Quảng Nam:
Trồng cau kín đồi, vườn đẹp tựa phim trường, nông dân đếm tiền đều tay
(Dân trí) - Những năm gần đây, khi cây cau tìm được đầu ra từ việc sấy khô xuất khẩu, người dân ở huyện Tiên Phước - xứ sở của cau ở Quảng Nam, ngày càng khấm khá nhờ loại cây trồng này.
Thu nhập ổn định
Xã Tiên Lãnh và Tiên Ngọc, huyện Tiên Phước được xem là xứ sở của cau. Cau phủ kín khắp các vườn nhà, "ăn đời ở kiếp" với người dân nơi đây từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Gắn bó với cây cau và chứng kiến bao lần giá cau rớt thảm hại nhưng chưa khi nào người dân có ý định quay lưng, phá bỏ vườn cau để tìm trồng một giống cây có giá trị kinh tế hơn.
Vùng đất 2 xã Tiên Lãnh và Tiên Ngọc có địa hình đồi núi, sản xuất nông nghiệp tương đối khó khăn. Cau, theo đó, là loại cây truyền thống gắn bó với người dân từ xa xưa, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cau rộng gần 2ha của gia đình, ông Phùng Văn Xuân (xã Tiên Lãnh) tự hào cho biết vườn của ông thường được chọn là khu vườn trồng cau kiểu mẫu tại địa phương.
Hiện khu vườn của ông có hơn 2.000 cây, trong đó 1.500 cây có tuổi từ 15-17 năm, 500 cây khoảng 7-9 năm, còn một ít cây mới trồng. Cau có tuổi đời khá cao, trên 50 năm. Ở vườn nhà ông hiện vẫn còn một số cây trồng từ thời bố mẹ (những năm 1950).
Theo ông Xuân, cau bắt đầu cho trái, khi đủ 5-7 năm tuổi, nông dân chỉ trồng một lần rồi chăm sóc, mỗi năm đến vụ thì thu hoạch trái. Cây cau có tuổi thọ cao nên vườn thường duy trì, tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Cau ra hoa từ tháng Giêng, đến tháng 6 dương lịch thì bắt đầu thu hoạch. Trung bình mỗi vụ gia đình ông thu hoạch hơn 3 tấn cau tươi, bán với giá dao động từ 35.000-80.000 đồng/kg. Tùy thời điểm, tổng thu nhập bình quân từ vườn cau khoảng 200 triệu đồng/năm.
"Cau tươi sau khi thu hoạch sẽ có thương lái đưa xe đến lấy. 10 năm trở lại đây từ khi có các lò sấy khô cau xuất khẩu thì cau Tiên Phước cũng có đầu ra ổn định hơn. Cau dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, phù hợp với đất đồi núi tại đây", ông Xuân chia sẻ.
Tại vườn cau rộng hơn 1ha của gia đình, ông Trương Quang Bình (xã Tiên Ngọc) đang tất bật chăm sóc vườn cau đang giai đoạn ra quả non. Ông Bình cho biết, trước đây gia đình ông trồng cây keo, thời gian sinh trưởng lâu, năng suất thấp. Nhận thấy cây cau được thị trường ưa chuộng, cho năng suất cao, nên gia đình ông chuyển sang trồng cau tre.
"Cây cau tre cho trái dài, to, nặng ký, thương lái rất thích vì khi sấy, ruột cau có màu sắc đẹp, ít bị hao hụt. Trung bình một năm gia đình tôi thu về hơn 100 triệu đồng từ bán cau tươi", ông Bình nói.
Tìm đầu ra từ cau sấy khô xuất khẩu
Một trong những nơi thu mua cau tươi để chế biến là Hợp tác xã cau sấy huyện Tiên Phước, đóng tại xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước. Bà Trần Thị Luân - Giám đốc Hợp tác xã cho biết mỗi năm đơn vị xuất khẩu hàng trăm tấn cau sấy khô xuất sang thị trường Trung Quốc, Ấn Độ…
Hiện nay, Hợp tác xã thu mua cau tươi của người dân có giá 50.000-52.000 đồng/kg không có cuống, nếu còn nguyên cuống sẽ thu mua với giá 45.000 đồng/kg.
"Hợp tác xã đầu tư máy móc hiện đại nhằm nâng cao chất lượng, giá trị cau Tiên Phước, mở rộng xuất ra các thị trường trên thế giới. Không chỉ sấy khô, tương lai cau còn được chế biến thành sản phẩm kẹo xuất khẩu ra thị trường các nước", bà Luân cho biết.
Ông Tăng Ngọc Đức - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước - cho biết hiện nay người dân trồng chủ yếu trong vườn nhà, vườn đồi, địa bàn phân bố rộng ở 15 xã, thị trấn; vùng trồng tập trung nhiều nhất 2 xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, với nhiều vườn cau quy mô 1-2ha, thu nhập mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng.
Nhiều nông dân Tiên Phước hiện nay chặt bỏ cây keo để mở rộng trồng cau, do đặc tính của loại cây này dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, thời gian kiến thiết cơ bản ngắn nhưng thời kỳ kinh doanh dài (trên 50 năm). Mật độ trồng phổ biến từ 1.600 cây/ha đến 2.500 cây/ha.
Về giá trị kinh tế, theo ông Tăng Ngọc Đức, ngoài cau đã qua chế biến, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, các sản phẩm phụ như mo cau, tàu cau, thân cau đều được tận dụng làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm hàng thủ công, mỹ nghệ để tăng giá trị và thu nhập cho người dân.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước, diện tích trồng cau trên địa bàn huyện hơn 1.000ha, trong đó diện tích đã cho quả khoảng hơn 500ha.
Sản lượng năm đạt hơn 2.600 tấn quả cau tươi, giá cau tươi biến động từ 30.000-90.000 đồng/kg.
Giá trị thu nhập từ quả cau và các sản phẩm phụ từ cau của toàn huyện đạt từ 100-200 tỷ đồng/năm.