Trần tình của lao động trốn ở lại, làm việc "chui" tại Hàn Quốc
(Dân trí) - Việc các lao động Việt tại Hàn Quốc trốn ở lại làm việc "chui" không chỉ khiến cuộc sống của họ đối diện nhiều rủi ro, tâm trạng luôn bất an mà còn có thể làm nhiều người khác mất cơ hội xuất cảnh...
"Không về có lỗi với bao người"
Anh Thái Duy Thiện (tên nhân vật đã thay đổi, 40 tuổi, trú tại phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, Nghệ An) trở về từ Hàn Quốc sau gần 12 năm làm việc. Trong 12 năm thì tới hơn một nửa thời gian người đàn ông này cư trú, lao động bất hợp pháp ở Hàn Quốc.
Năm 2011, anh Thiện sang Hàn Quốc lao động theo chương trình cấp phép làm việc cho lao động nước ngoài của Chính phủ 2 nước, làm trong một nhà máy chuyên sản xuất phụ tùng ô tô. Hết thời hạn 4 năm 9 tháng, số tiền anh Thiện tích lũy chưa được như kỳ vọng. Nếu về, khi trở lại làm việc sẽ phải trải qua một kỳ thi sát hạch, trong khi về cũng chưa biết làm gì nên anh Thiện quyết định "nhảy" ra ngoài.
"Trước khi sang Hàn Quốc, nghe người này, người kia bỏ trốn tôi cũng không đồng tình với họ nhưng khi rơi vào mình, tôi lại không tránh được. Biết mình bỏ trốn thì ảnh hưởng đến cơ hội xuất cảnh của các lao động ở nhà, cũng lấn cấn lắm, nhưng rồi lại nghĩ, bản thân đã đi gần 5 năm, ngoài xây được căn nhà thì không có gì cả. Trốn ở lại, may mắn thì kiếm thêm được ít vốn rồi về thì còn có cái lo cho con cái!", anh Thiện phân trần.
Quãng thời gian sau đó, anh Thiện như bị "giam lỏng". Anh chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết, còn phần lớn thời gian ở xưởng hoặc khu ký túc dành cho công nhân của công ty, tránh tụ tập, gây gổ... mà vẫn luôn thấp thỏm có thể bị bắt và trục xuất về nước bất kỳ lúc nào.
Biến cố anh gặp phải trong thời gian lao động "chui" ở Hàn Quốc là bị tai nạn lao động, đứt ngón tay út, phải phẫu thuật nối lại, chi phí lên tới hơn 300 triệu đồng. Nể anh Thiện làm việc lâu năm, chăm chỉ, không gây ra điều tiếng gì nên người chủ đã hỗ trợ một phần chi phí điều trị.
"Tôi còn may mắn chứ các anh em khác gặp tai nạn, thương tích, không có bảo hiểm, không được chủ hỗ trợ thì khó kham nổi chi phí điều trị rất cao ở Hàn Quốc", anh Thiện cho hay.
Ngày 6/11/2022, Bộ Tư pháp Hàn Quốc ra thông báo thực hiện chính sách ân hạn đối với người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước trong khoảng thời gian từ 7/11/2022 đến 28/2/2023. Với chính sách mới này, ngoài việc không bị xử phạt hành chính, người lao động có thể được hoãn áp dụng hình thức ngăn chặn, hạn chế nhập cảnh. Sau khi cân nhắc thiệt hơn, anh Thiện quyết định khai báo để về nước.
Tính đến đầu tháng 3/2023, Nghệ An có 1.770 lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc, trong đó 372 lao động không về nước từ 2020-2021 và 1.524 lao động hết hạn hợp đồng, phải về nước trong khoảng thời gian này. Hiện Nghệ An có 3 trong tổng số 8 huyện, thành phố trên cả nước bị "cấm cửa" sang Hàn Quốc.
Ở tuổi 40, anh Thiện có trong tay số vốn khá lớn nhưng bỏ lỡ nhiều khoảnh khắc quý báu bên gia đình. Trở về, chính anh cũng không biết bắt đầu từ đâu để phát huy số vốn đã có.
Anh Hoàng Văn Minh (trú tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) từng có thời gian làm việc tại Hàn Quốc cho rằng, người lao động bỏ trốn, cư trú, làm việc "chui" tại Hàn Quốc đối mặt với nhiều rủi ro. Không hiếm trường hợp đã xảy ra thương tích trong quá trình bỏ trốn khi bị lực lượng chức năng sở tại truy quét.
Thêm nữa, số lao động này sau thời gian dù gắng ở lại nước bạn, khi trở về thì đã quá tuổi để tuyển dụng vào các vị trí việc làm có mức thu nhập "chấp nhận được".
