10 trường hợp người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp
(Dân trí) - Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì khi mất việc sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, có những trường hợp người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi nghỉ việc.
Chị Kim Ngọc đi làm được 1 năm 10 tháng rồi nghỉ việc ở nhà. Một năm sau, chị Ngọc đến cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) hỏi việc làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp mới được biết là quá thời hạn giải quyết. Thời gian chị Ngọc đã đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu lại nhưng hiện không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo BHXH Việt Nam, điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định tại Điều 49 Luật Việc làm năm 2013 và các văn bản hướng dẫn.
Theo đó, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ 4 điều kiện.
Thứ nhất là người lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Thứ hai, người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng đối với hợp đồng xác định thời hạn và không xác định thời hạn; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng đối với hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
Thứ ba, người lao động đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng.
Thứ tư, người lao động chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Tuy nhiên, trong 4 điều kiện trên có 10 trường hợp loại trừ. Nếu người lao động rơi vào một trong 10 trường hợp loại trừ này thì không được xét hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Như vậy, trường hợp của chị Kim Ngọc đã quá thời hạn quy định để nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.