Trồng thứ cây "trăm đốt", lão nông cao nguyên hốt bạc tỷ mỗi tháng
(Dân trí) - Hàng nghìn bụi tre đã phát triển xanh tốt sau 6 năm được lão nông vùng cao nguyên Đắk Nông trồng ngay trên đất bô-xit, nhiễm phèn, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi tháng.
Cho tre "sinh sản" trái mùa
Qua quốc lộ 28 đoạn bon Bu Nơr (xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) nhiều người không khỏi bất ngờ khi một đoạn đường dài phủ kín những rặng tre. Số tre này được vợ chồng ông Lê Minh Hoàng (72 tuổi) và bà Nguyễn Thị Sang (71 tuổi) trồng hơn 6 năm trước, trở thành vườn tre "độc nhất vô nhị" tại Đắk Nông.
Năm 1997, vợ chồng ông Hoàng rời thành phố biển Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) để lên Đắk Nông. Thời điểm đó, khu vực ông bà sống vẫn chỉ là vùng đất hoang hóa, chủ yếu chỉ có đồng bào Mạ người bản địa sinh sống. Bà con ở đây canh tác nông nghiệp vẫn còn rất lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào thời tiết và chỉ quanh quẩn với một số loại cây trồng.
Vào mùa mưa, người dân địa phương thường vào rừng hái măng tre, măng lồ ô nên gia đình ông Hoàng thu mua để chế biến. Tuy nhiên việc thu hoạch măng chỉ kéo dài khoảng 3 tháng, phần lớn dựa vào sức người và thời tiết, mưa nhiều thì măng mới nhiều, dẫn đến nguồn cung cấp không ổn định.
"Mùa măng ở đây chỉ có vài tháng mùa mưa, nguồn nguyên liệu không ổn. Biết được Đài Loan có giống măng cho thu hoạch quanh năm, tôi cho con trai sang bên đó để tìm hiểu và mua giống măng về trồng thử", bà Sang kể lại quyết định của gia đình.
Đầu năm 2017, có trong tay 50 gốc măng giống, gia đình bà Sang đã trồng thử nghiệm ngay. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên đến cuối năm chỉ còn 30 cây sống sót. May mắn, 8 tháng sau thì cho măng thu hoạch.
"Măng rất ngon, không đắng như măng rừng hay măng tre thông thường. Ngay sau đó, chúng tôi học cách nhân giống và từ hơn 30 gốc ban đầu đến nay, trang trại đã có hàng ngàn gốc măng tre bốn mùa, trong đó măng cho thu hoạch đã có tuổi đời 6 năm", ông Lê Minh Hoàng - chủ nhân vườn tre, người có kinh nghiệm gần 20 năm làm măng chia sẻ.
Đặc biệt, ông Hoàng xử lý để có măng tre ra trái mùa, từ đó cho thu nhập cao hơn và không phải cạnh tranh với măng rừng của người dân địa phương.
"Vào mùa mưa, người dân bản địa thường vào rừng hái măng và bán cho các thương lái. Trong thời gian này, chúng tôi để măng phát triển thành cây tre nhằm cung cấp nguồn giống cho những năm tới. Đến mùa khô, chúng tôi sẽ sử dụng nước tưới, kích thích tre ra măng để có măng trái mùa bán. Trung bình, mỗi ngày chúng tôi thu hoạch khoảng 3 tấn măng tươi, với giá bán khoảng 10.000 đồng/kg", ông Hoàng nói.
Nhờ chăm sóc để tre ra măng trái vụ, trung bình mỗi tháng, nếu thu hoạch đủ cả 30 ngày, sau khi trừ các chi phí đầu tư, sản xuất và thuê nhân công sơ chế, đóng gói, vợ chồng ông Hoàng có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Đây cũng là số tiền mà có thể một nông hộ phải làm cả năm nếu canh tác các cây trồng khác trên cùng một diện tích.
Thu tiền tỷ nhờ tre
Hơn 20 năm gắn bó với vùng đất này, vợ chồng bà Sang nhận ra, măng tre có thị trường ổn định và giá cả không bị xuống thấp so với các loại nông sản khác. Đặc biệt, cây tre phát triển trên nhiều loại đất, kể cả đất bô-xít, đất nhiễm phèn như phần lớn diện tích đất của gia đình. Chính vì thế, đến nay vợ chồng lão nông gốc Bình Định này đã mở rộng diện tích sản xuất, trong đó khoảng 17ha trồng tre.
Bà Nguyễn Thị Sang cho biết thêm, so với các loại cây trồng khác, trồng tre lấy măng bốn mùa, công chăm sóc ít và hiệu quả kinh tế rất cao. Mỗi hecta trồng được 800 gốc măng, sau 8 tháng sẽ có măng để thu hoạch. Vào mùa mưa, tức mùa măng rừng, vợ chồng bà Sang chuyển sang nhân giống măng tre để cung cấp cho các đơn vị có nhu cầu.
"Hiện tại, các công ty, trang trại ở Gia Lai, Quảng Ngãi, Đắk Lắk đều đặt hàng cây giống của chúng tôi với số lượng khoảng 100.000 gốc/năm, với giá bán dao động khoảng 80.000- 100.000 đồng/cây giống. Ngoài ra, những cây tre già cỗi trong vườn hiện tại cũng đã có nhiều đơn vị liên hệ thu mua số lượng lớn để sản xuất đồ mỹ nghệ. Đây là cây nông lâm kết hợp nên không chỉ có hiệu quả kinh tế, cây tre còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc của khu vực Đắk Som", bà Sang cho biết thêm.
Nhằm giúp đỡ các hộ nghèo tại địa bàn, gia đình bà Sang còn nhận khoảng 10 lao động địa phương vào làm, tạo việc làm ổn định với mức thu nhập 300.000- 480.000 đồng/người/ngày. Riêng mùa thu hoạch, chế biến măng tre, số lượng lao động tham gia làm việc tại hợp tác xã của vợ chồng ông Hoàng lên đến 30 người.
Mới đây, vợ chồng ông Hoàng còn hỗ trợ một hộ đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn giống, đất và phân bón để trồng măng. Ông Hoàng chia sẻ: "Mình vào đây làm ăn, vùng đất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bây giờ chuyển giao kỹ thuật với người dân địa phương, giúp họ thoát nghèo thì tinh thần mình càng thoải mái, vui vẻ hơn".