Tuyên truyền quấy rối tình dục nơi làm việc: Chưa kịp in!
(Dân trí) - Các nội dung, quy định tuyên truyền về phòng chống quấy rối tình dục nơi làm việc tại nhiều cơ quan, xí nghiệp... chưa kịp in.
Học ngành xã hội học, đến đâu làm việc, chị Lê Thị Thơm (ở TPHCM) đều quan tâm đến các các vấn đề về bình đẳng giới, về phòng chống quấy rối tình dục (QRTD) nơi làm việc.
Chị làm ở bộ phận nhân sự, qua rất nhiều công ty nhưng quả thật ít nơi nào đưa vấn đề này vào thông tin, khuyến cáo tới người lao động.
Chị đề xuất, khi nhân viên vào làm, ngoài các yêu cầu về công việc, thời gian, mức lương cần cung cấp cho họ các thông tin cũng như nhắc nhở về các hành vi QRTD.
"Tôi đề nghị in "Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục nơi làm việc" ở bảng thông báo của công ty. Nhưng các sếp từ chối, nói ở đây làm gì có chuyện đó. Chúng ta có quy định, nội dung nhưng còn rất ít nơi đưa vào thông tin, phổ biến đến người lao động", chị Thơm cho biết.
Chị Thơm kể về trường hợp ở công ty cũ, một nữ nhân viên sau nhiều lần bị đồng nghiệp nam quấy rối. Cô cũng chứng kiến mố số đồng nghiệp nữ khác là nạn nhân, cô đã quyết định lên tiếng.
Cô lên tận phòng giám đốc làm ầm ĩ. Cô trách, công ty không có giải pháp tuyên truyền, nhắc nhở nhân sự về ứng xử nơi làm việc. Lúc này, giám đốc nói, có đủ hết về các quy định, quy tắc ứng xử liên quan, có cả tờ rơi truyền truyền, không thiếu thứ gì, nhưng... chưa kịp in.
Chị Trần Ngọc Bích, làm nhân viên truyền thông tại một tập đoàn giáo dục ở TPHCM chia sẻ, chị và rất nhiều người nữa, khi vào làm việc không được ai truyền truyền, phổ biến, nhắc nhở về QRTD.
Tất cả những gì nhân sự được nhắc nhở là các thông tin về công việc, thời gian làm việc, kỷ luật, lương thưởng.
Không tìm thấy chỗ treo bản tuyên truyền
Theo khảo sát về nội dung QRTD nơi làm việc của ActionAid Việt Nam tại một số nhà máy may ở TPHCM và Hải Phòng, hơn một nửa số nữ công nhân được phỏng vấn (55,5%) cho biết, nhà máy không có quy chế, quy định gì liên quan đến phòng ngừa quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Họ không biết hoặc không trả lời được câu hỏi này.
Tại nhà máy M.V ở TPHCM, “Bộ quy tắc ứng xử về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc” được niêm yết ngay cửa ra vào. Nhưng cỡ chữ rất nhỏ, lại treo ở trên cao đến nhóm nghiên cứu còn không đọc được. Chưa nói công nhân rất bận rộn, ít thời gian nghỉ ngơi, xem thông báo.
Còn có trường hợp, việc cảnh báo về quấy rối tình dục nơi làm việc được in ở khổ giấy nhỏ, không được đặt ở vị trí trung tâm. Ngay cả chủ tịch công đoàn của nhà máy muốn giới thiệu cho đoàn khảo sát cũng... đi loay quanh để tìm, phải hỏi nhân viên văn phòng mới ra.
Theo khảo sát, các quy chế, quy định của nhà máy liên quan đến phòng ngừa QRTD tại nơi làm việc còn thiếu, hoặc đã có nhưng chưa rõ ràng, chưa được tuyên truyền, phổ biến gây ấn tượng đối với nữ công nhân.
Nhiều nơi làm cho có, còn mang tính hình thức, chỉ lồng ghép trong một nội dung nhỏ, không rõ rệt xen lẫn với các nội dung hoạt động khác nhằm đảm bảo thực thi nội quy lao động, an toàn lao động.
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra nhiều lý do về việc nhiều nữ công nhân cho rằng không cần quy chế, quy định về phòng ngừa QRTD nơi làm việc. Trong đó, có lý do họ cho rằng chính lãnh đạo công ty không quan tâm đến vấn đề QRTD nơi làm việc.
Thiếu thông tin tuyên truyền, lãnh đạo công ty chưa quan tâm, theo chị Lê Thị Thơm, vậy nên người lao động vừa không có thông tin, kiến thức, cũng không được nhắc nhở, khuyến cáo.
Nhiều người không biết đâu là hành vi QRTD, không biết mình đang quấy rối người khác. Không có kiến thức thì không thể nào phòng tránh.
Chống QRTD phải được ghi trong nội quy lao động
Điều 118, Luật Lao động 2019 (có hiệu lực từ 1/1/2021), có nêu:
1. Người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản.
2. Nội dung nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan. Nội quy lao động bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
b) Trật tự tại nơi làm việc;
c) An toàn, vệ sinh lao động;
d) Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
đ) Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;
e) Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động;
g) Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động;
h) Trách nhiệm vật chất;
i) Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.