1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Trường hợp nào phải ký hợp đồng không xác định thời hạn

Ông Đặng Đức Thành (Bắc Giang) ký hợp đồng tập sự năm 2013 với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện, hưởng 85% lương, hệ số 2,34. Năm 2014, 2015, 2016, ông được ký hợp đồng 1 năm/lần, lương bậc 1, hệ số 2,34 và được hưởng hệ số thu nhập tăng thêm.

Năm 2017, ông Thành được đơn vị ký hợp đồng lao động xác định thời hạn 3 năm, hưởng lương bậc 2, hệ số 2,67.

Ông Thành hỏi, loại hợp đồng lao động xác định thời hạn 3 năm đơn vị ký với tôi có phù hợp quy định hay không? Việc đơn vị của ông ký hợp đồng và nâng lương cho người lao động theo bậc lương, hệ số lương, bảng lương do Nhà nước quy định áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức là có phù hợp hay không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề ông Thành hỏi như sau:

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 22 Bộ luật Lao động , khi hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì, hợp đồng xác định thời hạn đã giao kết trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 1 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Trường hợp ông Đặng Đức Thành làm việc tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện. Sau khi hoàn thành chế độ tập sự, thử việc, từ năm 2014, 2015, 2016, mỗi năm, đơn vị ký với ông Thành hợp đồng lao động xác định thời hạn 1 năm (12 tháng). Ông Thành được xếp, hưởng 100% tiền lương bậc 1/9, hệ số 2,34, thang lương viên chức loại A1 (đối với người có trình độ đại học), bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ.

Căn cứ Khoản 2, Điều 22 Bộ luật Lao động, đáng lẽ khi hết thời hạn của hợp đồng xác định thời hạn lần thứ hai (ký năm 2015) thì đến năm 2016 đơn vị phải ký hợp đồng lần thứ ba với ông Thành theo loại hợp đồng lao động không xác định thời hạn mới đúng quy định.

Vì vậy, năm 2017, đơn vị ký hợp đồng lần thứ tư với ông Thành theo loại hợp đồng lao động xác định thời hạn 3 năm là không đúng quy định.

Để bảo đảm quyền lợi cho ông Thành, đơn vị cần thiết phải thay đổi loại hợp đồng xác định thời hạn đã ký với ông Thành sang loại hợp đồng không xác định thời hạn.

Nguyên tắc xếp lương với lao động hợp đồng

Điều 15 Bộ luật Lao động quy định, hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Về nguyên tắc, thỏa thuận về tiền lương phải được hai bên thực hiện trên cơ sở quy định của pháp luật về tiền lương.

Hiện nay, những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập được xếp lương theo thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ; được tham gia, đóng, hưởng BHXH, BHTN, BHYT, được nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn theo quy định, được hưởng tiền thu nhập tăng thêm theo quy định và các chế độ chính sách khác như viên chức có cùng trình độ đào tạo hoặc, có chức danh nghề nghiệp đang cùng làm việc tại đơn vị.

Điểm c, Khoản 1, Điều 1 Thông tư số 08/2013/TT-BNV ngày 31/7/2013 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động quy định, những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động được xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập là đối tượng được nâng bậc lương thường xuyên.

Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 2 Thông tư này thì, đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương.

Trường hợp ông Thành, sau thời gian tập sự thử việc, từ năm 2014, 2015, 2016 ông làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, đến năm 2017 đã có thời gian giữ bậc 1/9, hệ số 2,34 đủ 3 năm (36 tháng), do đó khi ký hợp đồng lao động kế tiếp vào năm 2017, ông Thành đã được đơn vị kết hợp nâng bậc lương thường xuyên, lên bậc 2/9, hệ số 2,67 là đúng quy định.

Theo Chinhphu.vn

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.