1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Quảng Nam:

Tỷ phú "chân đất" lập nghiệp với 2 chỉ vàng cưới

Ngô Linh

(Dân trí) - Với nghề thu mua, chế biến và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, lão nông Đồng Phước Tào ở Quảng Nam vươn lên thoát nghèo, được bình chọn là nông dân Việt Nam xuất sắc 2022.

Ông Đồng Phước Tào (54 tuổi, ở xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) là một trong 2 nông dân Quảng Nam vinh dự được Hội đồng chung khảo chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam bình chọn xứng đáng nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022".

Với nghề chế biến, thu mua và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, lão nông Đồng Phước Tào tự thân lập nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương; đồng thời, tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương với mức thu nhập khá.

Tỷ phú chân đất lập nghiệp với 2 chỉ vàng cưới - 1

Ông Đồng Phước Tào là một trong 2 nông dân Quảng Nam được bình chọn "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022" (Ảnh: Ngô Linh).

Vươn lên thoát nghèo

Ở xã Quế Phú (huyện Quế Sơn, Quảng Nam), hầu như ai cũng biết ông Ðồng Phước Tào. Cơ ngơi bề thế của vợ chồng ông hôm nay là "quả ngọt" sau cả một hành trình dài đầy gian nan, thấm đẫm mồ hôi để xây dựng mô hình cung ứng nông sản.

Tỷ phú chân đất lập nghiệp với 2 chỉ vàng cưới - 2

Với nghề thu mua, chế biến và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, lão nông Đồng Phước Tào vươn lên thoát nghèo (Ảnh: Ngô Linh).

Năm 1991, hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, ông Tào lập gia đình và sinh sống bằng nghề nông. Quanh năm gắn bó với ruộng đồng, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, vợ chồng ông quyết định chuyển sang nghề thu mua, chế biến và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp như lúa, gạo, nếp, bắp, sắn.

Bà Nguyễn Thị Hoàng (50 tuổi, vợ ông Tào) cho hay gia đình 2 bên đều khó khăn, khi lấy nhau vợ chồng bà chỉ có trong tay 2 chỉ vàng cưới. Từ số vốn ít ỏi, vợ chồng cố gắng gầy dựng, vay mượn để kinh doanh buôn bán.

Lập nghiệp từ 2 chỉ vàng cưới, thành tỷ phú "chân đất" (Video: Ngô Linh).

"Lúc đó tôi vay mượn rồi trả lãi theo ngày, tích tiểu thành đại, chủ yếu lấy công làm lời. Ban đầu, chỉ kinh doanh nhỏ lẻ do nguồn vốn hạn hẹp, bao phen sóng gió mới xây dựng cơ ngơi như hôm nay", bà Hoàng xúc động nhớ lại những tháng ngày gian khó.

Năm 2004, sau khi tích lũy một số kinh nghiệm và được Hội Nông dân xã Quế Phú hỗ trợ vay 100 triệu đồng, vợ chồng ông Tào mạnh dạn thuê thêm kho chứa, mua máy móc và phương tiện vận chuyển. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp để sản phẩm có đầu ra ổn định.

Ông Tào chia sẻ thêm, sau khi có được uy tín trong việc thu mua nông sản tại địa phương, ông mở rộng thị trường đến khu vực miền Trung - Tây Nguyên và toàn quốc.

Tỷ phú chân đất lập nghiệp với 2 chỉ vàng cưới - 3

Hiện cơ sở của ông Tào giải quyết hơn 20 lao động thường xuyên và thời vụ (Ảnh: Ngô Linh).

Từ một cơ sở thu mua, buôn bán nông sản nhỏ, ông Tào đã mở rộng ra thêm nhiều cơ sở kho, trong đó có 2 kho chính gần 1.000m2. Hiện ông đang tiếp tục đầu tư mở rộng thêm một kho chứa hàng nông sản hơn 200m2.

"Mỗi năm tôi thu mua hơn 7.000 tấn nông sản của bà con nông dân và chế biến thành các sản phẩm như gạo, nếp, bột gạo, cám, bắp. Doanh thu mỗi năm vài chục tỷ đồng, lãi ròng hơn 1 tỷ đồng", ông Tào cho hay.

Hiện cơ sở của ông Tào giải quyết hơn 20 lao động thường xuyên và thời vụ, mỗi lao động thu nhập bình quân 10-15 triệu đồng/tháng.

Nông dân hiện đại

Không những là một người nông dân kinh doanh giỏi, lão nông Đồng Phước Tào còn được biết đến là người nông dân biết ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số vào trong kinh doanh.

Tỷ phú chân đất lập nghiệp với 2 chỉ vàng cưới - 4

Mỗi năm ông Tào thu mua hơn 7.000 tấn nông sản của bà con nông dân và chế biến thành các sản phẩm như gạo, nếp, bột gạo, cám, bắp (Ảnh: Ngô Linh).

Nhằm giảm thiểu thời gian đi lại thu mua nông sản, chỉ cần xem hàng thông qua các trang mạng xã hội như facebook, zalo là ông "chốt đơn" hàng. 

Ông Tào cho hay ban đầu hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn như phải trực tiếp đến các đại lý, khách hàng để ký hợp đồng cung ứng hàng hóa, ghi hóa đơn. Tiếp đến phải thanh quyết toán theo cách truyền thống bằng giấy tờ nên tốn nhiều thời gian. Không những thế, nhiều lúc còn chậm trễ, ảnh hưởng đến uy tín của cơ sở và khách hàng.

"Từ khi chuyển đổi số trong kinh doanh, việc triển khai các dịch vụ được thực hiện nhanh chóng, kịp thời đáp ứng yêu cầu của khách hàng thông qua hình thức ký, thanh lý hợp đồng, xuất hóa đơn điện tử, thanh toán qua tài khoản", ông Tào nói.

Tỷ phú chân đất lập nghiệp với 2 chỉ vàng cưới - 5

Hàng năm ông Tào trích 100 triệu đồng để hỗ trợ công tác thiện nguyện tại địa phương (Ảnh: Ngô Linh).

Không những làm giàu trên chính mảnh đất quê hương bằng nghề thu mua nông sản, ông Tào còn giải quyết đầu ra nông sản cho nông dân và giải quyết nhiều lao động tại địa phương. Đặc biệt, hàng năm, ông còn trích 100 triệu đồng để hỗ trợ công tác thiện nguyện tại địa phương.

Ông Trần Hữu Ninh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quế Sơn nhận xét: "Ông Tào là một hội viên nông dân cần cù, chịu khó và chí thú làm ăn, tích cực lao động sản xuất, đi đầu trong các phong trào ở địa phương. Đến nay, ông Tào đã có cơ ngơi ổn định, là một tấm gương điển hình để hội viên nông dân học hỏi".