1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

TPHCM: Tăng cường tạo việc làm cho người thất nghiệp

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP HCM đã có hơn 300.000 người lao động bị thôi việc.

Theo lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP HCM, tình trạng mất việc làm đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người lao động.

Để giảm bớt những khó khăn cho người lao động, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP HCM cho biết Sở khuyến khích doanh nghiệp đưa ra những chính sách hỗ trợ có lợi cho người lao động bị thôi việc.

Đồng thời, doanh nghiệp phải đảm bảo công việc cho những người lao động lớn tuổi, mang thai, có con nhỏ gặp khó khăn…

TPHCM: Tăng cường tạo việc làm cho người thất nghiệp - 1
Các doanh nghiệp nếu cho công nhân thôi việc phải thông báo trước 45 ngày và đảm bảo lương tối thiểu theo quy định

Sở cũng đã giới thiệu người lao động bị thôi việc vào công ty khác cùng ngành. Đầu tháng 7, đã có 3.000 công nhân của Công ty PouYuen ở quận Bình Tân bị ngừng việc, trong đó có khoảng 800 người lao động có nguyện vọng ở lại thành phố làm việc.

Sở đã tìm kiếm doanh nghiệp có cùng ngành sản xuất để giới thiệu số công nhân này chuyển sang làm việc.

TPHCM: Tăng cường tạo việc làm cho người thất nghiệp - 2
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP HCM (bên phải)

Ngoài ra, sở cũng đã liên hệ với tám doanh nghiệp tại quận Gò Vấp để nhận hơn 2.000 công nhân của Công ty Huê Phong bị cắt giảm.

“Đối với những người có nhu cầu đào tạo nghề, sở sẵn sàng hỗ trợ đưa vào học ở hệ thống các trường cao đẳng, trung cấp nghề để có thể chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển công việc. Trong quá trình đào tạo nghề, người lao động sẽ được tạo điều kiện vay vốn từ các nguồn quỹ quốc gia về việc làm, tổ chức tài chính CEP dành cho công nhân...

Trong 8.400 doanh nghiệp gặp khó khăn, Thành ủy và Ủy ban Nhân dân TP HCM chỉ đạo 90% số doanh nghiệp này nhận được gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ và Nghị quyết 02 của HĐND TP vào tháng 9 tới. Với nguồn kinh phí được hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ trả lương công nhân nhằm tiếp tục kinh doanh, không cắt giảm lao động” - ông Tấn cho biết thêm.

Được biết, Sở LĐ-TB&XH đã đưa ra hai kịch bản tham mưu cho UBND TP phương án ngăn chặn tình trạng lao động mất việc, hỗ trợ người lao động trong sáu tháng cuối năm 2020.

TPHCM: Tăng cường tạo việc làm cho người thất nghiệp - 3
Tình trạng mất việc làm đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người lao động

Kịch bản thứ nhất: Nếu Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ tạo điều kiện cho cơ sở gia tăng hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút lao động, hạn chế lao động ngừng việc, mất việc. Tuy nhiên, ngành dịch vụ, du lịch, ngành công nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng do xuất nhập khẩu gián đoạn. Theo dự tính thì có khoảng 4.400 doanh nghiệp tại TP HCM bị ảnh hưởng với khoảng 100.000-120.000 lao động bị ngừng việc, thôi việc.

Kịch bản thứ hai: Nếu dịch bệnh diễn biến xấu, sẽ có gần 5.000 DN trong nhiều lĩnh vực như dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, dệt may, giày da, chế biến gỗ, thực phẩm... bị ảnh hưởng, kéo theo đó có khoảng 160.000-180.000 lao động mất việc.

Để đảm bảo quyền lợi người lao động, sở thành lập các tổ công tác trực tiếp làm việc, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo chính sách với người lao động đúng pháp luật. Các doanh nghiệp nếu cho công nhân thôi việc phải thông báo trước 45 ngày và đảm bảo lương tối thiểu theo quy định.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP HCM về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19 thì đã có hơn 514.000 người trên địa bàn thành phố được hỗ trợ với số tiền gần 564 tỉ đồng.

Trong đó, số người phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ với mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng chỉ đạt 1,79%.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do điều kiện được hưởng chế độ này rất chặt chẽ, đặc biệt là vấn đề doanh nghiệp phải chứng minh gặp khó khăn về tài chính, không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương.

Ngoài ra, để thẩm định báo cáo tài chính của doanh nghiệp, UBND quận, huyện phải lập tổ thẩm định, việc thẩm định hồ sơ tài chính mất rất nhiều thời gian để xử lý hồ sơ.