1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Trầm cảm, kiệt sức với kiểu làm việc "996"

Xuân Hinh

(Dân trí) - Xu hướng làm việc 12 giờ mỗi ngày và 6 ngày trong tuần đang khiến nhiều kỹ sư công nghệ sống một cuộc sống "như robot".

Trầm cảm, kiệt sức với kiểu làm việc 996 - 1

Nhiều kỹ sư công nghệ ngán ngẩm với cách làm việc "996".

Khoảng vài năm trở lại đây, một số công ty công nghệ ở TPHCM áp dụng phương pháp làm "996" (nhân viên làm việc từ 9h sáng tới 9h tối, từ thứ 2 tới thứ 7). Theo các nhà quản lý, "Thành công không đến với những nhân viên lười" và phương pháp này được nhiều nước như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc... áp dụng.

Trái với tư duy của những nhà quản lý, nhiều kỹ sư công nghệ cho rằng, kiểu làm việc "996" đang bóp nghẹt sự sáng tạo và biến nhân viên thành những cỗ máy.

"Tôi có thể làm việc 15, 16 giờ mỗi ngày nhưng phải với tâm trạng thoải mái để sáng tạo chứ không phải là bị nhốt ở văn phòng. Cách quản lý này khó có thể tồn tại lâu dài được. Làm sao có thể sáng tạo khi tiếng cười đùa luôn bên tai và mọi người đi qua đi lại nhìn vào màn hình máy tính của bạn", kỹ sư phần mềm Đinh Văn Tiệp than thở.

Anh Tiệp cho hay, công ty anh chuyển sang làm việc "996" khoảng 2 năm nay. 2/3 nhân viên công ty đã nghỉ việc vì không thể chịu nổi việc "cày mửa mật" trên văn phòng. Thậm chí, có nhân viên nghỉ ngang trước Tết, không nhận thưởng.

"Mới 2 năm mà tôi cảm thấy sức khỏe suy giảm hẳn, đau mắt, đau lưng, đau cổ. Sáng dậy đi làm rồi tối về leo lên giường ngủ, không có thời gian chăm sóc gia đình. Có khi cả tuần liền tôi không chơi với con được giây phút nào. Nếu kéo dài tình trạng này, tiền thì có nhưng tan vỡ hạnh phúc gia đình, sức khỏe suy kiệt", anh Tiếp chia sẻ.

Cùng tâm trạng, chị Lại Thy Thu (ngụ quận Tân Phú) cũng cho biết: "Không thể chấp nhận kiểu làm việc "996", đây là hình thức bóc lột sức lao động. Sau khi "996" ở công ty, về nhà bạn vẫn phải làm việc thêm từ 3 - 5 giờ, sức người làm sao chịu nổi. Trước khi làm "996" thì lương của tôi 30 triệu đồng, giờ lên 40 triệu đồng nhưng không có thời gian tiêu tiền".

Theo chị Thu, sau hơn 2 năm áp dụng "996", sức khỏe của chị giảm sút rõ rệt, khi leo thang bộ khoảng 2 tầng là thấy đuối, thường xuyên hụt hơi. Chị cũng thường xuyên mất ngủ vì áp lực công việc nên đã giảm hơn 8kg.

"Sau Tết tôi phải xin nghỉ làm vì không còn đủ sức khỏe để tiếp tục công việc. Bác sĩ nói tôi bị suy nhược cơ thể nghiêm trọng và có dấu hiệu trầm cảm. Tôi nghĩ phụ nữ khó lòng làm việc theo kiểu "996", đặc biệt, khi phụ nữ đã có gia đình, con cái", nữ kỹ sư khẳng định.

Trầm cảm, kiệt sức với kiểu làm việc 996 - 2

Ông Nguyễn Văn Út - Chuyên gia kinh tế, Giám đốc công ty TNHH I'Furni, cho rằng, hiệu quả của phương án làm việc "996" vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

Chia sẻ về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Út - Chuyên gia kinh tế, Giám đốc công ty TNHH I'Furni nhận định: "Xu hướng làm việc "996" xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới nhưng cũng bị phản đối ở nhiều nơi. Lĩnh vực áp dụng xu hướng làm việc này thường gồm những công ty công nghệ, tài chính, kế toán, marketing. Về hiệu quả, phương án làm việc này cũng vẫn còn gây nhiều tranh cãi".

Theo ông Út, tại Việt Nam, khi các công ty áp dụng cách làm việc "996", người lao động cần phải được đảm bảo các quyền lợi về mức lương, thưởng theo Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019.

Cụ thể, khi làm thêm giờ phải có sự đồng ý của người lao động. Tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày. Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 1 năm. Tuy nhiên, người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm cho một số trường hợp được quy định cụ thể.

"Làm thêm vào ngày thường sẽ được trả ít nhất 150% tiền lương. Làm thêm vào ngày nghỉ hằng tuần sẽ được trả ít nhất 200% tiền lương. Làm thêm vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương sẽ được trả nguyên lương ngày này cộng với ít nhất 300% tiền lương", ông Út nhấn mạnh.