Tỷ phú nông dân bật dậy từ cuộc sống thiếu trước hụt sau
(Dân trí) - Ông Hồ Trọng Lập (60 tuổi, ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Bình Định) "tả xung hữu đột", từ làm lúa đến chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đều thành công, nhiều năm liền thu lãi trên 1 tỷ đồng.
Ngày 5/9, Hội Nông dân tỉnh Bình Định cho biết, ông Hồ Trọng Lập vinh dự là 1 trong 63 gương mặt nông dân tiêu biểu được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.
Ông Lập là người nổi bật với mô hình sản xuất nông nghiệp toàn diện, từ trồng lúa đến chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Cụ thể, ông thu hoạch 22 tấn lúa mỗi năm, xuất chuồng 300-340 con heo và nuôi trồng thủy sản với sản lượng 7-8 tấn tôm sú, 3-4 tấn cua cùng các loại cá khác.
Từ năm 2018 đến nay, bình quân mỗi năm ông thu lợi nhuận từ 500 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng. Riêng năm 2023, mô hình của ông Lập có lợi nhuận đạt 1,4 tỷ đồng.
Không chỉ thành công trong kinh doanh, mô hình sản xuất của ông Lập còn tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương.
Ngoài ra, ông Lập còn tích cực hỗ trợ cộng đồng khi cho 10 hộ nông dân khó khăn vay vốn không lãi suất, giúp 7 hộ trong số đó thoát nghèo. Đồng thời, ông luôn tham gia nhiệt tình các hoạt động từ thiện và đóng góp vào công tác xây dựng đường giao thông nông thôn.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hồ Trọng Lập chia sẻ niềm tự hào khi được chọn là một trong những nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024. Để có thành công như hôm nay, ông từng trải qua vô vàn khó khăn.
Ông Lập cho rằng, ngoài đam mê làm nông, người gắn bó với mảnh ruộng, vuông ao phải nỗ lực vận động, tự tìm tòi, học hỏi, từ đó áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Trượng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Định đánh giá, đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024, là ghi nhận xứng đáng, trước những nỗ lực không biết mệt mỏi của ông Hồ Trọng Lập trong nhiều năm qua. Ông Lập là tấm gương nông dân dám nghĩ, dám làm.
Trước đây, gia đình ông Lập làm nông chỉ với vài sào ruộng và chăn nuôi heo. Hai vợ chồng có 3 người con, song vợ lại bệnh nặng nên cuộc sống thiếu trước hụt sau. Từ ngày chuyển sang nuôi trồng thủy sản, kinh tế khá giả hơn và có của ăn của để.
Năm 1995, ông Lập vay mượn tiền tham gia đấu thầu 1ha mặt nước bên đầm Thị Nại để nuôi trồng thủy sản nhưng kém hiệu quả vì thiếu kinh nghiệm. Thế nhưng ông không bỏ cuộc mà tự tìm tòi, nghiên cứu qua sách báo, tham gia các lớp tập huấn, tham quan nhiều mô hình…
Nhờ đó, ông tích lũy được nhiều kinh nghiệm, từ cách xử lý phèn, kiểm tra độ pH, cách tạo tảo để tôm, cua, cá mau lớn… đến cách chọn con giống tốt.
Năm 2014, khi có vốn, ông Lập mạnh dạn thuê 5ha mặt nước để mở rộng mô hình theo hướng quảng canh cải tiến. Ông thả giống nhiều đợt và thu tỉa có chọn lọc nên hầu như lúc nào cũng có tôm, cua, cá để bán.
Từ đó, ngày nào ông cũng thu hoạch và thương lái đến tận đầm thu mua. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình ông bắt đầu ổn định và có tích lũy. Ông xây dựng được nhà khang trang, nuôi 3 con tốt nghiệp đại học.