Trồng loại ớt đắt nhất thế giới, ôm lãi hàng trăm triệu đồng

Dương Nguyên

(Dân trí) - Trang trại ớt Aji Charapita của anh Lê Sỹ Tân ở Hà Tĩnh có hơn 500 gốc cho thu hoạch ổn định. Đây là loại ớt gây xôn xao vì có giá thành đắt đỏ nhất thế giới.

Trồng loại ớt đắt nhất thế giới, ôm lãi hàng trăm triệu đồng - 1

Cách đây 5 năm, anh Lê Sỹ Tân (40 tuổi, quê xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) tình cờ được tiếp xúc với trái ớt Aji Charapita, hay còn gọi là ớt Peru. Thấy loại cây này mang lại giá trị lớn, anh Tân đã quyết định về quê nhà hợp tác với ông Trương Văn Thủy (54 tuổi) ươm, trồng thử nghiệm (Ảnh: Nguyễn Dương).

Trồng loại ớt đắt nhất thế giới, lãi hàng trăm triệu đồng

Trồng loại ớt đắt nhất thế giới, ôm lãi hàng trăm triệu đồng - 2

Trang trại trồng ớt của anh Tân và ông Thủy rộng hơn 1ha nằm tại thôn Quý Linh, xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà. Khu đất này trước kia ông Thủy trồng keo. Năm 2019, họ đã đầu tư khoảng 500 triệu đồng để cải tạo đất, xây nhà trông coi, nhà lưới vườn ươm, hệ thống tưới tiêu và nhập hạt giống ươm, trồng thử nghiệm hơn 1.000 cây ớt giống Peru (Ảnh: Nguyễn Dương).

Trồng loại ớt đắt nhất thế giới, ôm lãi hàng trăm triệu đồng - 3

Do ban đầu thiếu kinh nghiệm, hơn 1.000 cây ớt của trang trại anh Tân đều bị chết, thiệt hại lớn. Không bỏ cuộc, anh Tân tiếp tục học hỏi, nghiên cứu và đầu tư lứa hạt giống mới (Ảnh: Nguyễn Dương).

Trồng loại ớt đắt nhất thế giới, ôm lãi hàng trăm triệu đồng - 4

Theo anh Tân, loài cây ớt này không ưa nước, dễ chết hàng loạt khi xảy ra ngập úng. "Vì thế, chúng tôi phải làm rãnh sâu để vườn thoát nước nhanh mỗi khi trời mưa. Trang trại nằm cách xa khu dân cư để tránh bị tác động, gây thoái hóa giống", anh Tân chia sẻ (Ảnh: Nguyễn Dương).

Trồng loại ớt đắt nhất thế giới, ôm lãi hàng trăm triệu đồng - 5

Sau 3 năm trồng, trang trại anh Tân có hơn 500 gốc ớt sinh trưởng tốt, cho thu hoạch, năng suất cao. Đây cũng là loại ớt từng gây xôn xao vì có giá thành đắt đỏ nhất thế giới, xuất xứ từ Peru (Ảnh: Nguyễn Dương).

Trồng loại ớt đắt nhất thế giới, ôm lãi hàng trăm triệu đồng - 6

Loại ớt này quả tròn, khi chín, trái chuyển màu vàng cam. Trái ớt nhỏ nên tốn khá nhiều thời gian thu hoạch (Ảnh: Nguyễn Dương).

Trồng loại ớt đắt nhất thế giới, ôm lãi hàng trăm triệu đồng - 7

Ớt Peru như một gia vị quý, cung cấp hàm lượng Vitamin C cao gấp nhiều lần ớt thường. Khi ăn, ớt Peru cay nồng, thơm đặc trưng riêng, dư vị đọng lại (Ảnh: Nguyễn Dương).

Trồng loại ớt đắt nhất thế giới, ôm lãi hàng trăm triệu đồng - 8

Theo anh Tân, cây ớt Peru khi nhỏ dễ bị nấm ăn, lở cổ rễ nên giai đoạn này cần chú trọng chăm sóc. Khi cây lớn, 8 tháng tuổi trở lên thì không bị nấm và sâu, dễ chăm sóc, chỉ cần bón bằng phân vi sinh. Nếu chăm sóc tốt, ớt Peru cho thu hoạch nhiều lượt, cũng có thể nửa tháng đã cho trái. Mỗi cây cho thu hoạch 4-5kg quả/năm (Ảnh: Nguyễn Dương).

Trồng loại ớt đắt nhất thế giới, ôm lãi hàng trăm triệu đồng - 9

Hiện nay, ớt Peru được anh Tân bán cho người sành ăn ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM,… giá 1 triệu đồng/kg. Còn với người dân nội tỉnh, anh bán 700.000 đồng/kg. "Mức giá như vậy để người dân dễ tiếp cận, trong khi mình cũng đã có lợi nhuận. Nếu bán đắt quá thì dân cũng khó sử dụng", anh Tân nói. Thời gian qua, trang trại ớt cho thu về hơn 400 triệu đồng, trừ các chi phí, chủ vườn có lãi hơn 300 triệu đồng (Ảnh: Nguyễn Dương).

Trồng loại ớt đắt nhất thế giới, ôm lãi hàng trăm triệu đồng - 10

Ngoài trồng ớt thu hoạch, anh Tân còn đầu tư vườn ươm lưới, ươm số lượng hơn 7.000 cây. Mô hình này giúp trang trại có thêm giống trồng vừa bán cho người có nhu cầu. Cây gần cho ăn quả có giá 100.000 đồng, còn cây con có giá 50.000 đồng (Ảnh: Nguyễn Dương).

Trồng loại ớt đắt nhất thế giới, ôm lãi hàng trăm triệu đồng - 11

Trang trại của anh Tân cũng đang tạo công ăn việc làm ổn định cho một số lao động địa phương. Ông Nguyễn Huy Hà, Chủ tịch UBND xã Thạch Xuân cho biết, ớt Peru trong trang trại của anh Lê Sỹ Tân là cây trồng lạ tại địa phương. Ban đầu, trang trại này gặp thất bại và mất khá nhiều vốn. Tuy nhiên, họ đã vượt qua khó khăn, tự học hỏi để ươm, lai tạo giống cho phù hợp với khí hậu địa phương. Sau đó, cây đã cho thu hoạch, tiêu thụ ổn định. "So với trồng cây hoa quả truyền thống, bình thường khác, loại ớt anh Tân trồng cho thu lãi gấp cả chục lần", ông Hà nói và bày tỏ hy vọng mô hình nuôi trồng của anh Tân sẽ ổn định để nhân rộng tại địa phương trong thời gian tới (Ảnh: Nguyễn Dương).