"Nhiều bạn bè, người quen của tôi sau thời gian bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp trở về không biết làm gì, kinh nghiệm, kỹ năng có được ở nước ngoài không có cơ hội ứng dụng, phát huy. Số tiền kiếm được xây nhà, mua xe, rồi tiêu pha cũng vơi dần. Cuối cùng, hầu hết lại tìm đường sang một nước khác làm việc, chấp nhận cuộc sống xa nhà, tiếp tục thân phận của người làm thuê nơi xứ người", anh Minh cho hay.
Hỗ trợ, kết nối việc làm cho lao động về nước
Năm 2015, Nguyễn Văn Hiếu (35 tuổi, trú tại thị trấn Hưng Nguyên, Nghệ An) sang Hàn Quốc làm việc. Sau một năm, anh Hiếu được cân nhắc đưa lên làm quản lý nhân sự của công ty, mức lương 70 triệu đồng/tháng. Bởi vậy, khi người đàn ông này quyết định về nước để lập nghiệp, không ít người ngạc nhiên, thậm chí nói anh là gàn.
"Năm 2020, khu công nghiệp Vsip gần nhà tôi mới đi vào hoạt động, một số doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư nhà máy ở đây. Tôi quyết định về nước một phần để được gần gia đình, một phần vì nghĩ rằng với kinh nghiệm 5 năm làm việc ở Hàn Quốc, mình sẽ có nhiều cơ hội việc làm", anh Hiếu nhớ lại.
Nhưng thực tế không thuận như anh Hiếu nghĩ. Một số doanh nghiệp Hàn Quốc tuyển dụng lao động nhưng chỉ tiêu rất ít, người lao động từ Hàn Quốc trở về nhiều, anh Hiếu lại thuộc diện về sau, khi đó các vị trí tuyển dụng phù hợp với chuyên môn và mức thu nhập khá đã được "lấp đầy". Trong khi đó, các vị trí việc làm dành cho lao động phổ thông thì mức lương quá thấp, anh Hiếu không muốn làm.
Sau 2 năm, người đàn ông này vẫn đang loay hoay tìm hướng đi cho mình. Khoản tích lũy trong thời gian ở Hàn Quốc cũng vơi dần.
Xác định một trong những khó khăn của người đi xuất khẩu lao động, thực tập sinh tại Nhật Bản và Hàn Quốc về nước là tìm kiếm việc làm phù hợp, có thể phát huy khả năng và kinh nghiệm của mình, thời gian qua các, cơ quan chức năng đã xúc tiến nhiều hoạt động nhằm kết nối, hỗ trợ giới thiệu việc làm cho những người lao động chương trình EPS và thực tập sinh chương trình IM Japan về nước.
"Để khởi nghiệp thì không chỉ cần vốn mà còn cần kinh nghiệm quản lý, điều hành, tôi không dám mạo hiểm vì còn mẹ già và 2 con nhỏ. Thú thực bây giờ tôi chỉ mong muốn tìm được công việc ổn định, thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng, đủ nuôi mình và một con, đứa còn lại giao cho vợ", anh Hiếu nói.
Mức thu nhập mà người lao động này mong muốn chỉ bằng 1/7 thu nhập của anh ở Hàn Quốc trước thời điểm trở về. Tình cảnh của anh Hiếu cũng là băn khoăn của không ít lao động trở về từ Hàn Quốc.
Nói về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Gia Liêm nhấn mạnh, những lao động phá bỏ hợp đồng rồi cư trú bất hợp pháp ở lại Hàn Quốc đa phần vì lợi ích cá nhân. Sự ích kỷ của họ không chỉ làm ảnh hưởng đến hợp tác chung giữa Việt Nam - Hàn Quốc mà còn những người lao động khác tại địa phương. Việc này tước đi cơ hội của các thanh niên muốn đi làm việc tại Hàn Quốc.
Rất nhiều giải pháp đã được áp dụng để cố gắng giảm thiểu tình trạng này. Trong đó, với mục đích ổn định cuộc sống cho người lao động xuất khẩu sau khi hồi hương, Trung tâm lao động ngoài nước của Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức nhiều kỳ hội chợ việc làm, mở rộng cơ hội việc làm, góp phần ổn định tâm lý để người lao động yên tâm về nước đúng thời hạn sau khi hết hợp đồng lao động ở nước ngoài.
Đến nay, đã có 62 hội chợ và phiên giao dịch việc làm dành cho người lao động từ Hàn Quốc trở về và kết nối cung - cầu. Các hội chợ, phiên giao dịch việc làm đã thu hút gần 1.500 lượt doanh nghiệp và hơn 6.500 lượt người lao động, kết nối việc làm thành công cho gần 3.100 người lao động.
Ngoài ra, hình thức đăng ký tìm việc và giới thiệu việc làm online cũng đã giúp kết nối việc làm thành công cho gần 740 người lao động trở về từ Hàn Quốc.
(Còn tiếp)