Trả lương 20-60 triệu/tháng, công ty vẫn "đỏ mắt" tìm lao động

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Với thu nhập từ 10 triệu đồng mỗi tháng trở lên được xem là mức tương đối khá so với mặt bằng chung ở Bạc Liêu. Tuy vậy, có công ty sẵn sàng trả lương 20-60 triệu đồng nhưng vẫn "đỏ mắt" tìm lao động.

Theo thông tin từ Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bạc Liêu (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu), thời gian qua nhiều công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thông báo tuyển hàng trăm lao động với nhiều ngành, nghề.

Có nhiều công ty đưa ra mức lương từ 10 triệu đồng/tháng trở lên. Đây được xem là mức thu nhập tương đối khá so với mặt bằng chung ở địa phương. Trong đó có công ty tuyển dụng lao động với mức lương đến vài chục triệu đồng mỗi tháng.

Trả lương 20-60 triệu/tháng, công ty vẫn đỏ mắt tìm lao động - 1

Lao động ngành thủy sản ở Bạc Liêu (Ảnh minh họa: CTV).

Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các công ty trả lương cao tuyển lao động có trình độ từ trung cấp trở lên với vị trí quản lý.

Chẳng hạn như một công ty thủy sản công nghệ cao tuyển lao động quản lý quy trình sản xuất tôm, mức lương 40-60 triệu đồng/tháng. Yêu cầu của công ty đối với lao động là không cần độ tuổi nhưng phải thành thạo tiếng Thái Lan và có kinh nghiệm về nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, dù mức lương hấp dẫn nhưng một thời gian dài có không ít công ty lại không tuyển dụng được lao động.

Ngày 13/10, trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Trần Yến Hòa, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu, cho biết ngoài các công ty của Việt Nam thì hầu hết công ty tuyển mức lương cao có vốn nước ngoài.

Nêu nguyên nhân có công ty không tuyển được lao động dù lương cao, theo bà Hòa, những công ty nước ngoài thường có điều kiện kèm theo mà người lao động khó tham gia được là phải có kinh nghiệm trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của nước đó đầu tư ở địa phương.

"Hạn chế lớn nhất của lao động là ngoại ngữ. Có những vị trí công ty cần tuyển đòi hỏi phải biết tiếng như Thái Lan, Trung Quốc,... nên lao động khó vào được vị trí đó", bà Hòa nhận định và chia sẻ không ít lao động lại không muốn đi học ngoại ngữ.

Về mức lương, các công ty trả lương không thấp hơn tối thiểu vùng nhưng lao động khi làm việc phải đạt nhiều chỉ tiêu khác mới hưởng được lương cao. Do đó, khi tuyển vào, lao động cũng không làm được.

Chia sẻ giải pháp, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu cho biết, Sở giao đơn vị liên kết với các công ty để tìm hiểu trong thời gian qua việc tuyển nhân sự hạn chế về ngoại ngữ thì có thể phối hợp để đào tạo hay không? Nếu công ty có nhu cầu tuyển dụng, Sở sẽ thông báo tổ chức giảng dạy cho người lao động.

Lãnh đạo Sở cũng khuyến nghị người lao động cần nâng cao trách nhiệm của mình, chủ động bồi dưỡng thêm kiến thức, trình độ, kinh nghiệm,… để có thể đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng đưa ra.