Tỷ phú Hà thành trên cao nguyên

So với 41 năm trước, khi người Hà Nội đi khai hoang, mở đất trên cao nguyên Lâm Ðồng, vùng kinh tế mới (KTM) Lâm Hà nay đã thay da, đổi thịt trên từng thớ đất, ngọn cỏ. Những người con của đất Hà thành không chỉ bám trụ vững chắc, ổn định cuộc sống mà một bộ phận không nhỏ đã vươn lên làm giàu.

Trang trại nổi tiếng bậc nhất Lâm Hà

Về sự đổi đời ngoạn mục của những người con thủ đô tại Lâm Hà, khó ai qua mặt được tỷ phú Trần Văn Ngọ (quê ở huyện Phúc Thọ), người sở hữu trang trại rộng tới 36ha với mô hình đa canh độc đáo, bền vững cho thu nhập hơn 7 tỷ mỗi năm. Bốn đứa con của ông đều thành đạt, học giỏi…

Bố hy sinh ở Bình Dương trong chiến dịch Mậu Thân 1968, còn mẹ tái giá nên từ nhỏ Thọ đã phải lưu lạc, làm thuê kiếm sống ở nhiều nơi. Năm 1989, Thọ đến Lâm Hà phụ việc rồi mở quán ăn. Ngón nghề mổ dê và chế biến món ăn của Ngọ nổi tiếng khắp vùng nên thu hút rất đông thực khách, nhờ vậy mỗi năm anh lãi tiền tỷ. Anh dồn tiền mua 12ha đất ở ở thôn Liên Hồ, xã Liên Hà, khu vực tuy hẻo lánh nhưng lại nằm ven hồ thủy lợi rộng hàng chục héc ta.

Ông Ngọ phải cưỡi xe máy đi kiểm tra trang trại vì quá rộng lớn.
Ông Ngọ phải cưỡi xe máy đi kiểm tra trang trại vì quá rộng lớn.

Khi quả chanh dây vừa xuất hiện ở Lâm Hà, chỉ có vài người trồng, anh đã mạnh dạn đầu tư tới 5ha, thu lợi gần tỷ đồng. Nắm bắt thông tin Lâm Hà là một trong những địa phương hiếm hoi của Việt Nam có điều kiện khí hậu, đất đai và độ cao thích hợp (trên 1.000m) để trồng arabica - chủng cà phê thơm ngon và đắt giá bậc nhất thế giới, anh trồng cả chục héc ta. Lợi nhuận từ những vụ cà phê, chanh dây… giúp anh mua thêm nhiều thửa đất lân cận, mở rộng diện tích trang trại lên tới 36ha.

Trang trại cà phê này đang được chọn thử nghiệm chương trình “Trồng cà phê bền vững” của Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Thay vì chữa bệnh lúc sâu bệnh đã rộ, ông Ngọ áp dụng kỹ thuật kháng bệnh trước cho cây. Mặt khác, trồng xen canh với các loại cây khác như mắc ca và bơ ghép giống Mỹ vừa giúp điều tiết được thổ nhưỡng vừa hạn chế sâu bệnh phá hoại khiến vườn cây luôn phát triển xanh tốt. Hiệu quả cao gấp nhiều lần so với trồng độc canh cà phê.

Quả mắc ca trên vùng đất đỏ bazan Lâm Hà.
Quả mắc ca trên vùng đất đỏ bazan Lâm Hà.

Cách đây 6 năm, khi giới doanh nghiệp và nông dân còn rất e dè với việc trồng mắc ca vì quá mới mẻ, anh đã sang huyện K’Rông Năng (Ðắk Lắk) đặt mua hàng chục ký hạt giống về ươm, sau đó thuê các kỹ sư mang chồi (nhập từ Úc) đến ghép.

“Muốn làm giàu phải mạnh dạn đi tiên phong để chớp lấy thời cơ. Hiện sản lượng trên toàn thế giới mới đáp ứng khoảng 25% nhu cầu, do đó đầu ra vô cùng rộng mở”, anh nói. Ðến nay 300 cây mắc ca đã cho trái với sản lượng khoảng 20kg/cây/mùa với giá ổn định từ 120.000 - 150.000 đồng/kg quả khô. Trang trại còn có hệ thống chuồng trại rộng lớn để nuôi gia công 2.000 con lợn thịt cho một công ty trên địa bàn, bình quân mỗi lứa nuôi trong vòng 8 tháng, thu về 800 triệu đồng. Phân lợn và nước thải được tận dụng để ủ phân xanh, tưới cà phê chứ không sử dụng phân hóa học.

Trang trại này đang thuộc tốp đầu của Lâm Hà cả về diện tích và doanh thu, giải quyết việc làm cho 20 lao động thường xuyên và 40 - 50 lao động thời vụ vào mỗi mùa thu hoạch cà phê.

Vườn cam canh của anh Trần Mạnh Chiến.
Vườn cam canh của anh Trần Mạnh Chiến.

Gắn nghề nuôi tằm với phát triển du lịch

Khi tham quan làng nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm ở các khu phố Ðông Anh 3 và Ðông Anh 5 (thị trấn Nam Ban, Lâm Hà), cô bạn Lan Hương tâm sự ngỡ như đang lạc vào làng Vạn Phúc (Hà Ðông, Hà Nội). Những vườn dâu xanh ngát nhờ đất đỏ bazan màu mỡ, những nhà tằm ăn rỗi rào rào, những nong tơ tằm vàng óng, trắng muốt… Hương đặc biệt ấn tượng khi tham quan cơ sở ươm tơ dệt lụa Cường Hoàn. Máy se sợi, máy sấy, dệt lụa chạy nhịp nhàng. Gian hàng bán các sản phẩm tơ lụa như khăn lụa, áo lụa, cà vạt… cũng rất cuốn hút.

