TPHCM: Dạy nghề cho nông dân, thu nhập tăng gấp 1,5 lần
(Dân trí) - TPHCM dự kiến đào tạo nghề cho hơn 9.000 lao động nông thôn, nâng cao kỹ năng nghề để chuyển dịch cơ cấu lao động. Mục tiêu đến năm 2025, thu nhập của cư dân nông thôn gấp 1,5 lần năm 2020.
UBND TPHCM vừa ban hành Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2023 - 2025.
Kế hoạch nhằm hướng đến mục tiêu hỗ trợ đào tạo, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp để họ trở thành lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng lực lượng lao động nông thôn có kiến thức, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mới.
Yêu cầu của thành phố là phải đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề và hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Mục tiêu là đến năm 2025, thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Trong kế hoạch này, TPHCM định hướng tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và chuyển đổi số trong nông nghiệp; đào tạo chuyển đổi một bộ phận lao động nông thôn sang làm nông nghiệp dịch vụ, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu, đem lại thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân lao động nông nghiệp.
Cụ thể, kế hoạch xác định sẽ đào tạo cho người lao động các kỹ năng phù hợp với tình hình mới như: quy trình sản xuất tiên tiến ứng dụng công nghệ; kỹ năng quản lý, tiếp thị trong sản xuất nông nghiệp để đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; phương pháp kinh doanh nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn…
Thành phố yêu cầu phải bổ sung các nghề mới, nghề đặc thù thu hút nhiều lao động nông thôn và đáp ứng với các yêu cầu phát triển kinh tế nông thôn trong thời gian tới.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, trong năm 2022, thành phố đã đào tạo hơn 3.200 lao động nông thôn với các nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp, đào tạo nghề dưới 3 tháng.
Hiện trên địa bàn thành phố có khá nhiều làng nghề truyền thống như làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, làng nghề đan lát Thái Mỹ, làng nghề mành trúc Tân Thông Hội, làng nghề đan giỏ Xuân Thới Sơn, làng nghề làm nhang Lê Minh Xuân, làng nghề muối Lý Nhơn, làng nghề hoa cây kiểng Thủ Đức, làng nghề mai vàng Bình Lợi…
Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục bảo tồn các ngành nghề, làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, các nghề truyền thống sẽ được phát triển theo hướng nâng cao giá trị gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn.