Từ vụ tài xế Lexus "tung" 20 cú đấm: Shipper gặp rủi ro, lọt lưới an sinh

Hoa Lê Nguyễn Vy

(Dân trí) - Lao động làm nghề lái xe công nghệ đối mặt với những rủi ro hiện hữu ở bất cứ nơi đâu. Thực tế lại đang thiếu những hình thức bảo vệ an sinh xã hội cho nhóm lao động này.

Mới đây, Công an quận Tây Hồ, TP Hà Nội, đang xác minh vụ nam shipper bị đánh tới tấp ở đường Nghi Tàm, phường Yên Phụ.

Nhân chứng kể lại, khi đó, tài xế chở hàng từ trong ngách đi ra đúng thời điểm chiếc Lexus tiến vào. Do chở hàng nặng, nam shipper dừng xe, nhường đường cho ô tô đi trước nhưng va chạm vẫn xảy ra.

Lúc này, nam shipper chủ động xin lỗi. Tài xế ô tô bỏ qua và quay trở lại xe. Tuy nhiên, người ngồi ghế phụ trên chiếc Lexus tiếp tục chửi bới nam shipper, nên thanh niên này đã đáp trả: "Xe nhà bác đâm vào cháu, cháu chưa kịp làm gì bác đã hạ kính xuống chửi cháu rồi".

Vừa dứt câu, nam thanh niên liền bị người lái chiếc xế hộp quay lại đánh tới tấp với gần 20 cú đấm trong khoảng 30 giây. 

Những rủi ro bao vây

Liên quan đến sự việc gây bức xúc dư luận trên, TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, không chỉ vụ việc này, rất nhiều sự việc thương tâm đã xảy đến với người lao động làm lái xe công nghệ, giao hàng. Rủi ro với công việc này ngày càng hiện hữu.

Theo ông Thơ, trong mô hình kinh tế mới, mối quan hệ giữa người lao động, khách hàng không ràng buộc như hợp đồng lao động chính thống. Vì vậy, sự thấu hiểu giữa các đối tượng với nhau khá hạn chế. Những xung đột chủ yếu được giải quyết bằng tình người, giá trị đạo đức.

Từ vụ tài xế Lexus tung 20 cú đấm: Shipper gặp rủi ro, lọt lưới an sinh - 1

TS Nguyễn Anh Thơ (Ảnh: Hoa Lê).

"Trong khi đó, giá trị đạo đức, sự tôn trọng giữa mọi người đang có nhiều vấn đề, không chỉ ở một bộ phận giới trẻ, dân cư, mà còn là ở số ít người có học vấn, giàu có...", ông Thơ nhận định.

Về giải pháp trước mắt, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động cho biết, bản thân người tài xế luôn phải cảnh giác, tự phòng ngừa, hạn chế tối đa tham gia những xung đột trong quá trình vận chuyển hàng hóa.

Trong trường hợp đã xảy ra những vụ việc như trên, ông Thơ cho rằng những bạo lực trong cộng đồng cần xử lý nghiêm khắc, công bố xử phạt trên truyền thông đại chúng hoặc yêu cầu xin lỗi, rút kinh nghiệm trước cộng đồng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần có những khóa đào tạo, quy định chặt chẽ về đảm bảo an toàn lao động cho lái xe trong khi chưa có luật điều chỉnh đến nhóm lao động này.

Về lâu dài, ông Thơ cho rằng cần nghiên cứu, đưa ra giải pháp chung. Hiện nay, đã có những đề xuất liên quan đến nhóm lao động lái xe công nghệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Từ đó, đưa họ vào lưới an sinh. Đây cũng là giải pháp dài hạn và toàn diện nhất.

Hạn chế tiếp cận an sinh

Khảo sát nhóm 270 người lao động là các lái xe công nghệ, giao hàng công nghệ và giúp việc gia đình (trong đó có 182 người là lái xe công nghệ, giao hàng công nghệ) của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho thấy, hầu hết họ chỉ có giao kết hợp đồng công việc/hợp đồng đối tác mà không có hợp đồng lao động, với tỷ lệ 79,26%. Thực tế, chỉ 2% có hợp đồng lao động.

Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, khi không có hợp đồng lao động, đồng nghĩa với việc họ không được bảo đảm các quyền lợi về lao động, an sinh xã hội khi gặp rủi ro.

Không chỉ vậy, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, nhóm lao động này hạn chế trong tiếp cận an sinh xã hội khi gặp rủi ro đột xuất và trong bối cảnh dịch bệnh, chủ yếu dùng tiền tiết kiệm cá nhân.

Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội rất thấp, tham gia bảo hiểm y tế 51,11%; chỉ 8,15% tham gia bảo hiểm xã hội.

Từ vụ tài xế Lexus tung 20 cú đấm: Shipper gặp rủi ro, lọt lưới an sinh - 2

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc (Ảnh: NVCC).

Trao đổi về vấn đề này, theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (Social Life) cho rằng, nhóm lao động tự do như người bán hàng rong hay tài xế xe ôm công nghệ hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt các hình thức bảo vệ an sinh xã hội.

Thực tế cho thấy, mặc dù một bộ phận trong số họ đã tham gia bảo hiểm y tế, nhưng tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp vẫn rất thấp.

Điều này khiến họ trở nên dễ bị tổn thương khi gặp các vấn đề về sức khỏe hoặc mất thu nhập do tác động từ thời tiết cực đoan, làm suy giảm thêm khả năng lao động và thu nhập của họ.

Để cải thiện điều kiện làm việc cho nhóm lao động này, vị chuyên gia đề xuất một số giải pháp cấp bách có thể triển khai ngay như: Xây dựng hệ thống các trạm nghỉ di động tại những khu vực tập trung đông lao động ngoài trời, thành lập quỹ hỗ trợ trang thiết bị bảo hộ lao động, và phát triển các gói bảo hiểm vi mô phù hợp cho lao động tự do.

Về lâu dài, ông Lộc cho rằng cần có các giải pháp toàn diện và đồng bộ hơn nhằm hỗ trợ sinh kế bền vững, giúp nhóm lao động này nâng cao năng lực chống chịu và thích ứng tốt hơn trước những tác động ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu.

Làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cũng đề nghị cần tăng cường quy định về cơ chế giám sát đối với các doanh nghiệp vận hành nền tảng công nghệ.

Từ đó, chúng ta hướng đến việc chuẩn hóa, hợp pháp hóa các hoạt động và điều chỉnh hệ thống an sinh xã hội để duy trì sự ổn định trong quan hệ lao động.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cho biết, các nhà cung cấp nền tảng số cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo quyền lợi và các chế độ chính sách liên quan đến việc làm cho người lao động, bao gồm hợp đồng lao động, bảo hiểm, đào tạo nâng cao kỹ năng và các chế độ phúc lợi khác.

Không chỉ doanh nghiệp, người lao động cũng cần chủ động nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc và hiểu biết về pháp luật dân sự, pháp luật lao động. 

Ông Lộc cũng dẫn chứng một số mô hình hỗ trợ hiệu quả từ các quốc gia khác như: Quỹ Hỗ trợ Thời tiết khắc nghiệt cho lao động ngoài trời ở Singapore, chính sách bảo hiểm thất nghiệp do thiên tai tại Nhật Bản, Quỹ Hỗ trợ Thu nhập do thời tiết ở Đài Loan và Bảo hiểm vi mô Thời tiết tại Bangladesh.