1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

TPHCM cần có chiến lược thu hút và giữ chân lao động di cư

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, trong bối cảnh cạnh tranh lao động ngày càng gia tăng, TPHCM cần có chiến lược dài hạn để thu hút và giữ chân lao động di cư.

Lao động di cư đóng góp cho TPHCM ngày càng nhiều

Ngày 8/11, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS) tổ chức hội thảo đề tài vai trò của lao động di cư trong nước đối với sự phát triển TPHCM và giải pháp chính sách về vấn đề lao động, việc làm trong tình hình mới.

Phát biểu đề dẫn, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng HIDS, cho biết: "TPHCM là nơi tập trung nhiều nhất lực lượng lao động di cư từ khắp các vùng miền của cả nước. Di cư không chỉ góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế mà còn tạo nên sự đa dạng về văn hóa và xã hội".

TPHCM cần có chiến lược thu hút và giữ chân lao động di cư - 1

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng HIDS, chủ trì hội thảo (Ảnh: Tùng Nguyên).

Mặc dù có vai trò quan trọng, lao động di cư tại TPHCM lại đối diện với nhiều thách thức. Các vấn đề nổi bật là điều kiện sống và làm việc chưa ổn định, thiếu thụ hưởng an sinh xã hội…

Theo ông Bình An, lao động di cư thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở giá rẻ, dịch vụ y tế và giáo dục. Điều này đặc biệt phổ biến trong khu vực phi chính thức, nơi lao động thường không có hợp đồng lao động và không được bảo vệ bởi các chính sách an sinh xã hội.

Ngoài ra, một tỷ lệ lớn lao động di cư chưa được bao phủ bởi bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội. Đây là rào cản lớn trong việc đảm bảo an sinh và sự phát triển bền vững của lực lượng lao động này .

Theo TS Nguyễn Thị Hoài Hương, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu lao động di cư trong nước đến TPHCM, đầu năm 2024, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 1.200 người lao động di cư đến thành phố.

Kết quả phân tích số liệu cho thấy bức tranh lao động di cư tại TPHCM có nhiều điểm tích cực như: Tỷ lệ di cư có trình độ học vấn cao hơn, giảm dần lao động ở các ngành thâm dụng lao động, nhiều người nhận định có cuộc sống khá hơn, thu nhập bình quân có xu hướng tăng, tỷ lệ tiền gửi về quê cũng gia tăng…

TPHCM cần có chiến lược thu hút và giữ chân lao động di cư - 2

Theo TS Nguyễn Thị Hoài Hương, nghiên cứu về lao động di cư sau dịch Covid-19 là rất cần thiết (Ảnh: Tùng Nguyên).

Số lượng lao động di cư đến TPHCM có giảm nhưng tỷ lệ lao động di cư có trình độ cao tăng lên. Điều đó cho thấy có sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, họ đóng góp cho nền kinh tế TPHCM nhiều hơn.

"Bước ngoặc" đại dịch Covid-19

Theo nhóm nghiên cứu, "bước ngoặc" đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến lao động di cư tại TPHCM. Dịch Covid-19 và quá trình phục hồi, phát triển kinh tế tác động mạnh đến chuyển dịch cơ cấu lao động trong các ngành, lĩnh vực kinh tế có lao động di cư tham gia.

Họ có xu hướng chuyển dịch sang khu vực lao động tự do nhiều hơn. Kết quả khảo sát cho thấy, năm 2021 có 53,9% lao động di cư làm ở khu vực doanh nghiệp tư nhân, năm 2024 giảm còn 42,4%; năm 2021 có 16,2% lao động di cư làm công việc tự do thì năm 2024 tăng lên thành 27,2%.

Tình hình thụ hưởng an sinh xã hội càng đáng báo động hơn khi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm thất nghiệp... là các chính sách an sinh cơ bản nhưng không có chính sách nào đạt tỷ lệ thụ hưởng 50%.

TPHCM cần có chiến lược thu hút và giữ chân lao động di cư - 3

Tình hình thụ hưởng chính sách an sinh xã hội của lao động di cư tại TPHCM (Nguồn: HIDS).

TS Nguyễn Văn Lâm, nguyên Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội TPHCM, đánh giá: "Lao động của các tỉnh thành khác đến đây, đóng góp cho sự phát triển của TPHCM là rất lớn, cực kỳ quan trọng".

Do đó, ông trăn trở về chính sách đãi ngộ đối với nhóm lao động này để họ gắn bó với thành phố. Đó cũng là trách nhiệm của TPHCM đối với lực lượng có nhiều đóng góp cho thành phố.

