Trồng mai chơi Tết thu bạc tỷ mỗi năm ở Sài Gòn
(Dân trí) - Vườn mai vàng của anh Lê Hữu Thiện (43 tuổi) tại xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TPHCM có diện tích 4,5 ha, chuyên cung cấp cây giống quanh năm, cho thu nhập bình quân một tháng khoảng 200 triệu đồng.
Rộn ràng làng mai vàng bạc tỷ
Xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TPHCM) là xã thuần nông, chủ yếu là đất phèn, nguồn nước tưới dựa vào sông rạch tự chảy. Kinh tế chính của người dân ở đây dựa vào việc trồng mía.
Những năm gần đây, cây mía cho thu nhập thấp và giá cả bấp bênh nên nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển từ cây mía sang mai vàng nâng cao giá trị kinh tế.
Anh Lê Hữu Thiện, một người trồng mai ở Bình Lợi,chia sẻ, từ năm 2014 anh bắt đầu chuyển sang trồng mai vàng. Nhờ tiếp cận được nguồn vốn hỗtrợ nên đã mở rộng diện tích vườn lên4,5ha; trong đó có 3ha trồng mai trên 6 năm và 1,5ha trồng mai 1 năm tuổi.
“Lúc mới chuyển sang cây mai, tôi tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây do Hội Nông dân tổ chức, nhờ đó tôi có kỹ thuật và kinh nghiệm chăm sóc mai”, anh Thiện chia sẻ.
Năm nay, để chuẩn bị cho thị trường tết Tân Sửu 2021, anh Thiện đã chuẩn bị khoảng 2.000 gốc mai tầm 5 năm tuổi để phục vụ cho khách với giá bán khoảng 1,2 triệu đồng/gốc.
Ngoài ra, mỗi năm anh còn cung cấp cây giống cho các nhà vườn khác ở miền Tây với giá 4 ngàn đồng/cây. Thu về nguồn lợi nhuận bình quân hơn 2 tỷ đồng/năm.
Đánh giá về mùa vụ năm nay, anh Thiện cho biết: “Năm nay, xã Bình Lợi cũng bị ảnh hưởng do tình hình ngập mặn, tuy nhiên nhờ vào cơ quan chức năng đã thông báo và có hướng xử lý kịp thời nên không có hậu quả nặng nề”.
Anh Thiện còn cho biết thêm, thị trường mai năm nay có thể rất sôi động vì từ đầu năm đến giờ số lượng cây mai giống của anh Thiện xuất ra tăng khá cao so với mọi năm. Vì vậy số lượng gốc mai phục vụ tết năm nay có thể tăng cao.
Tuy nguồn doanh thu cao là thế, nhưng chi phí đầu tư ban đầu vào mô hình trồng mai cũng khá là cao so với các loại hình khác, cụ thể với 1ha trồng 5.000 gốc mai thì phải đầu tư khoảng 400 triệu đồng và trồng trong 3 năm thì mới có thể phục vụ dịp tết.
Cũng giống như anh Thiện, anh Trần Tứ Vương một nông dân trồng mai vàng tại xã Bình Lợi cho biết, mùa Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, có thể giá mai vàng sẽ tăng khoảng 20% so với Tết năm 2020.
Hiện anh Vương đang trồng hơn 14ha mai vàng. Tết năm nay, anh dự định bán khoảng 3.000 gốc mai cho người chơi với giá khoảng 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/gốc.
Phát triển bền vững từ cây mai vàng
Xã Bình Lợi từ xưa có truyền thống canh tác mía, lúa gạo. Tuy nhiên, hiện nay cây mía và lúa đang gặp khó khăn trong việc sản xuất và tiêu thụ nên nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển sang trồng mai.
Tuy nhiên, thời gian đầu trồng mai người nông dân còn bỡ ngỡ, chưa có kinh nghiệm đồng thời quy mô phát triển nhỏ, lẻ không đủ sức cạnh tranh với các làng mai có tiếng tại các địa phương khác.
Nắm bắt được tình hình đó, năm 2018, được sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, hợp tác xã hoa mai vàng Bình Lợi được thành lập và phát triển với 7 thành viên đến nay đã kết nạp được 14 thành viên với diện tích sản xuất hơn 50ha mai vàng.
“Hợp tác xã ra đời nhằm giúp đỡ người nông dân trong việc chuyển đổi mô hình cây trồng và góp phần xây dựng thương hiệu cây mai vàng Bình Lợi có thể phát triển bền vững, ổn định nhằm nâng cao giá trị của cây mai, đủ sức cạnh tranh với các làng mai tại nhiều địa phương khác”, anh Lê Hữu Thiện, Giám đốc hợp tác xã Hoa mai vàng Bình Lợi chia sẻ.
Anh Thiện cho biết thêm, hiện nay hợp tác xã đang có phương án mở rộng thêm diện tích canh tác và kết nạp thêm các thành viên. Đồng thời, tổ chức các buổi họp mặt để có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc giống mai vàng để có thể giúp các thành viên tiết kiệm chi phí sản xuất.
Đặc biệt, hợp tác xã hoa mai vàng Bình Lợi cũng hỗ trợ bà con đầu ra giúp nông dân yên tâm sản xuất. Vì vậy, người nông dân ngày càng phát triển kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất. Từ đó, đời sống của các thành viên trong hợp tác xã ngày càng nâng cao.