Chạy xe công nghệ thu nhập cao thì ai đi học nâng cao kỹ năng?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Có những lao động không có ý định nỗ lực học tập thêm kỹ năng mới vì họ chỉ cần ra đường chạy xe công nghệ là có thu nhập cao hơn làm việc trong nhà máy.

Lựa chọn trong chuyển đổi nghề nghiệp

Ngày 10/10, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức hội thảo khoa học chủ đề "Giải pháp chuyển đổi kỹ năng nghề nghiệp, đảm bảo việc làm cho người lao động tại doanh nghiệp ở TPHCM".

Tại hội thảo, thạc sĩ Nguyễn Thị Lê Uyên đại diện nhóm nghiên cứu trình bày những nội dung chính của nghiên cứu sau 1 năm khảo sát và xử lý dữ liệu.

Chạy xe công nghệ thu nhập cao thì ai đi học nâng cao kỹ năng? - 1

Thạc sĩ Nguyễn Thị Lê Uyên trình bày kết quả nghiên cứu (Ảnh: Tùng Nguyên).

Kết quả nghiên cứu cho thấy, chuyển đổi kỹ năng nghề nghiệp của người lao động tại các doanh nghiệp ở TPHCM là một xu hướng, đang ngày càng đòi hỏi cấp bách hơn trong bối cảnh chuyển đổi xanh, chuyển đối số.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Lê Uyên cho biết: "Qua khảo sát, cả doanh nghiệp và người lao động đều nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi kỹ năng nghề nghiệp".

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi tại TPHCM chịu tác động bởi nhiều yếu tố. Trong đó, toàn cầu hóa, chuyển đổi số và chính sách chuyển đổi sang nền kinh tế xanh cùng với vấn đề dân số đã tác động 2 mặt đến nguồn nhân lực: vừa có tính thúc đẩy, vừa có tính rào cản.

Ví dụ, dưới tác động chuyển đổi số, những lao động thiếu kỹ năng số buộc phải đứng trước 3 lựa chọn: Học tập kỹ năng số; chấp nhận bị đào thải hoặc chọn công việc không yêu cầu kỹ năng số.

Nhóm nghiên cứu nhận định, các chính sách, giải pháp hiện hành tại TPHCM đã được triển khai ở nhiều cấp. Tuy nhiên, hiện vẫn đang gặp nhiều thách thức, còn nhiều khó khăn.

Do đó, để nâng cao hiệu quả chuyển đổi kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động tại TPHCM, nhóm nghiên cứu khẳng định cần có sự chung tay, góp sức từ nhiều phía: Chính quyền, doanh nghiệp, người lao động và cả cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Phát biểu tại hội thảo, thạc sĩ Lê Văn Thành, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng: "Chuyển đổi này như là một quá trình mang tính "nội bộ", tập trung 2 nhân tố quan trọng là doanh nghiệp và người lao động. Đây là 2 nhân tố có lợi ích sát sườn".

Chạy xe công nghệ thu nhập cao thì ai đi học nâng cao kỹ năng? - 2

Thạc sĩ Lê Văn Thành, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (Ảnh: Tùng Nguyên).

Theo ông Thành, chuyển đổi là việc doanh nghiệp phải làm, phải chuyển đổi vì yêu cầu sống còn của họ. Tuy nhiên, không phải ngành nào, nghề nào cũng cần chuyển đổi. Có ngành cần chuyển đổi ngay, có ngành chưa có yêu cầu cấp thiết.

Với người lao động cũng vậy. Có người có ý chí vươn lên thì cố gắng học thêm kỹ năng để tăng thu nhập, thăng tiến. Nhưng có người không có ý chí như vậy, hoặc không có điều kiện kinh tế và trình độ để làm việc đó.

Ông Thành cho rằng: "Thị trường lao động hiện nay cho thấy nhiều công việc mới phát sinh có thu nhập cao như tài xế xe công nghệ, bán hàng online… là nguồn thu hút lao động phổ thông. Nhu cầu đeo bám, trông chờ việc làm ở các công ty theo phương thức làm công ăn lương giảm dần".

Do đó, ông đề nghị khi đề xuất các chính sách hỗ trợ chuyển đổi phải chú ý đến 4 chữ "chọn": Chọn ngành, chọn nghề, chọn trường, chọn người. Việc chọn đúng đối tượng rất quan trọng để thiết kế các chính sách hỗ trợ phù hợp.

Nghiên cứu cấp giấy phép lao động

Đứng về góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM), đề nghị bổ sung 4 chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, chuyển đổi kỹ năng cho người lao động.

Đó là hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển sinh tự do bên ngoài về đào tạo; hỗ trợ đào tạo lao động tại chỗ theo hình thức vừa học vừa làm; cho phép sử dụng quỹ khoa học công nghệ trong doanh nghiệp để nghiên cứu đổi mới thiết bị, công nghệ; nhà nước cần sớm xác định hướng phát triển để triển khai đào tạo ngay, chuẩn bị sớm nhân lực cho doanh nghiệp.

Theo thạc sĩ Trần Ngọc Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển GDNN (Hội GDNN TPHCM), chứng chỉ nghề nghiệp là một giải pháp tốt để thúc đẩy chuyển đổi kỹ năng nghề nghiệp.

Doanh nghiệp có thể căn cứ vào chứng chỉ để tuyển dụng. Người lao động muốn làm công việc gì thì học chứng chỉ tương ứng. Chứng chỉ nghề quốc tế cũng mở ra nhiều cơ hội di chuyển lao động quốc tế.

Thạc sĩ Trần Ngọc Hạnh cho rằng: "Chứng chỉ nghề là một trong những công cụ thúc đẩy người lao động phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ và tay nghề qua việc luôn cập nhật những thông tin mới, các ứng dụng mới được sử dụng trong lĩnh vực chuyên môn".

Chạy xe công nghệ thu nhập cao thì ai đi học nâng cao kỹ năng? - 3

Thạc sĩ Trần Ngọc Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển GDNN (Ảnh: Tùng Nguyên).

Ông Trần Đoàn Trung, Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TPHCM, đề xuất một giải pháp mới: Cấp giấy phép lao động. Theo ông, việc này sẽ giải quyết được hàng loạt vấn đề quản lý lao động đang tồn tại.

Ông Trung lý giải, hiện người lao động nước ngoài đến Việt Nam làm việc hay người Việt Nam ra nước ngoài làm việc đều phải có giấy phép lao động.

Tương tự vậy, ông đề nghị nghiên cứu thực hiện cấp phép lao động cho người làm việc tại TPHCM. Ai có giấy phép lao động thì mới được làm việc tại TPHCM.

Theo ông, với ứng dụng công nghệ và cơ sở dữ liệu dân cư hiện nay thì việc cấp phép sẽ giúp thành phố thống kê được nhân lực hiện có, doanh nghiệp cần bao nhiêu, còn thiếu bao nhiêu, cần đào tạo bao nhiêu…

Người lao động muốn làm việc phải có kỹ năng đạt chuẩn và thường xuyên kiểm định mới được cấp phép. Từ đó, họ phải tự ý thức học kỹ năng để đáp ứng tiêu chuẩn cấp phép.

Doanh nghiệp chỉ được tuyển dụng lao động có giấy phép đúng ngành nghề. Sử dụng lao động đạt chuẩn, họ phải cam kết mức lương cao hơn và đảm bảo các quyền lợi cho người lao động...