TPHCM: F0 và nỗi niềm đau đáu tìm việc làm khi khỏi bệnh

Đặng Dương

(Dân trí) - Nhiều lao động quyết định nghỉ việc để tập trung điều trị Covid-19, thế nhưng cũng có những người cố bám trụ với công việc, bởi đó là lý do duy nhất họ ở lại thành phố.

Đi chữa bệnh… mất nửa tháng lương

Nguyễn Thị Lệ Hằng (27 tuổi) là một nhân viên văn phòng tại TPHCM. Cô gái được xác định mắc Covid-19 từ đầu tháng 8 và phải điều trị 14 ngày. Chính vì thế, trong suốt thời gian tại khu điều trị, cô không thể giải quyết được công việc mà công ty đã giao.

Trước đó, cô gái trẻ này vừa ký hợp đồng thử việc với mức lương hơn 8 triệu đồng với một công ty chuyên về thiết bị điện tử. Đi làm được vài ngày, công ty chuyển sang chế độ làm việc tại nhà và cô bị nhiễm Covid-19.

TPHCM: F0 và nỗi niềm đau đáu tìm việc làm khi khỏi bệnh - 1

Chỉ sau 3 ngày điều trị khỏi Covid-19, Nguyễn Thị Lệ Hằng đã lập tức quay lại công việc của mình (Ảnh: NVCC).

Đối với cô gái đến từ một tỉnh của Tây Nguyên, các chi phí thuê phòng trọ và sinh hoạt ở TPHCM là con số không nhỏ. Đặc biệt là thời gian nửa tháng điều trị, cô không có lương.

Sau thời gian điều trị bệnh, với nửa tháng lương còn lại, Nguyễn Thị Lệ Hằng tính toán vừa dành để trả tiền trọ và mua thuốc thang, đồ dùng hàng ngày. Bên cạnh đó, cô cũng đang tìm hiểu các chính sách an sinh của TPHCM và Chính phủ để đăng ký nhận hỗ trợ.

"Trở về sau 14 ngày điều trị Covid-19, tôi chỉ dành ra 2 ngày để nghỉ ngơi, lấy lại tinh thần. Đến ngày thứ 3, tôi bắt đầu trở lại với công việc. Thật sự, vừa trải qua những ngày tháng trên giường bệnh. Bây giờ ngồi trước máy tính để làm việc không dễ dàng chút nào. Tinh thần không ổn định khiến tôi không thể tập trung", Nguyễn Thị Lệ Hằng nói.

Khối lượng công việc lớn, tồn đọng 2 tuần liền buộc cô phải sắp xếp lại những thứ cần làm trước để đảm bảo yêu cầu của công ty giao.

Thế nhưng, những "di chứng" của Covid-19 vẫn còn dai dẳng, khiến cô gái 27 tuổi liên tục khó thở, tức ngực và choáng váng mỗi khi suy nghĩ căng thẳng hoặc ngồi trước máy tính quá lâu.

Với công việc phụ trách nội dung truyền thông, Nguyễn Thị Lệ Hằng cần đảm bảo thương hiệu, hình ảnh của công ty xuất hiện liên tục trên các trang thương mại điện tử và mạng xã hội.

"Qua 2 tuần không làm việc ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch của công ty. Mấy ngày hôm nay, tôi đều làm việc đến 1-2 giờ sáng với hy vọng giải quyết tối đa phần việc của bản thân", Nguyễn Thị Lệ Hằng cho biết.

Cách ly xong về tìm việc khác

Chị Trần Phương Thoan (26 tuổi, trú Quận 3, TPHCM) cũng mắc Covid-19 và phải vào Bệnh viện dã chiến số 11 để điều trị từ trung tuần tháng 8.

Giống như chị Nguyễn Thị Lệ Hằng, chị Trần Phương Thoan mới xin vào làm cho một ngân hàng thương mại với công việc liên quan đến truyền thông và chăm sóc khách hàng. Vừa làm được 2 ngày, chị được xác định mắc Covid-19 và phải nghỉ việc để đi điều trị.

TPHCM: F0 và nỗi niềm đau đáu tìm việc làm khi khỏi bệnh - 2

Chị Trần Phương Thoan quyết định xin nghỉ việc để yên tâm điều trị bệnh (Ảnh: NVCC).

Theo trí nhớ của nữ nhân viên ngành ngân hàng, thời điểm mới nhập viện, một số bệnh nhân mang theo laptop vào bệnh viện để làm việc. Tuy nhiên, có thể do thể trạng yếu, lại tập trung quá nhiều vào công việc nên sức khỏe của bệnh nhân đó chuyển biến xấu. Chỉ mấy ngày sau, họ phải thở oxy.

"Chứng kiến nhiều bệnh nhân dù mắc bệnh nhưng vẫn "đau đầu" vì công việc, tôi cũng hơi lo lắng khi nhìn lại bản thân. Ngày thứ 3 nhập viện, tôi quyết định xin nghỉ làm để không bị áp lực, stress", Trần Phương Thoan cho hay.

Cô gái trẻ này dự định nếu sau khi khỏi bệnh, công ty vẫn nhận thì sẽ tiếp tục thử việc lại từ đầu. Trong trường hợp công ty không đồng ý thì cô sẽ tìm một công việc khác. Tuy nhiên, điều may mắn nhất là quyết định nghỉ việc giúp 10 ngày nằm viện của cô thật sự thoải mái, phục hồi sức khỏe tốt hơn.

Tương tự, chị Trần Thị Phượng Vỹ (trú tại tỉnh Đắk Nông) là nhân viên cho một công ty truyền thông tại quận 12, TPHCM.

Công việc viết kịch bản, sản xuất video quảng bá thương hiệu không quá vất vả và có mức lương hơn 15 triệu đồng/tháng, nhưng chị vẫn quyết định xin nghỉ việc trước khi bước vào 14 ngày cách ly tập trung.

"Điều quan trọng nhất trong quá trình cách ly là tâm lý ổn định, thoải mái. Chính vì thế, tôi xin nghỉ việc tại công ty. Trong thời gian cách ly tập trung, tôi chỉ nhận những "job nhỏ" (công việc đơn giản) như viết bài PR để duy trì nghề. Sau khi hoàn thành cách ly, có thể tôi sẽ tìm một công việc khác ở ngay tại quê mình", chị Trần Thị Phượng Vỹ cho biết thêm.