1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

“80 % lao động nữ trung niên bị sa thải tại các doanh nghiệp FDI là chưa đúng”

(Dân trí) - “Một số đại biểu và dư luận gần đây nêu rằng có tới 80% người lao động nữ trên 35 tuổi tại doanh nghiệp FDI bị sa thải, đây là con số này chưa đúng thực chất”.

“80 % lao động nữ trung niên bị sa thải tại các doanh nghiệp FDI là chưa đúng” - 1

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trao đổi tại Quốc hội hôm 9/11 trước một số ý kiến về tình trạng sa thải lao động trung niên tại các doanh nghiệp FDI.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc sa thải lao động trung niên là vấn đề lớn và cần cẩn trọng khi đánh giá: “Trong phiên họp Thường vụ Quốc hội tháng 9, Chính phủ đã báo cáo với Thường vụ vấn đề này và Chính phủ đã cùng với Ủy ban vấn đề xã hội lập nhiều đoàn kiểm tra, giám sát”.

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, khu vực doanh nghiệp FDI có khoảng 2,6 triệu người lao động. Các doanh nghiệp FDI đóng góp nhiều vào tăng trưởng kinh tế, xã hội và trong giải quyết việc làm và an sinh xã hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận tình trạng sa thải lao động trung niên xảy ra thời gian qua.

“Nhưng con số như một số đại biểu và dư luận gần đây cho rằng có tới 80% người lao động nữ trên 35 tuổi bị doanh nghiệp FDI sa thải là không đúng thực chất” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

"Về việc xử lý chênh lệch mức lương hưu của phụ nữ nghỉ hưu trước và sau ngày 1/1/2018 theo Điều 2 khoản 2, Điều 56 và khoản 2 Điều 74. Vấn đề này Chính phủ đã sớm phát hiện và tiến hành khảo sát đánh giá tác động và báo cáo Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9.

Chính phủ đã xem xét tại phiên họp thường kỳ tháng 10 và có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét quyết định theo thẩm quyền đề xuất của Chính phủ theo hướng vừa đảm bảo thực thi pháp luật vừa đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng và quan tâm tới vấn đề bình đẳng giới. Thực hiện theo lộ trình, không gây sốc, không gây bức xúc cho xã hội, thẩm quyền này thuộc Quốc hội xem xét” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, số người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp 9 tháng đầu năm 2017 là 523.888, trong đó nữ là 293.681 người (lao động nữ ở TP Hồ Chí Minh đăng ký bảo hiểm thất nghiệp chiếm 12%).

“Việc đánh giá 80% doanh nghiệp FDI khu vực này sa thải hay vì nhiều lý do để công nhân không có việc làm và không ổn định, tôi cho rằng cần cẩn trọng để đánh giá cho đầy đủ, nếu không cũng rất ảnh hưởng lớn đến khu vực này” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận việc này đang tác động vào thị trường lao động Việt Nam. Theo đó, nhân lực nữ lao động Việt Nam có nguy cơ mất dần thị phần không chỉ ở quốc tế mà nguy cơ mất việc rất cao đối với các ngành nghề thâm dụng lao động cao như dệt may, giày da do máy móc thay thế tới 85% lao động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói: “Số liệu này dự báo tới năm 2025, nếu không điều chỉnh có thể lên tới 70 - 80% lao động trong lĩnh vực dệt may, giày da bị ảnh hưởng. Điều này đặt ra vấn đề phải nâng cao chất lượng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho khu vực nông thôn và khu vực phi chính thức”.

Nghiên cứu chính sách ràng buộc doanh nghiệp FDI sử dụng lâu dài lao động

Trước đó, trong buổi làm việc với Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã cảnh báo tình trạng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chỉ sử dụng lao động trẻ tuổi. Những lao động này gần như không được đào tạo bài bản và được đưa vào việc làm ngay. Nhưng chỉ sau vài năm làm việc với lương và mức đóng BHXH tăng dần, không ít người lao động có nguy cơ bị đào thải. Doanh nghiệp lại tuyển lao động mới vào với mức lương và mức đóng BHXH thấp.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khi rời khỏi các doanh nghiệp này, người lao động đã 30-35 tuổi và sẽ khó tìm việc có thu nhập cao vì trình độ tay nghề gần như không có. Người lao động có nguy cơ cao khi phải đối mặt với thực tế quay trở về khu vực nông thôn và làm những công việc giản đơn, thu nhập thấp. Bộ trưởng đề nghị các cơ quan ngành LĐ-TB&XH cần nghiên cứu chính sách ràng buộc doanh nghiệp FDI sử dụng lao động lâu dài hơn, trước hết là chính sách trong quá trình tuyển dụng và sa thải, nghỉ việc người lao động.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

Tổ chức điều tra thị trường lao động

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bà rịa Vũng Tàu (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) đang triển khai công tác tổng hợp kết quả điều tra, cập nhật thông tin biến động cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh phục vụ cho năm 2017.

“80 % lao động nữ trung niên bị sa thải tại các doanh nghiệp FDI là chưa đúng” - 2

Trước đó, Trung tâm đã thực hiện việc thu thập và xử lý thông tin cung - cầu lao động từ ngày tháng 7 tới tháng 9/2016, công tác khảo sát đã được thực hiện tại 237.849 gia đình trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy, trong số 237.849 hộ gia đình được điều tra, có 529.250 người có việc làm, 3.909 người thất nghiệp…Trên cơ sở nguồn dữ liệu điều tra được, các địa phương có thể theo dõi tình hình biến động tăng, giảm nguồn cung - cầu lao động để có biện pháp điều chỉnh kịp thời. Đồng thời giúp cơ quan chức năng có thêm thông tin để phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Theo Trung tâm, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển khoảng 15.000 chỗ làm việc. Trong đó, lao động phổ thông, sơ cấp nghề, công nhân kỹ thuật lành nghề chiếm 52%, trình độ trung cấp 25%, trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học 27%. Được biết, nguồn dữ liệu thống kê trên sẽ được cập nhật vào phần mềm quản lý của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), qua đó giúp cơ quan chức năng có thêm thông tin phục vụ công tác xây dựng kế hoạch thị trường lao động tốt hơn.

T.H

TP HCM cần 23.000 vị trí làm việc cuối năm

Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong các tháng cuối năm, trên địa bàn thành phố cần tới khoảng 23.000 vị trí làm việc.

“80 % lao động nữ trung niên bị sa thải tại các doanh nghiệp FDI là chưa đúng” - 3

Cụ thể tập trung ở các nhóm ngành nghề như: nhân viên kinh doanh - bán hàng; dịch vụ - phục vụ, dệt may - giày da, dịch vụ du lịch - nhà hàng - khách sạn , cơ khí - tự động hóa. Ông Trần Anh Tuấn cho biết thêm, nhu cầu nhân lực đại học và trên đại học chiếm 20%, cao đẳng 15%, trung cấp 22%, công nhân kỹ thuật 7%, sơ cấp nghề 6%, lao động phổ thông tăng lên 30%. Trong khi đó, cơ cấu nhưng thị trường lao động đang phát triển theo yêu cầu tăng nhanh nguồn nhân lực có trình độ cao. Doanh nghiệp đang quan tâm nhiều tới lao động có kỹ năng, kiến thức về khoa học công nghệ, quản trị và sản xuất kinh doanh. Đánh giá của Trung tâm dự báo cho thất, vẫn còn nhiều người lao động thiếu kỹ năng làm việc, chất lượng lao động chưa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập.

N.H