Ông đề cập đến các chính sách hỗ trợ nhà ở, học phí, bảo hiểm, đào tạo nghề… đã được ban hành nhưng thực tế triển khai chưa tương xứng, còn nhiều bất cập.

TPHCM cần có chiến lược thu hút và giữ chân lao động di cư - 4

TS Nguyễn Văn Lâm, nguyên Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội TPHCM (Ảnh: Tùng Nguyên).

Thạc sĩ Lê Văn Thành, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội HIDS, đề nghị cần nghiên cứu sâu hơn về dịch Covid-19 ảnh hưởng đến người lao động.

"Đời sống thực tế của người di cư đến thành phố này như thế nào? Chúng ta nói tốt nhưng thực tế xảy ra vấn đề như Covid-19 thì họ không chống chọi nổi, chỉ vài tháng là họ phải rời bỏ thành phố", ông nhấn mạnh.

Cần có chính sách níu giữ lao động di cư

Theo TS Dư Phước Tân, thành viên nhóm nghiên cứu, kết quả phân tích số liệu cho thấy, mức sinh thấp của TPHCM được bù đắp bởi tỷ lệ sinh cao ở những nơi khác nhờ dòng người di cư. Vai trò lao động di cư thể hiện rõ khi chiếm tỷ lệ cao trong lực lượng lao động tại TPHCM.

Nếu như năm 2000, tỷ suất sinh tại TPHCM là 1,76 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; đến năm 2022, con số này chỉ còn 1,39.

Hiện mức sinh thấp ở thành phố bước đầu được bù đắp nhờ lao động di cư. Nếu không có chính sách thu hút lực lượng này sẽ ảnh hưởng đến nguồn lao động cho kế hoạch phát triển kinh tế thành phố.

TPHCM cần có chiến lược thu hút và giữ chân lao động di cư - 5

Theo TS Dư Phước Tân, mức sinh thấp của TPHCM được bù đắp nhờ dòng người di cư (Ảnh: Tùng Nguyên).

Ông Nguyễn Như Khánh, Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển, có một góc nhìn khác. Theo lý thuyết phát triển các đô thị lớn, thu hút lao động chất lượng cao mới là xu hướng để phát triển thành phố bền vững. Với lao động phổ thông, khi thành phố phát triển đến mức độ nào đó thì thu nhập của họ không đáp ứng được, họ sẽ tự di chuyển, rời đi vùng trung tâm.

Ông cho rằng: "Càng tạo điều kiện thu hút lao động thì dân số càng tăng cao, quá sức chịu đựng của thành phố thì ảnh hưởng đến chất lượng an sinh xã hội. Do đó, các chính sách cần đánh mạnh vào việc thu hút lao động chất lượng cao, thay đổi mô hình kinh tế phù hợp xu thế phát triển".

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, thì đề nghị cơ quan nhà nước cần có chính sách quản lý lao động tốt hơn, cần quản lý thống nhất cả nước, không nên phân địa bàn, lao động tại chỗ hay di cư.

Theo ông, lao động các tỉnh di cư đến TPHCM làm việc nhưng lao động thành phố lại di cư sang các nước khác. Điều quan trọng nhất trong việc tận dụng nguồn lực lao động di cư là sự cân đối giữa nguồn cung đa dạng và nhu cầu nhân lực để phát triển thành phố tùy vào từng giai đoạn.

"Công việc dự báo và truyền thông, định hướng người lao động chọn ngành, chọn nghề, chọn trình độ nghề phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của thành phố là rất quan trọng. Lao động chất lượng cao giúp thành phố phát triển, lao động chất lượng thấp giúp cho thành phố bình ổn", ông Tuấn nói.

TPHCM cần có chiến lược thu hút và giữ chân lao động di cư - 6

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM (Ảnh: Tùng Nguyên).

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng HIDS, cho rằng: "Trong bối cảnh cạnh tranh lao động ngày càng gia tăng từ các địa phương lân cận và các thành phố lớn, TPHCM cần có chiến lược dài hạn để thu hút và giữ chân lao động di cư".

Theo ông, điều này bao gồm việc tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động di cư tham gia vào các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, cũng như đảm bảo cho họ một cuộc sống ổn định và an toàn tại thành phố.

Việc đầu tư vào công nghệ và nâng cao kỹ năng cho lao động di cư cũng sẽ giúp TPHCM xây dựng một nền kinh tế dựa trên tri thức và tăng trưởng bền vững.