Sinh viên ra trường mùa Covid-19: Trong cái khó, vẫn ló cái khôn?

Nguyễn Hạnh

(Dân trí) - Mới tốt nghiệp đại học chưa được bao lâu, Nguyễn Bá Ngọc đã thất nghiệp giữa mùa dịch Covid-19. Chàng tân kỹ sư này quyết định về quê nhà Thanh Hóa để phụ giúp gia đình làm nông nghiệp.

Nỗi lo ra trường mùa Covid-19

Sinh viên Nguyễn Bá Ngọc (23 tuổi) vừa tốt nghiệp trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội năm 2021. Trước đó, Ngọc đã đi thực tập và được giữ lại công ty để làm việc tại Hà Nội. Nhưng sau đợt dịch Covid-19 bùng phát thứ 2 năm trong năm 2020, công việc bị ảnh hưởng nặng nề khiến Nguyễn Bá Ngọc mất việc.

"Còn ít kinh nghiệm nên tôi nằm trong diện hàng đầu bị cắt giảm nhân sự. Mất việc, tôi đã đi nộp hồ sơ mấy chỗ nhưng chưa có kết quả" - Nguyễn Bá Ngọc nhớ lại.

Hiện giờ chưa có việc làm và có ý chờ kinh tế phục hồi sau đợt bùng phát lần thứ 4 này, Nguyễn Bá Ngọc đã chọn cách trở về quê nhà Thanh Hóa phụ giúp gia đình làm nông nghiệp.

Tương tự, bạn Đào Văn Bảo vừa nhận bằng kỹ sư của một trường đại học ở Hà Nội vào giữa năm 2021. Gần 2 tháng qua, tân kỹ sư Đào Văn Bảo liên tục lên mạng tìm kiếm cơ hội việc làm và gửi hồ sơ đến những công ty đang tuyển dụng.

Sinh viên ra trường mùa Covid-19: Trong cái khó, vẫn ló cái khôn? - 1

Đào Văn Bảo chật vật sống trong căn phòng thuê trọ ở Hà Nội (Ảnh: NVCC).

Chia sẻ với PV, Đào Văn Bảo nói: "Ngay cả công việc làm công nhân ở các khu công nghiệp giờ cũng "đóng băng" do Covid-19. Nếu tuyển dụng, họ cần những thợ lành nghề, kỹ thuật cao hoặc cũng bằng cấp đại học và kinh nghiệm chuyên môn".

Cũng tốt nghiệp đại học vào năm 2021, Trần Thị Vân Anh - cử nhân Giáo dục Tiểu học, trường Đại học Thủ đô Hà Nội - có được cơ hội "khá khẩm" hơn chút khi tìm được việc đúng chuyên ngành.

Cử nhân Trần Thị Vân Anh chia sẻ: "Để được nhận vào trường bạn phải trải qua 3 vòng thi, mỗi vòng thi đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đặc biệt là kỹ năng mềm. May mắn hơn các bạn, tôi được trường nhận vào làm việc".

Tìm cơ hội trong khó khăn

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Lam Minh Tiến - chuyên viên chế độ chính sách của một doanh nghiệp về đồ ăn nhanh tại Hà Nội, cho hay: "Nếu không có dịch Covid-19, khi sinh viên tốt nghiệp, doanh nghiệp sẽ tuyển dụng các bạn trẻ vì đáp ứng được sự năng động, mới mẻ".

Tuy nhiên, doanh nghiệp nơi anh làm phải cắt giảm nhân sự, thu hẹp quy mô chứ chưa nói là có kế hoạch đào tạo bạn trẻ. Đây cũng là tình trạng chung của doanh nghiệp trong lúc này. Trong khi đó, sinh viên vẫn ra trường theo đúng thời gian của khóa học.

Điều này đòi hỏi các bạn trẻ cần có sự quan sát và tìm hiểu kỹ công việc trước khi ứng tuyển. Câu chuyện làm các công việc trái ngành trong thời gian ngắn để có thu nhập và kinh nghiệm thực tế là điều có thể tính tới. 

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia tâm lý học Nguyễn Thị An (Thạc sĩ chuyên ngành tâm lý học, Trường Đại học sư phạm Hà Nội) khuyên các bạn trẻ cần học cách chấp nhận khó khăn và suy nghĩ tích cực.

"Các bạn cần nhìn nhận lại khả năng nghề nghiệp và đặt mục tiêu gần để phấn đấu đạt được những giá trị đã được đề ra. Chưa tìm được công việc đúng ngành học thì nên linh hoạt tìm một công việc tương tự. Trong quá trình làm việc, bạn sẽ có những định hướng tốt hơn về ngành nghề phù hợp…" - chuyên gia này chia sẻ.

Chia sẻ tình hình khó khăn trong quá trình tìm việc của bạn trẻ, PGS.TS Bùi Thị Kim Hậu - Trưởng khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), đưa ra lời khuyên sinh viên mới ra trường cần học cách chấp nhận thách thức và tự trang bị thêm hành trang kiến thức, kỹ năng phù hợp.

Theo PGS.TS Bùi Thị Kim Hậu, sinh viên là những người trẻ, năng động và có cơ hội nhất định trong thời gian này. Ra trường trong thời đại dịch Covid-19 cũng là một trong những cơ hội để các bạn em vươn lên khẳng định bản thân.

"Chúng ta đang sống cách ly trong đại dịch Covid- 19. Nhưng chúng ta vẫn kết nối với nhau bằng công nghệ thông tin, internet, các thiết bị công nghệ. Nếu biết tận dụng, đây chính là cơ hội để các em có việc làm", PGS.TS Bùi Thị Kim Hậu chia sẻ.