Chủ doanh nghiệp là ông Phan Văn Cường, 52 tuổi, quê Ðông Anh (Hà Nội), dải đất ven sông Hồng có nghề ươm tơ dệt lụa lâu đời. 15 tuổi anh theo gia đình đi KTM ở Lâm Hà rồi đi nghĩa vụ quân sự, sau đó lập nghiệp với nghề tằm tang. Không thỏa mãn với việc trồng dâu, nuôi tằm rồi bán kén như bao nhiêu người khác ở vùng KTM này, anh ấp ủ hoài bão mở cơ sở sản xuất lụa tơ tằm khép kín: trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, se sợi, dệt lụa… gắn với quảng bá phát triển du lịch.

Anh khăn gói ra Bắc học bí quyết dệt để có những vuông lụa bền đẹp. Sau khi trở về Lâm Hà, anh thành lập cơ sở ươm tơ dệt lụa Cường Hoàn với 30 máy ươm tơ, 8 máy dệt lụa, giải quyết lao động thường xuyên cho 50 người dân địa phương.

Trung bình mỗi tháng Cường Hoàn bao tiêu hơn 8 tạ kén cho nông dân, sản xuất hàng ngàn mét lụa, cung ứng 1 tấn tơ cho thị trường. Sợi tơ của cơ sở được một số nhà máy dùng làm nguyên liệu dệt nên các sản phẩm xuất đi Lào, Campuchia, Thái Lan… Doanh thu của Cường Hoàn đạt hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Ðây cũng là một địa chỉ tham quan ưa thích của du khách trong và ngoài nước, có tên trong cuốn “Cẩm nang du lịch quốc tế Guide Book”.

Trồng đào Nhật Tân ở Lâm Hà.
Trồng đào Nhật Tân ở Lâm Hà.

Ðào Nhật Tân trên cao nguyên

Khi di cư vào Lâm Hà, một số người con đất Bắc như Chu Văn Toán, Chu Ðức Lợi, Nguyễn Quang Lâm - Kiều Thị Nga… đã mang theo cả gốc đào, hương án. Tuy nhiên, do đào Nhật Tân quen sống trên đất bãi, nơi có làn sương mỏng mảnh, gió se se lạnh từ sông Hồng thổi về khi tiết trời vào xuân nên không dễ thích nghi với nắng gió cao nguyên. Vì không quen khí hậu, thổ nhưỡng nên chỉ sau hai ba vụ là cây cằn cỗi, hoa nở không đúng vụ, sắc hoa không tươi thắm…

Sau thời gian dài dày công nghiên cứu, chăm sóc, các nghệ nhân đã khiến hoa đào thích ứng với chất đất, khí trời trên vùng quê mới để rồi vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm cung ứng ra thị trường hàng vạn gốc đào đẹp không thua kém đào được trồng ở thủ đô. Giá trị kinh tế cây hoa đem lại cao gấp nhiều lần so với những loại cây khác trên cùng đơn vị diện tích.

Là người trồng đào Nhật Tân nổi tiếng nhất Lâm Hà, ông Chu Ðức Lợi (gần 60 tuổi) đang sở hữu vườn đào 3,5 sào gồm các loại đào Bích, đào Liễu và đào Hồng ở khu phố Ðông Anh 1, thị trấn Nam Ban. Ông kể 16 năm trước đã bứng 50 gốc đào trong vườn nhà mình ở Nhật Tân-Phú Thượng vào trồng tại Lâm Hà. Ðất đỏ Bazan rất mát nên cây lớn nhanh gấp 3 lần ở Hà Nội. Tuy nhiên nếu không biết cách chăm sóc thì cây chỉ toàn lá chứ không có hoa hoặc hoa nở không đúng vụ. Phải mất 3 năm với những bí quyết cha truyền con nối về chăm sóc, tỉa cành, ghép nhánh, hãm bớt thời gian sinh trưởng của cây…, ông mới thành công, bán được lứa đào đầu tiên trên vùng đất mới. Ông nói trồng đào không sợ thừa ế vì những người con đất Bắc xa xứ rất thích chưng loài hoa này để nguôi ngoai nỗi nhớ Thăng Long.

Mỗi khi Tết đến, ông cắt bán khoảng 400 - 500 cành đào có hình dáng đẹp, hoa nở dày và đều với giá từ vài trăm ngàn đến cả triệu mỗi cành; đồng thời cung ứng cho thị trường hàng trăm gốc đào thế với giá từ 5 - 20 triệu đồng/gốc. Ra giêng, người chơi hoa lại gửi những cây đào thế cho ông chăm sóc. Tiền công chăm mỗi cây từ 500 ngàn đến 5 triệu đồng/năm. Nếu không mua đứt bán đoạn, khách có thể thuê cây để chơi trong mấy ngày Tết với giá từ 2 - 20 triệu đồng rồi trả lại. Như vậy mỗi năm ông Lợi thu hơn tỷ đồng từ tiền bán cây, cho thuê và chăm cây.

“Về sự đổi đời ngoạn mục của những người con thủ đô tại Lâm Hà, khó ai qua mặt được tỷ phú Trần Văn Ngọ (quê ở huyện Phúc Thọ), người sở hữu trang trại rộng tới 36ha với mô hình đa canh độc đáo, bền vững cho thu nhập hơn 7 tỷ mỗi năm”.

Theo Báo Tiền Phong