Hàn Quốc cần hơn 12.000 lao động Việt trong năm 2023
(Dân trí) - Năm 2023, thị trường Hàn Quốc có nhu cầu tuyển dụng hơn 12.000 lao động Việt Nam ở các ngành như sản xuất chế tạo; xây dựng; nông nghiệp; ngư nghiệp...
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa thông báo kế hoạch tuyển chọn người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc (chương trình EPS).
Đây là kế hoạch được thực hiện theo nội dung Bản ghi nhớ giữa Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc và Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam về việc phái cử và tiếp nhận người lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.
Theo kế hoạch được thống nhất giữa hai Bộ, năm 2023, Hàn Quốc cần hơn 12.000 lao động ở các ngành nghề là sản xuất chế tạo (6.344 người); ngành xây dựng (901 người); ngành nông nghiệp (841 người); ngành ngư nghiệp (4.035 người).
Kỳ thi tiếng Hàn năm 2023 cho người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS sẽ được tổ chức qua 2 vòng, gồm: Thi năng lực tiếng Hàn (EPS - TOPIK) và thi kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực.
Người lao động vượt qua vòng 1 mới được tham dự vòng 2. Sau khi đạt yêu cầu qua cả 2 vòng thi mới đủ điều kiện nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.
Điều kiện chung đối với người lao động đăng ký tham gia Chương trình EPS năm 2023 phải nằm trong độ tuổi từ 18 đến 39 tuổi; không có án tích theo quy định của pháp luật; chưa từng bị trục xuất khỏi Hàn Quốc.
Nếu đã từng cư trú tại Hàn Quốc (bao gồm cư trú hợp pháp và bất hợp pháp) theo visa E9 (lao động EPS) hoặc (và) visa E10 (thuyền viên tàu đánh cá) thì thời gian cư trú phải dưới 5 năm.
Không bị cấm xuất cảnh Việt Nam; không có thân nhân (bố, mẹ, con đẻ; anh, chị, em ruột; vợ hoặc chồng) đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc; đủ sức khỏe đi làm việc tại Hàn Quốc theo quy định; không bị mù màu, rối loạn sắc giác.
Người lao động bị đứt, cụt ngón tay hoặc chấn thương, dị tật cột sống vẫn được đăng ký dự thi, tuy nhiên việc xét tuyển sẽ căn cứ vào kết quả kiểm tra tay nghề.
Trường hợp người lao động đã đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS thì phải về nước đúng hạn hợp đồng. Trong trường hợp từng cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc thì đã tự nguyện về nước, trong khoảng thời gian Chính phủ Hàn Quốc thực hiện chính sách miễn xử phạt đối với người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện trình diện để về nước.
Bên cạnh yêu cầu chung, mỗi ngành cũng ra điều kiện bổ sung thêm.
Cụ thể, với ngành nông nghiệp, ưu tiên cho lao động tại 74 huyện nghèo và 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 353 của Thủ tướng Chính phủ (trừ các xã thuộc các huyện tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS năm 2023) và các huyện miền núi, vùng cao, hải đảo theo Công văn số 930 của Bộ Nội vụ.
Người lao động đã từng làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS trong ngành nông nghiệp về nước đúng hạn hợp đồng.
Ngành sản xuất chế tạo và xây dựng, người lao động đang đăng ký thường trú tại các địa phương không tạm dừng tuyển chọn theo thông báo của Bộ LĐ-TB&XH.
Người lao động đã từng làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS trong ngành đăng ký và về nước đúng hạn hợp đồng (bao gồm trường hợp người lao động đăng ký thường trú tại các địa phương tạm dừng tuyển chọn năm 2023).
Đối với ngành ngư nghiệp, điều kiện thêm là người lao động thường trú tại các huyện ven biển và hải đảo (bao gồm các huyện tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS năm 2023).
Đồng thời, có kinh nghiệm đánh bắt hoặc nuôi trồng thủy hải sản trên biển, có sức khỏe và chịu được sóng nước để làm việc trên tàu biển, hoặc đã được đào tạo và cấp chứng chỉ đào tạo đối với các nghành nghề liên quan đến ngư nghiệp.
Ngoài ra, yêu cầu người lao động đã từng làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS trong ngành ngư nghiệp về nước đúng hạn hợp đồng.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, Hàn Quốc vốn là thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam. Năm 2022, số lượng người lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc là hơn 9.900 người. Trong đó, lao động sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS đạt hơn 8.900 người.
Hiện nay các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tiếp tục trao đổi với các đơn vị liên quan của Hàn Quốc nới lỏng các điều kiện để lao động trong ngành đóng tàu sớm nhập cảnh Hàn Quốc; thúc đẩy công tác kết nối, hỗ trợ các địa phương trong nước đưa lao động sang Hàn Quốc theo chương trình lao động thời vụ, nhất là các địa phương đang xúc tiến ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác.