1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lao động di cư ngược vì chỉ được xem là "công dân hạng 2"?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Lao động đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp tại TPHCM tăng lên nhưng doanh nghiệp tuyển người không được. Tổng số lao động giảm đe dọa ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội của thành phố.

"Nhà tôi sợ rồi, không dám lên lại thành phố"

Anh Mai Tèo (36 tuổi) rời quê nhà ở huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lên TPHCM làm việc năm 2005, khi vừa tốt nghiệp cấp 3. Tèo có gần 15 năm làm việc tại một công ty gia công trang sức bạc ở quận 5 rồi cưới vợ, sinh con, ở lại thành phố này.

Đợt dịch Covid-19, gia đình Tèo mắc kẹt lại TPHCM, trong tình cảnh không việc làm, không thu nhập mà tiền tiêu cho nhu cầu ăn uống, thuốc men, phòng dịch… tăng cao hơn bình thường khiến vợ chồng anh kiệt quệ. Ngay sau khi thành phố mở cửa trở lại, cả nhà Tèo dắt nhau về quê.

Tèo tâm sự: "Về quê em làm phụ hồ, rồi chạy xe giao hàng. Thu nhập thấp hơn ở thành phố nhưng được cái an tâm, không chen chúc mệt mỏi như ở Sài Gòn. Vợ chồng em sợ rồi, không dám lên lại thành phố làm việc nữa".

Gia đình Mai Tèo chỉ là 1 trong số hàng trăm nghìn người dân các tỉnh rời TPHCM về quê vì Covid-19.

Lao động di cư ngược vì chỉ được xem là công dân hạng 2? - 1

Sau dịch Covid-19, hàng trăm nghìn người các tỉnh đã rời thành phố (Ảnh: Hải Long).

Sang đầu năm 2022, kinh tế TPHCM khởi sắc trở lại được vài tháng, một phần lao động các tỉnh quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, các biến động quốc tế ảnh hưởng đến đơn hàng xuất khẩu, một số doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động thiếu đơn hàng phải sa thải công nhân, hạn chế tuyển mới…

Vậy là một làn sóng hồi hương mới lại bắt đầu. Tình hình khó khăn kéo dài từ cuối năm 2022 đến nay chưa có dấu hiệu chấm dứt. Những khu trọ tại quận Bình Tân, nơi được ví von là "thủ phủ nhà trọ" của TPHCM dần vắng bóng người vì công nhân trả phòng, về quê quá nhiều.

Trong tham luận đóng góp cho đề án xây dựng chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2023-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Trương Hoàng Trương (Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM) gọi hiện tượng trên là "di cư ngược".

Trước đây, dòng di cư hiển nhiên là lao động từ các tỉnh đổ về TPHCM để kiếm việc làm khiến tỷ suất di cư thuần của thành phố luôn tăng. Giờ đây, công nhân lao động rời thành phố, trở lại quê nhà, lực lượng lao động của thành phố giảm mạnh.

Điều này thể hiện rõ qua số liệu thống kê lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM. Năm 2020, thành phố có hơn 4,9 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên. Qua năm 2021, con số này còn gần 4,6 triệu người, giảm hơn 300.000 người. Bước sang năm 2022, số lao động tăng lại nhưng không đáng kể, chỉ thêm gần 15.000 người, vẫn thấp hơn năm 2020 khoảng 300.000 người.

Lao động di cư ngược vì chỉ được xem là công dân hạng 2? - 2

Biến động lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên tại TPHCM qua các năm (Nguồn: Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TPHCM).

Chặn dòng di cư ngược

Theo nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Trương Hoàng Trương, kể từ giai đoạn sau đại dịch Covid-19, xu hướng di cư ngược đã xuất hiện và tiếp tục kéo dài cho đến nay.

Thời điểm dịch bệnh bùng phát đã có khoảng 300.000 người lao động trở về quê. Đến khi các doanh nghiệp thu hẹp hoạt động, xu hướng di cư về quê tiếp diễn.

Lao động di cư ngược vì chỉ được xem là công dân hạng 2? - 3

Những khu trọ ở Bình Tân vắng người thuê (Ảnh: Nguyễn Vy).

Nhóm nghiên cứu đánh giá, xu hướng di cư ngược lặp đi lặp lại, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội của TPHCM.

Tác động dễ thấy nhất là tình trạng mất cân đối cung cầu nhân lực thời gian gần đây. Từ cuối năm 2022 đến nay, thành phố đã có hiện tượng nghịch lý là người mất việc, đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều nhưng vẫn có những doanh nghiệp không tuyển được lao động.

Trong đợt các doanh nghiệp may cắt giảm lao động ồ ạt vào cuối năm 2022, ông Hiền, giám đốc nhân sự của một công ty may ở quận 6, đến tận cổng doanh nghiệp cắt giảm lao động để phát tờ rơi tuyển dụng nhưng không tuyển được người nào. Hầu hết lao động bị mất việc chuyển sang làm thời vụ để hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc về quê.

Do đó, nhóm nghiên cứu đề xuất, chiến lược lao động và việc làm cần có những giải pháp chặn dòng di cư ngược này. Bên cạnh giải pháp kinh tế cần có những phương án đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội cho nhóm lao động di cư từ các tỉnh đến thành phố làm việc để họ an tâm ở lại.

Theo tiến sĩ Trương Hoàng Trương, việc đảm bảo điều kiện sống của người lao động cũng như những quyền lợi về cư trú ngay cả khi người lao động thất nghiệp cần phải được quan tâm thực hiện để hạn chế hiện tượng "một đi không trở lại".

Nhóm nghiên cứu cho rằng: "Với một hệ thống hộ khẩu phân chia theo diện KT1, KT2, KT3, KT4, nhiều lao động nhập cư ở thành phố đang bị đối xử như công dân hạng 2, bị hạn chế nhiều quyền lợi về phúc lợi xã hội. Họ cảm thấy bị thiệt thòi và không còn muốn tiếp tục ở lại thành phố".

Lao động di cư ngược vì chỉ được xem là công dân hạng 2? - 4

Đừng để lao động nhập cư cảm thấy bị đối xử như "công dân hạng hai" (Ảnh minh họa: Hải Long).

Do đó, các cấp chính quyền cần có chiến lược tăng cường điều kiện phúc lợi xã hội, điều kiện cư trú cho những nhóm lao động thuộc diện lưu trú hoặc tạm trú ngắn hạn; có chính sách khuyến khích chuyển đổi tình trạng cư trú từ lưu trú ngắn hạn sang tạm trú dài hạn; cải thiện chính sách về nhà ở cho người thu nhập thấp…

Theo nhóm nghiên cứu, những chính sách này khi được triển khai sẽ làm người lao động an tâm hơn khi làm việc tại thành phố, hạn chế tình trạng di cư ngược do không được công nhận là công dân của thành phố.