Tuyển dụng công chức: Hộ khẩu đã lỗi thời?

Chính quyền TP.HCM vừa quyết định bỏ điều kiện hộ khẩu trong việc tuyển dụng công chức, viên chức, kể cả cán bộ đoàn thể, nhưng đối với những người từ địa phương khác phải có lý lịch rõ ràng.

Tuyển dụng công chức: Hộ khẩu đã lỗi thời? - 1

Đây là một quyết định hợp tình hợp lý được Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đưa ra nhằm tạo điều kiện thu hút nhân lực và bảo đảm tính công bằng cho các cá nhân dự tuyển, nhất là đối với các sinh viên mới ra trường có nguyện vọng được làm việc ở một thành phố năng động.

Thật ra từ nhiều năm qua, các tỉnh thành trực thuộc Trung ương như Đà Nẵng, Cần Thơ… đã không bị ràng buộc bởi điều kiện hộ khẩu trong tuyển dụng công chức mà chỉ có yêu cầu mô tả về vị trí làm việc kèm theo tiêu chuẩn chức danh.

Khi đề cập đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng hộ khẩu không thể và không bao giờ thay thế được tài năng. Điều này được thể hiện rõ trong Luật cán bộ, công chức cũng như các nghị định liên quan của Chính phủ, không bao giờ quy định vấn đề hộ khẩu là điều kiện để tuyển dụng công chức. Luật pháp có một nguyên tắc bất di bất dịch là bất cứ công dân nào cũng có quyền bình đẳng và cơ hội trở thành công chức để phục vụ nhân dân.

Đây là vấn đề không mới, từ năm 2012, Bộ Nội vụ đã nhiều lần có văn bản yêu cầu các địa phương không đặt điều kiện hộ khẩu khi tuyển dụng công chức, nhưng nhiều nơi vẫn chưa thực hiện có thể do vướng mắc bởi một quy định: người dự tuyển phải có lý lịch rõ ràng, minh bạch về quê quán, địa chỉ nơi cư trú và được chính quyền địa phương xác nhận. Thế là việc xét tuyển dụng trở nên máy móc, sợ trách nhiệm, nên nhiều nơi đã xem hộ khẩu là một bảo đảm cao nhất và tuyệt đối về lý lịch công dân.

Tư duy lạc hậu đưa hộ khẩu vào tuyển dụng ngoài việc hạn chế việc thu hút nhân lực cao từ các địa phương khác còn là việc làm trái pháp luật, dễ bị hiểu là bảo vệ lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm.

Bỏ điều kiện hộ khẩu cũng có nghĩa là hạn chế những hệ lụy tiêu cực như chạy công chức viên chức, bởi khi cánh cửa tuyển dụng không phân biệt địa phương thì khi nhu cầu nhân sự được thỏa mãn sẽ không còn chỗ cho những người thiếu năng lực. Và khi ấy chất lượng của hoạt động công vụ và hiệu lực của các cơ quan hành chính nhà nước sẽ được nâng cao nhờ quy tụ được thành phần tinh hoa của xã hội.

Mở cửa tuyển dụng không cần điều kiện hộ khẩu cũng cho thấy, đây là cuộc chạy đua thu hút nhân tài giữa khu vực nhà nước và tư nhân.

Trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển, việc quản lý xã hội đã trở nên quá đơn giản và hiệu quả, thì tờ hộ khẩu đã tỏ ra lỗi thời. Trong xu thế cải cách hành chính thì hộ khẩu không thể là mối bận tâm của người dân như hàng chục năm qua.

Hy vọng rồi đây việc bỏ hộ khẩu sẽ được áp dụng trên nhiều lĩnh vực khác và đến lúc nào đó, tờ giấy màu hồng này có thể bị khai tử vì không còn lợi ích thiết thực.

Theo Doanh nhân Sài gòn