1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Kiếm tiền từ áo mưa rách, nghề "lạ hoắc lạ huơ", một năm làm nửa mùa

Hoài Sơn

(Dân trí) - Vá áo mưa, cái nghề lạ hoắc khi mới nghe qua mà ít ai biết công việc này đã từng một thời rất thịnh vượng.

Nghề một năm làm nửa mùa

Trong cơn mưa dầm dề, tại chợ Cồn, bà Lê Thị Xuân Lành (51 tuổi), người hiếm hoi còn hành nghề vá áo mưa ở Đà Nẵng vẫn cặm cụi với công việc thường nhật.

Ngồi nép mình bên đường, cặm cụi tì chiếc que hàn lên lỗ hổng của áo mưa, bà Lành kể về chuyện nghề của mình.

Kiếm tiền từ áo mưa rách, nghề lạ hoắc lạ huơ, một năm làm nửa mùa - 1

Bà Lê Thị Xuân Lành là người hiếm hoi còn làm nghề vá áo mưa ở Đà Nẵng (Ảnh: Hoài Sơn).

Năm 12 tuổi, bà theo cha ra góc chợ Cồn để học cắt dán, vá áo mưa. Kể từ đó, bà đã gắn bó luôn với nghề.

"Thấm thoắt cũng gần 40 năm tôi làm nghề này rồi. Giờ nhìn đi ngoảnh lại, cả thành phố cũng chỉ còn mình tôi chung thủy với nghề", bà Lành thổ lộ.

Bà Lành gọi công việc mình làm là "nửa mùa" vì cái nghề này chỉ làm vào mùa mưa và thất nghiệp khi trời nắng ráo.

Theo bà Lành, ngày nay, nghe đến nghề vá áo mưa, ai cũng cảm thấy lạ hoắc, lạ huơ bởi giờ đây, người ta thường vứt bỏ hẳn những chiếc áo mưa bị rách, không còn giá trị sử dụng.

Kiếm tiền từ áo mưa rách, nghề lạ hoắc lạ huơ, một năm làm nửa mùa - 2

Trước khi dán, người thợ phải xem kỹ chỗ rách để cắt miếng dán cho vừa vặn (Ảnh: Hoài Sơn).

Kiếm tiền từ áo mưa rách, nghề lạ hoắc lạ huơ, một năm làm nửa mùa - 3

Sau đó đặt một miếng nilon lên trên áo mưa, bên dưới có kê sẵn một tấm sắt (Ảnh: Hoài Sơn).

Thời khó khăn, sắm một áo mưa tốt không hề dễ dàng, áo mưa tiện lợi cũng chưa phổ biến nên hầu hết mọi người sử dụng áo mưa bộ.

Chiếc áo mưa là món đồ có giá trị đó, mỗi khi rách lại được mang đi vá, nhiều áo vá đi vá lại hàng chục lần, nên nghề này lúc đó khá thịnh và đông người làm.

Kiếm tiền từ áo mưa rách, nghề lạ hoắc lạ huơ, một năm làm nửa mùa - 4

Để vá áo mưa, người thợ dùng mỏ hàn nóng đè mạnh, dí lên dí xuống để miếng nilon bám vào tấm áo (Ảnh: Hoài Sơn).

Theo thời gian, thu nhập thấp và sức khỏe không cho phép, nên những người khác đều đã bỏ nghề. Chỉ riêng bà Lành vẫn bám trụ.

"Bây giờ áo mưa rách là họ mua cái mới luôn. Khách hàng cũng ít dần, chủ yếu là xích lô, những người buôn bán ở chợ hay sinh viên vẫn còn mang áo mưa đi vá thôi", bà Lành thở dài.

Việc "nghèo" vẫn phải khéo

Nhiều khách hàng gọi bà Lành là người "vá áo tàu ngầm". Lý do là bởi những chiếc áo mưa sau khi được vá thì chắc chắn giống như tàu ngầm, không thể thấm nước.

"Tàu ngầm bị thủng, nước vào thì rất nguy hiểm. Còn áo mưa bị thủng, nước thấm sẽ làm người đi mưa bị ướt. Những chiếc áo tôi vá đều chắc chắn như tàu ngầm, bảo đảm không thấm nước, nếu thấm thì tui trả lại tiền", bà Lành giải thích.

Kiếm tiền từ áo mưa rách, nghề lạ hoắc lạ huơ, một năm làm nửa mùa - 5

Vết vá chắc chắn nên nhiều khách hàng gọi bà Lành là người "vá áo tàu ngầm" (Ảnh: Hoài Sơn).

Dụng cụ hành nghề vá áo mưa rất đơn giản, chỉ có cái dũa, mỏ hàn sắt, dao, kéo, lò than và những miếng nilon hoặc vài ba mảnh áo mưa cũ.

Để dán, đầu tiên phải xem kỹ chỗ rách dài rộng, hỏng ra sao rồi cắt miếng nilon hoặc mảnh áo mưa cũ dán lên cho vừa vặn.

Sau đó, bà Lành dùng chiếc dùi sắt trước đó đã nung đỏ trong lò than, chà qua sáp nến để giảm nhiệt.

Kiếm tiền từ áo mưa rách, nghề lạ hoắc lạ huơ, một năm làm nửa mùa - 6

Dù thu nhập từ việc vá áo mưa khá thấp, nhưng bà Lành vẫn vui vẻ bám trụ với nghề (Ảnh: Hoài Sơn).

Thấy nến bốc khói mù mịt, bà Lành gật đầu hài lòng vì nhiệt độ đã vừa, rồi lấy một miếng nilon khác (loại không dính), đặt lên trên miếng vá và áo mưa, bên dưới có kê sẵn một tấm sắt bề mặt sần sùi.

Sau đó, người thợ dùng dùi sắt đang nóng đè mạnh, dí lên dí xuống nhiều lần để miếng nilon bám chặt vào áo mưa.

"Nhìn thì đơn giản, nhưng không cẩn thận lỡ tay đốt mỏ hàn nóng quá thì khi dán áo sẽ bị hỏng, không có tiền mua cái mới đền cho khách đâu", bà Lành nói.

Mỗi ngày bà dán được 5-10 chiếc áo mưa, tiền công tùy theo lỗ rách to hay nhỏ để lấy từ 5.000-20.000 đồng. Còn trời nắng thì may lắm có 1 - 2 khách hoặc ngồi cả ngày cũng chẳng có ai.

Chính vì thu nhập bấp bênh, không đủ trang trải cuộc sống nên những người làm nghề này đã chuyển sang công việc khác. Để có đồng vào đồng ra, với bà Lành, ngoài vá áo mưa, bà còn làm thêm việc ép dẻo các loại giấy tờ.