Nhà ở giá rẻ cho công nhân tại TPHCM: Có thể chỉ là giấc mơ
(Dân trí) - Theo các chuyên gia, quỹ đất hạn hẹp, giá đất liên tục tăng cao, nhiều rào cản về chính sách... là lý do khiến nhiều doanh nghiệp "quay lưng" với nhà giá rẻ cho công nhân.
Vấn đề cấp bách
Theo khảo sát của Liên đoàn lao động TPHCM, khoảng 1,3 triệu công nhân, người lao động ở thành phố có nhu cầu về nhà ở. Nhiều khu nhà trọ cho công nhân khá chật hẹp, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, không đảm bảo vệ sinh, có nhà trọ rộng chỉ 3 - 4m2. Trung bình các nhà trọ ở thành phố khoảng 14m2 với mức thuê 1,6 triệu đồng/tháng/4 công nhân. Mỗi công nhân ở TPHCM dành 10 - 15% thu nhập để chi trả tiền thuê trọ.
Mới đây, TPHCM đã có chủ trương xây một triệu nhà giá rẻ thay thế chung cư cũ, nhà trên kênh rạch, nhà trọ... dành cho công nhân, người thu nhập thấp. Tuy vậy, theo nhận định của các chuyên gia, đây là một chủ trương giữ chân người lao động nhưng nếu không có sự quyết liệt từ thành phố thì rất khó thực hiện.
Nhận định về vấn đề trên, ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Khu công nghiệp TPHCM cho rằng, việc xây nhà giá rẻ cho công nhân là vấn đề cấp bách từ nhiều năm qua ở TP. Sau đại dịch Covid-19, việc xây nhà giá rẻ hỗ trợ người lao động càng thiết thực và cấp bách hơn.
"Trong thời gian dịch Covid-19, nhiều khu nhà trọ có tỉ lệ lây lan dịch rất nhanh do công nhân, người lao động phải sống trong những phòng trọ chật hẹp. Do đó, cần phải tập trung đẩy mạnh việc nâng cấp, xây dựng nhà trọ cho người thu nhập thấp thoáng mát hơn, giúp họ đảm bảo sức khỏe và phòng chống dịch tốt hơn", ông Long chia sẻ.
Ông Long cho rằng, để việc xây dựng nhà ở giá rẻ khả thi, đáp ứng nhu cầu cho công nhân, thành phố cần bố trí quỹ đất ở các khu công nghiệp hoặc gần khu công nghiệp, càng gần càng tốt, nếu không sẽ bất hợp lý. Nếu xây ở quá xa công ty, nhà máy thì công nhân sẽ khó khăn trong việc di chuyển, sẽ khó thu hút. Tuy nhiên, thực tế, diện tích đất gần các khu công nghiệp nay gần như không còn.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Khu công nghiệp TPHCM, để chính sách nhà ở khả quan hơn, các doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ nhiều hơn. Nếu doanh nghiệp không được hỗ trợ tối đa thì "nhà giá rẻ cho công nhân có thể chỉ là giấc mơ".
Vì sao doanh nghiệp "quay lưng"
Một giám đốc công ty xây nhà ở xã hội có tiếng ở TPHCM cho biết, trung bình một dự án nhà ở thương mại ở thành phố mất 4 - 5 năm để hoàn thiện hồ sơ, pháp lý nhưng với nhà ở xã hội, quy trình phức tạp hơn nhiều. Rất nhiều nhà đầu tư vì quá "mệt mỏi" với các thủ tục nên đã rút lui khỏi thị trường xây dựng nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội cho công nhân.
Ông Phan Công Chánh chuyên gia Bất động sản ở TPHCM cũng cho rằng, vấn đề nhà ở giá rẻ là bài toán khó đối với TPHCM trong thời gian tới. Nếu không giải được bài toán này, thành phố có thể sẽ bị đứt gãy chuỗi cung ứng lao động. Tuy vậy, để giải bài toán này cần sự quyết tâm và đồng lòng của các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
"Hiện nay, hàng trăm ngàn lao động đang phải ở những nơi ở chưa tương xứng với công sức lao động họ đã đóng góp cho thành phố. Vừa qua, hàng trăm ngàn lao động đã rời bỏ thành phố khi dịch Covid-19 bùng phát vì họ phải ở trong những khu nhà trọ chưa đảm bảo. Thời gian tới, nếu họ không yên tâm với nơi họ đang ở thì họ cũng sẽ rời bỏ mà thôi", ông Chánh nhận định.
Theo ông Chánh, thời gian qua, có 3 lý do khiến doanh nghiệp "quay lưng" với nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội ở TPHCM: "Lợi nhuận thấp hơn nhà ở thương mại, cơ chế chính sách phức tạp, giá đất cao. Cùng một thời gian, cùng một nguồn nhân lực và công nghệ đó nhưng làm nhà ở thương mại lợi nhuận cao hơn thì dễ gì doanh nghiệp làm nhà ở giá rẻ".
Để giải bài toán trên, TPHCM cần có "đột phá" về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chuẩn bị quỹ đất sạch với chi phí đầu vào hợp lý và lựa chọn những chủ đầu tư có kinh nghiệm phát triển, xây dựng dự án.
"Rất nhiều doanh nghiệp ở TPHCM đã về Long An, Bình Dương, Đồng Nai xây dựng nhà ở giá rẻ cho người lao động. Nguyên nhân vì các tỉnh đã dành hẳn một quỹ đất cho việc này với giá ưu đãi cho doanh nghiệp, chính quyền cũng hỗ trợ tối đa về pháp lý dự án. Cần phải nhấn mạnh, câu chuyện phát triển nhà ở giá rẻ là câu chuyện an sinh xã hội của các cơ quan quản lý nhằm phát triển kinh tế, không phải trách nhiệm của riêng doanh nghiệp", ông Chánh phân tích thêm.
Ngoài ra, TPHCM cần có gói ưu đãi cho các doanh nghiệp vay vốn để đẩy nhanh việc xây dựng các khu nhà ở giá rẻ. Khi được hỗ trợ về chính sách, quỹ đất và nguồn vốn, các doanh nghiệp sẽ giúp kế hoạch xây dựng một triệu căn nhà giá rẻ ở TPHCM sớm thành hiện thực. Những việc này cần phải triển khai sớm, càng để lâu khi giá đất lên cao thì kế hoạch càng khó khăn hơn.
"Theo khảo sát, mức giá người lao động có thể chi trả cho việc mua nhà ở xã hội, nhà giá rẻ khoảng 8 - 10 triệu đồng/m2. Để có thể bán với giá này, doanh nghiệp phải được hỗ trợ mua đất với giá từ 4 - 5 triệu đồng/m2. So sánh giá đất tại TPHCM thì việc này là rất khó nếu không có những đột phá về chính sách", ông Chánh nhấn mạnh.
Theo TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, thời gian mua nhà ở xã hội trả góp hiện nay là 25 năm, thay vì 10 - 15 năm như trước đây. Để mua được nhà, người lao động phải tiết kiệm được 200 - 300 triệu đồng nhưng mức thu nhập của công nhân, người lao động ở TPHCM hiện nay chỉ khoảng 8 - 10 triệu đồng. Với mức thu nhập như vậy, việc người lao động tiết kiệm được số tiền lớn để mua nhà cũng không phải vấn đề đơn giản.