1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Từ 1/7: Chỉ còn 3 trường hợp viên chức ký hợp đồng làm việc không thời hạn

(Dân trí) - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Viên chức có hiệu lực từ 1/7/2020 với nhiều quy định mới về tuyển dụng, đãi ngộ công chức, viên chức.

3 đối tượng được ký HĐLĐ không thời hạn

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Viên chức quy định, từ 1/7/2020, hợp đồng làm việc không xác định thời hạn chỉ còn được áp dụng với 3 trường hợp sau: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2020; cán bộ, công chức chuyển thành viên chức; người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Từ 1/7: Chỉ còn 3 trường hợp viên chức ký hợp đồng làm việc không thời hạn - 1

Ảnh minh hoạ internet

Trước đây, Luật viên chức 2010 quy định viên chức sau khi đã thực hiện xong hợp đồng xác định thời hạn và tiếp tục ký hợp đồng sẽ được ký hợp đồng không xác định thời hạn.

Cử nhân loại xuất sắc được xét tuyển vào công chức

 Việc tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển được thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức đối với từng nhóm đối tượng như:

Cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học;

Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.

Trước đó, Điều 36 Luật Cán bộ, công chức 2008 chỉ quy định trường hợp nhân sự được xem xét tuyển dụng thông qua xét tuyển vào công chức nếu: Cam kết tình nguyện làm việc từ 5 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đánh giá công chức theo nhiều tiêu chí

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Viên chức nêu rõ việc đánh giá công chức theo các nội dung, sau:

Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc; năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao; tiến độ và chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể.

Tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ;

Thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp đối với những vị trí tiếp xúc trực tiếp hoặc trực tiếp giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý còn được đánh giá theo các nội dung sau đây:

Kế hoạch làm việc và kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý; việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cá nhân phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách. Mức xếp loại chất lượng của cá nhân không cao hơn mức xếp loại chất lượng của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách.

Tiến độ, chất lượng các công việc được giao; năng lực lãnh đạo, quản lý; năng lực tập hợp, đoàn kết.

Hoàng Mạnh