Nghề cầm cưa đứng phố ngóng Tết
(Dân trí) - “Chúng tôi chỉ mong Tết, khi mà người ta dọn dẹp, sửa sang nhà cửa. Anh em thợ mộc chạy sô làm không hết việc, thu nhập sẽ khá hơn” - chia sẻ của một người thợ mộc trên phố Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.
Nghề truyền từ nhiều đời
Những người làm nghề thợ mộc vỉa hè đa số đến từ làng Bùi (Trịnh Xá, Phủ Lý, Hà Nam) lên Hà Nội kiếm sống đã nhiều đời nay.
Ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ 7h sáng những người thợ mộc lại không hẹn mà gặp nhau ở đầu phố Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) ngồi chờ khách. Ngày nào “ế khách” họ sẽ trở về nhà trọ vào lúc 9 giờ tối, nếu có khách thì xong việc sẽ về.
Ông Nguyễn Văn Bản, một trong số những người thợ trên cho biết: “Tôi là đời thứ 3 trong gia đình lên Hà Nội làm nghề mộc. Trước đây, ông nội tôi thì gánh hòm đồ, đời bố tôi thì đi xe đạp, đời tôi thì có xe máy đi”.
Theo ông Nguyễn Văn Bản, làng Bùi có nghề mộc từ xa xưa, lúc nông nhàn người dân trong làng đem nghề đi khắp nơi để kiếm sống. Họ làm những việc từ đóng tủ, sửa cửa gỗ đến chỉnh sửa chân giường, làm mới cửa gỗ, quét sơn hoặc đánh vecni đồ gỗ…
Không chỉ mang lại nguồn thu nhập, nghề mộc… rong giúp những người thợ vỉa hè không phải lo lắng về vốn liếng, nợ nần. Hơn nữa, làm thợ tự do cũng thoải mái hơn so với làm nghề trong xưởng…
Mang theo hộp đồ nghề đựng nào đục, chạm, búa và khoan gỗ, cái cưa được treo bên ngoài, ông Trần Đình Thắng trú tại làng Bùi (Trịnh Xá, Phủ Lý, Hà Nam) chia sẻ: “Tôi Lên Hà Nội làm nghề này từ khi còn thanh niên, đi bộ đội về thì theo bố lên Hà Nội học nghề. Gần 40 năm sống ở Hà Nội, chỉ cần khách hàng đọc địa chỉ là tôi biết liền”.
Theo ông Trần Đình Thắng, làng Bùi hiện có khoảng gần 40 người lên Hà Nội kiếm sống bằng nghề mộc. Họ thuê trọ ở chung nhau, nhận được những công trình lớn thì rủ nhau đi làm cùng. Mỗi người có tay nghề khác nhau, cũng một công việc có người chỉ làm 1 giờ là xong, nhưng có người phải mất đến vài giờ mới hoàn thành.
"Vất vả hay nhàn hạ là do trình độ tay nghề quyết định, cũng một công việc có người chỉ làm 1 giờ là xong. Nhưng có người phải mất đến vài giờ mới hoàn thành" - ông Trần Đình Thắng cho hay.
“Cả xưởng mộc nằm trong chiếc thùng gỗ này máy móc chỉ đủ để làm những thứ đơn giản như tháo dỡ đồ gỗ, vá cửa gỗ...Khách đặt đóng mới thì chúng tôi dẫn lên các cửa hàng trên đê La Thành sẽ được chia 5% tiền hoa hồng” - ông Trần Đình thắng cho biết thêm.
Chỉ mong Tết...
“Nghề này không khác việc đi câu cá. Hôm đông khách thì được vài trăm nghìn đồng. Có hôm cũng được tiền triệu nhưng không ít ngày chúng tôi phải về tay không” - ông Nguyễn Văn Bản cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Văn Bản, gần đến Tết cũng là lúc những người thợ mộc hè phố này “kiếm ăn” dễ dàng hơn. Khi mà người dân dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, những món đồ gỗ cũ kỹ, hỏng hóc sẽ được đem ra sửa.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Bản tuy là việc kiếm cơm riêng của mỗi người nhưng họ rất đoàn kết, giúp đỡ nhau trong công việc. Ai nhận được những công trình lớn thì rủ nhau cùng làm.
“Mỗi dịp tết về là anh em chúng tôi chạy sô liên tục, làm từ sáng sớm đến tối muộn, ít được gặp nhau ở đây lắm. Thu nhập của tôi mỗi ngày cận tết cũng được cả triệu đồng” - ông Nguyễn Văn Bản tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Bản cho hay, tiền công được mặc cả với khách từ trước lúc làm nhưng lúc làm xong nhiều người thấy thợ làm tốt liền cho thêm, có nhà thì lại bớt xén vài đồng.
Hơn 30 năm làm nghề khắp Hà Nội, ông Nguyễn Văn Bản không ít lần gặp những câu chuyện trớ trêu. Ông kể: "Có lần tôi sửa một cái cửa cho một nhà rất giàu ở quận Hoàng Mai với giá 200.000 đồng. Nhưng phải mất tới cả tuần trời. Gia chủ họ bảo phải đúng từng milimet mới hợp tuổi và phong thuỷ ngôi nhà".
Bộ cửa rất to, ông Nguyễn Văn Bản hì hục tháo ra lắp vào tới 4 lần mới hoàn tất. Gia chủ rất ưng ý, trả ông tiền công là 1 triệu đồng.
Theo ông Trần Đình Thắng, nghề mộc rong đứng đường chờ khách này thu nhập bấp bênh khổ nhất là lúc nắng mưa, thời tiết xấu vẫn phải đứng đường. Vì không đủ vốn để mở xưởng nên họ vẫn phải bám trụ lấy vỉa hè Hà Nội.
“Ở quê, tuổi như chúng tôi chẳng có việc gì hơn để làm. Trụ lại Hà Nội, trừ chi phí ăn tiêu, nhà trọ, sống thắt lưng buộc bụng mỗi tháng tôi cũng gửi về quê được 5 - 6 triệu đồng nuôi các con ăn học” - ông Trần Đình Thắng tâm sự.
Số tiền thu được phụ thuộc vào khối lượng công việc cũng như quãng đường đi đến nhà gia chủ. Để tránh những mâu thuẫn về giá cả, những người thợ mộc vỉa hè này sẽ tính toán tiền công, nếu gia chủ đồng ý mới tiến hành làm việc.
"Để thay một chiếc khung cửa bị mối mọt có khi mất cả 2 ngày vì phải đục mộng bằng tay, từng chi tiết phải chược chau chuốt khéo léo sao cho vừa vặn và ăn khớp với những chi tiết cũ. Vì chúng tôi làm công việc sửa chữa nên những gì còn dùng được phải giữ cho gia chủ, đôi khi còn lâu hơn làm mới" - ông Trần Đình Thắng chia sẻ thêm.
Ông Trần Đình Thắng cho rằng, nghề mộc có nhiều thay đổi theo thời gian. Trước đây, đa số mọi công đoạn để làm bằng tay, nay có sự hỗ trợ của máy móc làm được nhiều việc và dễ dàng hơn.
Dãi dầu mưa nắng, bữa có việc bữa không, thường xuyên phải mang vác nặng nhọc, làm việc trong môi trường khói bụi nhưng đối với ông Thắng, ông Bản và nhiều người khác của làng Bùi (Trịnh Xá, Phủ Lý, Hà Nam) mỗi lần về quê cũng có ít tiền dắt lưng vẫn hơn là ở quê làm ruộng.