1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Làng đúc lư đồng cuối cùng ở TPHCM đìu hiu đón Tết

Xuân Hinh Phương Nhi

(Dân trí) - Cận Tết mà làng đúc lư đồng An Hội vẫn ảm đạm, trầm lắng, lác đác người mua, khác hẳn mọi năm. Giá nguyên liệu tăng, lượng khách mua giảm khiến nhiều nghệ nhân đúc lư buộc phải bỏ nghề.

Khó sống với nghề truyền thống

Làng đúc lư đồng cuối cùng ở TPHCM đìu hiu đón Tết - 1

Làng đúc lư đồng An Hội ra đời từ hàng trăm năm trước và nổi tiếng khắp Lục tỉnh Nam kỳ về độ tinh xảo trong từng sản phẩm đúc đồng.

Khu vực làng An Hội (nay là phường 12, quận Gò Vấp) vốn nổi tiếng bởi các cơ sở đúc lư đồng truyền thống vẫn đỏ lửa, cung cấp ra thị trường những sản phẩm thủ công cực kỳ tinh xảo. Tiếng búa đục gõ leng keng, tiếng máy khò lửa và hơi nóng từ lò nung đã trở thành nét đặc trưng của địa điểm này hàng trăm năm qua. 

Làng đúc lư đồng cuối cùng ở TPHCM đìu hiu đón Tết - 2

Năm Toàn là một trong số những cơ sở đúc đồng vẫn còn đỏ lửa do ông Trần Minh Toàn (62 tuổi) duy trì.

Nói đến nghề đúc lư đồng An Hội, người ta không còn xa lạ với tên những nghệ nhân như Hai Thắng, Út Kiển, Năm Toàn, Ba Cồ, Sáu Bảnh. Đó cũng chính là tên 5 cơ sở đúc lư đồng truyền thống còn đỏ lửa, trong đó ông Hai Thắng, Sáu Bảnh và Út Kiển là anh em ruột, những người còn lại đều là bà con họ hàng.

Tuy vậy, khi được hỏi về việc kinh doanh Tết năm nay, nghệ nhân Trần Quốc Kiển (còn gọi là Út Kiển, 55 tuổi) chỉ tay về phía cửa hàng trưng bày lư đồng đang đóng cửa im lìm, lắc đầu ngao ngán. 

Làng đúc lư đồng cuối cùng ở TPHCM đìu hiu đón Tết - 3

Lư đồng An Hội thành phẩm sau khi trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ của nghệ nhân đến từng chi tiết nhỏ nhất.

Ông nói: "Xưởng tôi trước đây riêng thợ có 30 người, nay nghỉ hết một nửa vì nhiễm Covid-19. Thiếu nhân lực, không ai làm, làm rồi hàng bán cũng không ai mua. Không những thế, giá đồng thau nguyên liệu lại tăng từ 30 - 40%. Khó khăn lắm!". 

Cũng lâm cảnh tương tự, bà Nguyễn Thị Lèo (63 tuổi, vợ nghệ nhân Năm Toàn) cho biết, gần Tết, chồng bà liên hệ các mối quen để xuất hàng nhưng đều nhận được cùng câu trả lời: "Mấy tháng dịch tụi con còn tồn hàng nhiều lắm chú ơi, không nhập thêm hàng mới được!".

Làng đúc lư đồng cuối cùng ở TPHCM đìu hiu đón Tết - 4

Sản phẩm của làng lư đồng An Hội chạm khắc cực kỳ tinh xảo và có hồn.

Bà Lèo chia sẻ, việc bỏ mối ở các tỉnh miền Tây như Vĩnh Long, Đồng Tháp... là nguồn thu nhập chính của cơ sở đúc đồng Năm Toàn nhiều năm nay. Tuy vậy, do "ế" khách nên bà Lèo phải giảm 50% số lượng so với mọi năm.

Bám trụ vì yêu nghề và... thương thợ

Các nghệ nhân ví von, nếu trước kia giữ nghề vất vả 5 phần thì năm nay tăng lên đến 10 phần. Trước những sóng gió do Covid gây ra, nghệ nhân Út Kiển cho biết, anh ruột ông là nghệ nhân Hai Thắng - "cây đa cây đề" trong nghề không thể tiếp duy trì lò đúc nên hiện đang rục rịch "giải nghệ", sắp chuyển đi nơi khác sinh sống. 

"Vì yêu nghề nên dù có ra sao tôi cũng sẽ giữ nghề. Nghề này khác với các nghề khác là nếu làm ra bán không được thì để dành đó, không sợ hư hỏng nên tôi vẫn sẽ tiếp tục làm hoài, làm mãi", ông Út Kiển tâm sự.

Làng đúc lư đồng cuối cùng ở TPHCM đìu hiu đón Tết - 5

Các nghệ nhân cho biết, vì ảnh hưởng của dịch Covid-10 mà thợ đã nghỉ hết một nửa.

Theo ông Út Kiển, để làm ra được một sản phẩm lư đồng hoàn chỉnh theo cách thủ công cần phải trải qua một quá trình công phu, từ làm khuôn ruột, đúc khuôn sáp, đổ đồng, mài giũa, chạm khắc hoa văn, sau đó đánh bóng rồi thành phẩm.

Làng đúc lư đồng cuối cùng ở TPHCM đìu hiu đón Tết - 6

Các cơ sở đúc đồng phải giảm sản xuất hàng mới đến 50% trong dịp Tết 2022, tập trung bán hết hàng cũ tồn đọng trong 4 tháng dịch.

Chính vì sự tỉ mỉ của thợ thầy trong mỗi công đoạn, lư đồng An Hội được người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao về mẫu mã và hơn hết là cái "hồn" trong từng sản phẩm. 

Cùng tâm sự với ông Út Kiển, bà Lèo cho hay, nghề đúc lư đồng đang có sự cạnh tranh khốc liệt. Nếu không vì đam mê, vì giữ nghề truyền thống thì bà đã bỏ nghề lâu rồi. Nếu bà bỏ nghề, hàng chục thợ đúc đồng theo bà nhiều năm nay cũng thất nghiệp.

Làng đúc lư đồng cuối cùng ở TPHCM đìu hiu đón Tết - 7

Sản phẩm lư đồng dù để lâu cũng không sợ hư hỏng nên các nghệ nhân vẫn cố cầm cự đến khi bán được hàng, thu hồi vốn.

"Thợ đã gắn bó với mình từ 10-20 năm nay và chỉ có cái nghề này kiếm sống, nếu ngưng thì họ biết làm gì giờ. Phải ráng làm để trả lương và có chút thưởng cho thợ mua quà bánh về quê đón Tết.", bà tâm sự.

Làng đúc lư đồng cuối cùng ở TPHCM đìu hiu đón Tết - 8

Ngoài yêu nghề, cơ sở Năm Toàn cũng duy trì vì thương những người thợ gắn bó với mình hàng chục năm.