Bình Định:
Trồng hồ tiêu "nương tựa", lão nông thu tiền tỷ mỗi năm
(Dân trí) - Với hơn 12ha trồng tổng hợp các loại cây ăn quả, trong đó có những giống mới chưa được trồng phổ biến ở địa phương như hồ tiêu, sầu riêng, dâu da… lão nông ở Bình Định thu tiền tỷ mỗi năm.
Từ thử nghiệm cho cây tiêu "đu bám" vào thân cây dừa mang hiệu quả ngoài mong đợi, ông Đặng Văn Cấp (73 tuổi, ở xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân, Bình Định) đang thử thách trồng những giống cây mới chưa được trồng nhiều ở địa phương như sầu riêng, dâu da và bước đầu cho thu nhập khá.
Mô hình vườn tổng hợp của ông Đặng Văn Cấp là "hình mẫu" về trồng trọt, gia đình vừa có thu nhập cao vừa tạo nhiều việc làm cho người dân xã Ân Tường Đông nói riêng, huyện Hoài Ân nói chung.
Đặc biệt, tại ngày hội nông sản quy mô lớn nhất tỉnh Bình Định tổ chức cuối tháng 5 vừa qua, vườn tổng hợp của ông Cấp là 1 trong 4 mô hình "sáng" nhất huyện, được các đại biểu trong và ngoài tỉnh tham quan, học tập tấm tắc khen là độc đáo, hiệu quả.
Theo ông Cấp, hiện khu vườn trên 12ha của gia đình ông đang được trồng xen kẽ nhiều loại cây trồng như dừa, tiêu, bưởi da xanh, sầu riêng, bơ và một số loại cây ăn quả khác. Đặc biệt, bước thử nghiệm trồng cây hồ tiêu cho "đu bám" vào thân cây dừa thực sự mang lại hiệu quả rất bất ngờ.
"Khi trồng tiêu cho bám vào thân cây dừa, tôi thu được hiệu quả ngoài mong đợi. Cây tiêu sinh trưởng nhanh, trái sai, hạt to, kháng bệnh tốt. Trong khi đó, cây dừa nhờ được hưởng lợi từ việc bón phân, tưới nước cho cây tiêu mà xanh tốt, trái ra nhiều hơn. Hiện, riêng tiền bán dừa trái mỗi năm tôi bỏ túi 130 triệu đồng mà đỡ công chăm sóc", ông Cấp nói.
Ông Cấp cho biết, hiện 7.000 gốc tiêu của gia đình ông chủ yếu cho bám vào thân cây dừa hoặc trụ cây sống, chứ không dùng trụ bê tông. "Dùng trụ bê tông, nếu trời nắng nóng quá thì rễ cây tiêu không bám được nên khi gặp mưa to gió lớn cây tiêu dễ bị đổ ngã", ông Cấp lý giải.
Theo tính toán của ông Cấp, với 7.000 gốc tiêu sai quả như vụ này, sản lượng thu hoạch ước đạt 14 tấn. Với giá bán hiện tại dù thấp, chỉ 80.000 đồng/kg, gia đình ông cũng thu trên 1 tỷ đồng.
Sau khi thử nghiệm thành công mô hình trồng tiêu cho bám vào thân cây dừa, ông Cấp đang chinh phục một số cây trồng chưa được trồng phổ biến ở địa phương như sầu riêng, dâu da… 150 gốc dâu da của ông đã cho thu hoạch, mỗi năm đạt 7-8 tấn quả, với giá ổn định khoảng 25.000 đồng/kg. Trong khi đó, 30 gốc sầu riêng bước sang năm thứ 4 đã cho lứa quả bói và có dấu hiệu rất tích cực vì quả nhiều và lớn nhanh.
"Để trồng các giống cây trồng mới, tôi phải đi nhiều tỉnh thành phía Nam, lên Tây Nguyên học hỏi cả tháng trời. Thuê chuyên gia về kiểm tra điều kiện đất đai, thổ nhưỡng tại vườn rồi mới dám trồng thử nghiệm", ông Cấp nói.
Ngoài ra, trong vườn của ông Cấp đang trồng thêm 3.000 cây bưởi da xanh, từ 3-4 năm tuổi đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên.
Ông Cấp cho hay, thu nhập tùy năm được mùa hay mất mùa, nhưng chỉ riêng 7.000 gốc tiêu cho 10 tấn/năm đã mang về khoản thu cả tỷ đồng.
"Cộng hết nguồn thu từ cây tiêu, bưởi da xanh, dừa, dâu da…, tổng thu nhập của gia đình tôi đạt khoảng 1,5 tỷ đồng. Sau khi trừ hết khoản chi phí, gia đình tôi thu lãi ròng khoảng 450-500 triệu đồng/năm", ông Cấp khiêm tốn.
Với mô hình vườn tổng hợp quy mô lớn như hộ ông Cấp, ngoài 6 lao động thường xuyên là người nhà, gia đình còn tạo việc làm cho 30-40 lao động thời vụ địa phương, với thu nhập bình quân 200.000 đồng/người/ngày.
Ông Nguyễn Hữu Khúc - Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho biết, hiện giá trị kinh tế của ngành nông nghiệp chiếm hơn 60% trong tổng cơ cấu giá trị kinh tế toàn huyện. Đặc biệt, các sản phẩm như dừa xiêm, bưởi da xanh, trà Gò Loi, heo và gà ta thả vườn của Hoài Ân đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể. 14 sản phẩm được UBND tỉnh Bình Định đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP và 28 sản phẩm đăng ký giao dịch trên sàn thương mại điện tử của tỉnh.
"Thời gian tới, cùng với việc tiếp tục duy trì phát triển ngành chăn nuôi, huyện Hoài Ân đang hướng đến trở thành vùng trồng cây ăn quả lớn nhất khu vực miền Trung. Đồng thời xây dựng thêm các thương hiệu sản phẩm đặc trưng, sản xuất theo chuỗi liên kết để bảo đảm giá cả, thị trường", ông Khúc nói.