1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Từ thu nhập 90 triệu đồng/tháng, sale nhà đất nay chỉ nhận tin cắt lương

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Là một người môi giới bất động sản, từng có thu nhập 90 triệu đồng/tháng, thưởng Tết hàng chục triệu, năm nay H.L. choáng khi 80% nhân viên bị cắt hợp đồng lao động, không lương, thưởng tết.

Thời thưởng Tết "khủng"

Một buổi sáng, H.L. (27 tuổi, quê Bình Định), nhân viên môi giới (sale) bất động sản, cùng đồng nghiệp được gọi đến phòng họp gấp. Không khí buổi họp căng thẳng.

Không vòng vo, Giám đốc nhân sự của công ty thông báo lãnh đạo công ty đã thống nhất cắt giảm 80% nhân sự, chỉ giữ lại các vị trí then chốt để duy trì việc vận hành, quản lý kinh doanh chờ qua giai đoạn khó khăn.

Từ thu nhập 90 triệu đồng/tháng, sale nhà đất nay chỉ nhận tin cắt lương - 1

Từng có thu nhập "khủng", nhân viên môi giới bất động sản giờ phải đối mặt với chuyện cắt việc, cắt lương, cắt thưởng (Ảnh minh họa: Trần Kháng).

"Nghe đến đây, tai tôi thấy lùng bùng. Bản thân tôi thấy choáng và không tin nổi những gì mình vừa nghe. 80% nghĩa là 200 nhân sự của công ty mất việc, xuống làm cộng tác viên không lương, trong đó có tôi", L. chua chát, nói.

Trước đây, L. có 2 năm làm việc tại công ty bất động sản ở quê nhà. Công ty trả cho L. mức lương cứng 6,5 triệu đồng/tháng, khoản hoa hồng cho mỗi giao dịch mua bán thành công tính riêng. Trung bình, L. kiếm được hơn 20 triệu đồng/tháng, có giai đoạn sôi động tới 90 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, cậu còn nhận được khoản thưởng vài chục triệu đồng mỗi dịp Tết. Có thể nói, công việc này mang lại cuộc sống thoải mái cho L., đúng như tên gọi "nghề hốt bạc" trước đó.

Thế nhưng đã qua hơn một năm thị trường bất động sản "đóng băng", những nhân viên môi giới như L. rơi vào cảnh chật vật. Doanh thu công ty sụt giảm, khách hàng thường xuyên liên lạc… biến mất.

Cuối cùng, vì không thể cầm cự thêm, công ty đành cắt giảm nhân sự, L. từ một nhân viên giỏi nay cũng thành cộng tác viên không lương, thu nhập giảm tới 70-80% và dĩ nhiên không có thưởng Tết.

H.L. chia sẻ, để "gồng" qua khoảng thời gian này, anh phải làm thêm một công việc khác để trang trải chi phí sinh hoạt. Đối với công việc "mơ ước", L. vẫn chờ đợi, kỳ vọng cơ hội trở lại thời hoàng kim.

Người bỏ cuộc, người cố "gồng"

Anh Minh Nhật, một quản lý tại công ty bất động sản trên địa bàn TPHCM, cho hay tình hình kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường gặp nhiều khó khăn, trì trệ.

Lượng giao dịch bị giảm mạnh, một số công ty không có nguồn vốn đành phải tạm đóng cửa hoặc chấp nhận phá sản. Không ít nhân viên bất động sản bị chậm lương, tiền hoa hồng và bị cắt thưởng.

Từ thu nhập 90 triệu đồng/tháng, sale nhà đất nay chỉ nhận tin cắt lương - 2

Nhiều nhân viên bất động sản chấp nhận bám trụ với nghề, cầm cự qua khoảng thời gian khó khăn (Ảnh minh họa: L.T.).

"Càng về cuối năm, thị trường có xu hướng tích cực hơn, lượng giao dịch dần ổn định nhưng con số vẫn không đáng kể", anh Nhật nói.

