Thanh Hóa:
Trồng loại cây 30 ngày thu hoạch, nông dân mát tay thu lãi
(Dân trí) - Trong vòng 30-45 ngày, loại nấm anh Thành trồng đã có thể cho thu hoạch. Với 2.000m2, trừ hết chi phí, anh bỏ túi khoảng hơn 200 triệu đồng mỗi năm.
Thử sức với loại cây "khó tính"
Năm 2015, trong một lần thăm trang trại trồng nấm của một người bạn, anh Lê Văn Thành (xã Thọ Thế, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) thấy địa phương mình có đủ điều kiện để trồng loại cây có giá trị kinh tế hơn nhiều so với cây lúa, ngô này. Dù vậy, nông dân quê anh chưa ai thử sức với loại cây trồng mới đó.
Trở về, anh lên mạng học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật trồng nấm, sau đó mạnh dạn vay mượn, đầu tư mô hình trồng nấm ban đầu với diện tích 500m2 ngay tại nhà. Nấm sò được anh chọn trồng đầu tiên, sau đó đến mộc nhĩ.
Ban đầu, anh gặp không ít khó khăn do thời tiết, dịch bệnh, nhất là việc ruồi, muỗi ký sinh, đẻ trứng phá hoại phôi. Có những thời điểm, cả nhà anh phải thức đến 11-12h đêm, thậm chí trắng đêm để xử lý.
Theo anh Thành, trồng nấm không quá vất vả nhưng đòi hỏi sự chịu khó và tỉ mỉ. Đặc biệt, nấm là loại cây trồng rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, sâu bệnh. Vì vậy, người sản xuất cần thực hiện đúng quy trình kỹ thuật để nấm có thể sinh trưởng và phát triển tốt.
Với mỗi loại nấm sẽ có kỹ thuật trồng và chăm sóc khác nhau, nhưng để có được sản lượng nấm đạt chất lượng cao, phải làm ngặt nhất khâu chọn giống, sau đó mới tới việc ủ nguyên liệu. Nguyên liệu lại được làm kĩ càng, sạch sẽ thì chất lượng nấm mới đạt, năng suất cao hơn rất nhiều.
Đối với nấm sò, các nguyên liệu như mùn cao su hay mùn tạp sau khi cho vôi, tưới nước liên tục sẽ được ủ 2-3 tháng, sau đó trộn với cám ngô xay nhỏ mới đến công đoạn đóng vào bịch nilon, đưa đi hấp vô trùng rồi mới cấy giống.
Ươm bịch từ 20-30 ngày cho đến khi sợi nấm ăn trắng toàn bộ bịch thì dùng dao nhọn rạch 6-9 vết xung quanh bịch nấm, kích thước vết rạch rộng 2-3cm, sâu 4-5cm. Sau khi rạch khoảng 7-10 ngày, nấm bắt đầu phát triển từ các vết rạch. Khi nấm có đường kính mũ đạt từ 3-4 cm thì bắt đầu thu hoạch.
Theo anh Thành, việc hái nấm và vệ sinh nấm cũng rất quan trọng để không ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng nấm.
Thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm
Vào mùa, mỗi ngày, trại nấm của anh xuất bán 2-3 tạ nấm, với giá bán trung bình 35.000-40.000 đồng/kg nấm sò, 120.000 đồng/kg mộc nhĩ. Mỗi năm, trừ chi phí, anh Thành thu về khoảng hơn 200 triệu đồng.
Trại nấm còn tạo việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động với mức thu nhập 120.000-150.000 đồng/ngày.
Sau vài vụ thành công với mô hình này, anh Thành đã mở rộng diện tích trồng nấm từ 500m2 lên 2.000m2, trong đó 300m2 trồng mộc nhĩ, 1.700m2 trồng nấm sò. Mong muốn của nông dân này trong thời gian tới là mở rộng thêm 2.000-3.000m2, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Hiện cơ sở sản xuất nấm của anh cung cấp sản phẩm cho khắp các nơi trong tỉnh. Ngoài ra, anh còn có đầu mối khách hàng ở Hà Nội.
"Nấm thu hoạch đến đâu có thương lái lấy tới đó. Họ đưa xe đến tận nơi vận chuyển nên khâu tiêu thụ không vất vả", anh Thành cho biết.
Cũng theo anh Thành, nấm chỉ trồng được từ tháng 7 hàng năm đến tháng 3 năm sau. Thời gian còn lại anh mang mùn về ủ và làm các công đoạn chuẩn bị cho vụ mới.
Ông Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch UBND xã Thọ Thế cho biết, mô hình trồng nấm của gia đình anh Thành mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết được việc làm cho một số lao động nông nhàn tại địa phương, đặc biệt là lao động đã qua tuổi đi làm ở doanh nghiệp.
"Địa phương đang định hướng trong thời gian tới sẽ lấy sản phẩm nấm của gia đình anh Thành xây dựng sản phẩm OCOP (sản phẩm thế mạnh địa phương - PV) và khuyến khích bà con nhân rộng mô hình để nâng cao hiệu quả kinh tế", ông Hùng cho biết thêm.