Từ 2018-2021: Hỗ trợ 80 tỷ đồng tới 91.000 nữ hưu trí bị thiệt thòi

(Dân trí) - Số lao động nữ bị ảnh hưởng bởi công thức tính lương hưu mới của Luật BHXH năm 2014 là khoảng 91.000 người trong giai đoạn 2018-2021. Nguồn kinh phí hỗ trợ sẽ được điều chỉnh qua lương hưu và lấy từ Quỹ Bảo hiểm xã hội. Tổng số tiền hỗ trợ sẽ khoảng 80 tỉ đồng.


Từ 2018-2021, khoảng 91.000 lao động nữ bị ảnh hưởng bởi công thức tính lương hưu của Luật BHXH năm 2014.

Từ 2018-2021, khoảng 91.000 lao động nữ bị ảnh hưởng bởi công thức tính lương hưu của Luật BHXH năm 2014.

Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội đã thống nhất giao Chính phủ ban hành văn bản thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2021 và bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam.

Nguyên nhân từ việc thay đổi cách tính lương hưu và nguồn kinh phí thực hiện do Quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo.

Trước đó, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã gửi Tờ trình số 231/TTr-CP về việc đề nghị Quốc hội giao Chính phủ thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018.

Tránh “cú sốc” vì thay đổi lương hưu

Theo Tờ trình 231/TTr-CP, từ ngày 1/1/2018, việc điều chỉnh công thức tính lương hưu trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 bên cạnh một số ưu điểm, quy định thay đổi cách tính lương hưu đối với lao động nữ đã làm phát sinh sự so sánh giữa lao động nữ với lao động nam, giữa lao động nữ nghỉ sau với lao động nữ nghỉ trước thời điểm ngày 1/1/2018.

Do quy định công thức tính lương hưu của nam được áp dụng nhưng có lộ trình thay đổi dần trong thời gian 5 năm. Nhưng với lao động nữ, việc thay đổi được áp dụng ngay trong năm 2018.

Điều này khiến một số lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 có tỷ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng bảo hiểm xã hội nghỉ hưu năm 2017 (từ 1% đến 10%).

Theo số liệu dự báo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, với việc áp dụng công thức tính lương hưu theo quy định của Luật BHXH năm 2014, số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn năm 2018 - 2021 sẽ có mức lương hưu thiệt hơn trong mối tương quan với lao động nam.

Đồng thời, cũng tạo ra tâm lý so sánh giữa lao động nữ và lao động nam (lao động nam chỉ giảm 1% đến 2%).

Theo Bảo hiểm xã hội VN, số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 - 2021 và có từ 20 năm đến 29 năm 6 tháng đóng BHXH là khoảng trên 91.000 người, gồm: 20.500 người nghỉ hưu vào năm 2018; 22.000 người vào năm 2019; 23.500 người vào năm 2020 và 25.100 người vào năm 2021.

Qua đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH và ý kiến tham gia của Tổng LĐLĐ VN, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, việc xây dựng giải pháp hỗ trợ, khắc phục hạn chế nêu trên, giảm thiểu tác động đối với số lao động nữ bị thiệt do thay đổi công thức tính lương hưu là cần thiết.

Qua đó phần nào đảm bảo lộ trình hài hòa giữa lao động nam và lao động nữ, giữa các lao động nữ nghỉ hưu trước và sau thời điểm 1/1/2018.

Tỉ lệ hỗ trợ giảm dần

Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc hỗ trợ sẽ áp dụng trực tiếp vào lương hưu. Mức lương hưu sau khi điều chỉnh là căn cứ để tính điều chỉnh lương hưu ở những lần điều chỉnh lương hưu tiếp theo theo quy định tại Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, mức điều chỉnh bảo đảm nguyên tắc hỗ trợ số tiền chênh lệch lương hưu nếu tính theo quy định tại khoản 2 Điều 56 và khoản 2 Điều 74 của Luật Bảo hiểm xã hội (không có lộ trình) so với nếu thực hiện theo lộ trình như nam giới.

Được biết, Chính phủ đang gấp rút xây dựng văn bản quy định cụ thể việc thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2021 và bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam.

Về tỉ lệ hỗ trợ, phân tích cho thấy, do thời gian đã đóng BHXH của lao động nữ là khác nhau nên tỷ lệ hưởng lương hưu bị giảm trừ cũng khác nhau. Điều này dẫn đến các mức điều chỉnh cũng phải tính toán khác nhau, tùy thuộc vào số thời gian đã đóng BHXH và năm bắt đầu hưởng lương hưu.

Theo Tờ trình của Bộ LĐ-TB&XH, Chính phủ sẽ điều chỉnh để hỗ trợ số tiền tương ứng với chênh lệch lương hưu nếu tính Luật Bảo hiểm xã hội (10%) so với nếu thực hiện theo lộ trình như nam giới. Tức là sẽ bù vào tỷ lệ hưởng lương hưu lần lượt cho lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu năm 2018 là 8%; 2019 là 6%; 2020 là 4%; 2021 là 2% và từ 2022 thì không được bù vì kết thúc lộ trình như nam giới.

Về nguồn kinh phí thực hiện điều chỉnh, nội dung Tờ trình cho thấy, thực hiện theo phương án điều chỉnh nêu trên, giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021, mỗi năm sẽ phát sinh thêm nhu cầu kinh phí cụ thể như sau: Năm 2018: 27,8 tỷ đồng; năm 2019: 23,7 tỷ đồng; năm 2020: 18,1 tỷ đồng; năm 2021: 10,3 tỷ đồng. Tổng cộng kinh phí sẽ khoảng 80 tỷ đồng.

Dự kiến áp dụng nguyên tắc tính toán một trường hợp mẫu, sau đó áp dụng cho các trường hợp tương tự.

Theo Tờ trình, giả sử lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ năm 2018, có đúng 25 năm đóng bảo hiểm xã hội: Tỷ lệ hưởng lương hưu năm 2018 theo Luật: 65%; Tỷ lệ hưởng lương hưu của người có cùng 25 năm đóng bảo hiểm xã hội nhưng bắt đầu hưởng lương hưu ở năm 2017 là: 75%; Mức giảm: 10% trong 01 năm (2018 so 2017).

Nếu kéo dãn lộ trình giảm tỷ lệ hưởng lương hưu trong 5 năm từ năm 2018 đến năm 2022 thì mỗi năm, lao động nữ sẽ chỉ bị giảm 2% (bằng 1/5 của 10%) so với năm trước. Như vậy lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong năm 2018 giảm 2%; 2019 giảm 4%; 2020 giảm 6%; 2021 giảm 8% và 2022 giảm 10%.

Hoàng Mạnh