Trước tình hình khó khăn, nam quản lý cho hay, không chỉ nhân viên mà cả quản lý như anh cũng bị ảnh hưởng.

"Thu nhập của tôi giảm 20-25%, còn các bạn sale giảm quá nửa. Ở giai đoạn này, hầu hết các công ty đều đưa ra phương án cắt giảm nhân sự, như công ty tôi vừa sa thải 20% nhân viên", anh Nhật cho biết.

Những năm trước, sale bất động sản ở công ty anh Nhật nếu đạt chỉ tiêu sẽ được thưởng Tết mức 200 triệu đồng. Giờ đây, con số này dự tính sẽ giảm một nửa, có thể hơn.

"Tôi đã làm ở đây từ năm 2018. Trước tình hình này, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đồng hành cùng công ty vượt qua giai đoạn khó khăn", vị quản lý bộc bạch.

Từ thu nhập 90 triệu đồng/tháng, sale nhà đất nay chỉ nhận tin cắt lương - 3

Không ít nhân viên bất động sản lật đật chuyển nghề (Ảnh minh họa: Nhaphonet.vn).

Tuy nhiên, không phải nhân viên bất động sản nào cũng chọn ở lại.

Đầu năm 2023, ngay sau khi bán được căn nhà trị giá 12 tỷ đồng, T. lập tức nghỉ việc vì nhận ra, càng bám sâu nghề môi giới bất động sản lúc này sẽ càng khó khăn. Khi đó, anh T.T. đã có cơ hội làm việc tại một công ty bất động sản có tiếng ở TPHCM. T. đã thể hiện bản thân là một nhân sự có triển vọng khi chốt được nhiều hợp đồng có giá trị.

Làm việc với mức lương cứng 5,4 triệu đồng, thu nhập của anh hầu hết chờ các khoản phúc lợi khác như tiền hoa hồng, thưởng dự án… Dù lương thấp, T. có được thu nhập cao gấp nhiều lần bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản rơi vào thế khó khăn, T. sớm nhận ra những thách thức trong nghề và chủ động nghỉ việc.

"Tôi chọn công việc này với kỳ vọng sẽ có mức thu nhập cao, được gặp gỡ những người giàu có để học hỏi cách thức kinh doanh của họ. Tôi khá kỳ vọng về lĩnh vực này nhưng khi nghề rơi vào tình thế khó khăn, tôi chấp nhận rời đi để tránh rủi ro. Bản thân tôi cũng phải có mức lương ổn định, trang trải được cuộc sống chứ ở lại chờ bất động sản phục hồi thì khá rủi ro", anh T. nói.

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong 9 tháng đầu năm 2023, lượng giao dịch mới chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước và bằng khoảng 20% so với giai đoạn "sốt" đất. Thậm chí một số doanh nghiệp quy mô dưới 100 nhân viên có mức giảm doanh thu lên tới 70% - 80%.

Mỗi tháng, có khoảng 107 doanh nghiệp bất động sản dừng hoạt động, rời khỏi thị trường. Riêng với các sàn giao dịch, 20% sàn tiếp tục đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, phải cố gắng cầm cự, "sống bằng niềm tin" thị trường sẽ khôi phục vào cuối năm 2023.

Các doanh nghiệp bất động sản còn hoạt động cũng phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, lực lượng lao động. Trên 95% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động và có tới 50% số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản phải giảm quy mô lao động trên 20% so với quý 2/2022.

Một số doanh nghiệp có quy mô dưới 50 nhân viên thậm chí còn chấm dứt hợp đồng với hơn 90% người lao động, gần như ngừng hoạt động kinh doanh, chỉ giữ lại những vị trí quản trị trọng yếu hoặc dừng ký hợp đồng tạm thời trong 3-6 tháng, cho thôi việc hoặc chuyển sang chế độ không lương - cộng tác viên, cắt giảm lương tùy cấp bậc,...