1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thanh Hóa:

Tranh thủ "nhặt tiền" trên cảng cá ngày cuối năm

Bình Minh

(Dân trí) - Những ngày giáp Tết, những chuyến tàu ra khơi ở cảng cá Ngư Lộc (Thanh Hóa) thêm chộn rộn, tất bật hơn. Người lao động cũng hối hả, gắng làm việc để có một cái Tết "ấm" hơn.

5h sáng, những chiếc ghe, tàu nối đuôi nhau cập cảng mang theo đầy ắp hải sản tươi ngon để phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Hàng chục tấn hải sản được ngư dân đưa vào bờ sau chuyến ra khơi dài ngày như: cá thu, cá nanh và nhiều loại hải sản tươi ngon khác…

Tranh thủ nhặt tiền trên cảng cá ngày cuối năm - 1

Những ngày cuối năm, cảng cá Ngư Lộc nhộn nhịp, tấp nập hơn ngày thường.

Thương lái từ khắp nơi trong tỉnh đã có mặt tại cảng từ rất sớm để đón những chuyến tàu trở về. Theo ngư dân, cá ngay sau khi đưa từ hầm tàu ra sẽ nhanh chóng chuyển đi tiêu thụ để giữ được sự tươi ngon. Các loại cá được đánh bắt lâu ngày và ướp đá, nếu không xử lý nhanh, có thể bị hư hỏng. Vì thế, mỗi tàu cập bến, không chỉ thương lái ùa xuống mà tổ bốc vác cũng kéo xe hối hả chạy ra sát mép nước nhận hàng rồi đưa lên bờ.

Nhiều lao động trước đây làm nghề khác nhưng cứ cuối năm lại rủ nhau ra biển để kiếm thêm thu nhập. Những người phụ nữ tất tả quang gánh, đi như chạy, ai cũng sợ chậm chân một chút, thu nhập của ngày làm việc sẽ bị giảm.

Tranh thủ nhặt tiền trên cảng cá ngày cuối năm - 2

Ai cũng hối hả làm việc để mong có một cái Tết ấm.

Cánh phụ nữ lao động cật lực từ sáng tinh mơ cho đến chiều muộn. Không khí trên bến, dưới thuyền cả ngày nhộn nhịp kẻ bán, người mua.

"Tranh thủ thời điểm gió lặng, biển êm, ngư dân chúng tôi thường ra khơi đến khoảng 26, 27 Tết âm lịch mới vào bờ để về nhà sum họp cùng gia đình, vui Tết, đón Xuân, khoảng mùng 4, mùng 5 Tết lại bắt đầu hành trình xuất bến, vươn khơi chào năm mới", anh Nguyễn Văn Dư, ngư dân ở đây cho biết.

Tranh thủ nhặt tiền trên cảng cá ngày cuối năm - 3

Những người phụ nữ cũng làm công việc như đàn ông.

Theo anh Hoàng Văn Công, thương lái chuyên thu mua cá biển tại Ngư Lộc, những ngày giáp Tết, do nhu cầu mua hải sản của người dân tăng cao, nên cứ canh ngày tàu về là phải có mặt sớm để gom hàng, đặt được những loại cá ngon nhất.

"Mùa này cá ngon, béo và nhiều thịt nhất nên thương lái ở khắp các nơi cũng về để lấy hàng, dự trữ trong kho đá, phục vụ nhu cầu thị trường Tết", anh Công chia sẻ.

Ngoài những chiếc tàu công suất lớn thì hàng trăm chiếc thuyền loại nhỏ của ngư dân đánh bắt gần bờ cũng hối hả trở về, mang theo hàng tấn moi (ruốc biển).

Tranh thủ nhặt tiền trên cảng cá ngày cuối năm - 4

Nhiều hải sản được ngư dân đưa vào bờ.

Mùa đánh bắt moi biển bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch hàng năm. Vào mùa, ngư dân thường ra khơi từ lúc 22 - 23h đêm và quay trở về vào trưa hôm sau. Loại hàng này cần nhiều lao động để vận chuyển từ thuyền lên bờ đê hoặc bốc vác đưa lên các xe chở hàng.

"Ngày thường trong năm tôi đi chạy xe taxi gia đình nhưng vào dịp cuối năm, làm việc ở bến thuyền cho thu nhập cao hơn nên tôi lại chạy ra đây làm. Cái Tết của cả gia đình trông chờ vào những buổi lao động ngoài cảng", anh Nguyễn Văn Dũng chia sẻ.

Tranh thủ nhặt tiền trên cảng cá ngày cuối năm - 5

Thương lái phải ra sớm mới chọn được những con cá thu to và ngon nhất.

Mỗi ngày, nhờ bốc vác, anh Dũng cũng kiếm được 200.000-300.000 đồng. Không riêng gì anh Dũng, rất nhiều lao động ở đây ngày thường làm công việc khác nhưng những ngày cuối năm lại ra biển tìm việc. Những ngày cận Tết, việc làm không bao giờ hết đối với số lao động phổ thông trên địa bàn.

Công việc của họ dường như là một vòng quay bất tận, ai ai cũng cố gắng lao động để mong một cái Tết đầy đủ hơn.

Tranh thủ nhặt tiền trên cảng cá ngày cuối năm - 6

Liên tục những chuyến tàu, thuyền ra vào khơi từ sáng tinh mơ đến tối mịt.

Được biết, trên địa bàn xã Ngư Lộc hiện có 323 phương tiện khai thác, với tổng công suất 70.671 CV. Lao động nghề cá có 2.526 người. Tổng sản lượng khai thác năm 2021 ước đạt 13.880 tấn, tổng giá trị khai thác hải sản ước đạt 355 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết: "Để phát huy tiềm năng lợi thế của một xã ven biển, những năm qua, địa phương đã tập trung đầu tư phát triển đa dạng các phương thức đánh bắt và chế biến hải sản. Đồng thời, tạo điều kiện hết mức cho các hộ dân có thể vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp, thời gian dài để sản xuất, kinh doanh, đóng tàu lớn đi biển dài ngày".