nội vụ cho thấy hơn 2,2 triệu lao động Việt Nam chưa được khai thác đúng mức, đặt ra dấu hỏi lớn về chiến lược sử dụng nhân lực quốc gia.
Báo cáo bổ sung về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Bộ Nội vụ vừa gửi Quốc hội nêu rõ cả nước hiện có khoảng 2,21 triệu người lao động không được khai thác hết tiềm năng, chiếm 4,1% lực lượng lao động cả nước.
Định danh lao động "chưa khai thác hết tiềm năng"
Theo Bộ, đây là nhóm người lao động vẫn trong độ tuổi, có khả năng làm việc, thậm chí có trình độ chuyên môn, nhưng hiện chỉ làm các công việc không đúng ngành nghề, việc tạm thời, hoặc việc làm dưới chuẩn.
Họ có thể là người làm việc bán thời gian bất đắc dĩ, không có cơ hội làm toàn thời gian; người lao động trái ngành, không phát huy được kỹ năng đã học; người thiếu việc làm, làm dưới 35 giờ/tuần hoặc người nằm ngoài lực lượng lao động vì thiếu cơ hội tiếp cận thị trường.
Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên từ 15-24 tuổi vẫn ở mức cao, đạt 7,83%, tăng nhẹ so với năm trước. Trong khi đó, có đến 64,6% lao động đang làm việc ở khu vực phi chính thức - phần lớn là lao động thiếu ổn định và ít được bảo vệ về pháp lý.
Lao động bị lãng phí có thể thành gánh nặng xã hội
Chuyên gia về lao động, việc làm cho rằng, đây là dấu hiệu lãng phí nguồn nhân lực nghiêm trọng, nhất là khi Việt Nam đang bước vào thời kỳ dân số già hóa nhanh. Lực lượng trẻ không được sử dụng đúng cách sẽ kéo theo hệ quả dài hạn về năng suất, thu nhập và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Để khắc phục tình trạng này, theo Bộ Nội vụ, các chính sách lao động cần ưu tiên đào tạo lại, tư vấn nghề, kết nối cung - cầu lao động hiệu quả hơn và tăng khả năng tiếp cận cơ hội việc làm chất lượng cho người trẻ.
Cơ quan quản lý nhà nước cảnh báo, nếu không có biện pháp kịp thời, lực lượng lao động bị lãng phí hôm nay có thể trở thành gánh nặng của nền kinh tế ngày mai.