TP HCM khan hiếm lao động phổ thông

Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông ở các doanh nghiệp luôn ở mức cao nhưng nguồn cung lại thiếu hụt

Tại TP HCM thời gian gần đây, nhu cầu tuyển lao động phổ thông (LĐPT) có xu hướng tăng cao. Qua khảo sát, ở các sàn việc làm trên địa bàn TP, nhu cầu tuyển dụng LĐPT chiếm hơn 50% trong tổng nhu cầu.

Đau đầu tuyển lao động

Ghi nhận tại sàn việc làm quận Thủ Đức diễn ra mới đây, nhu cầu tuyển dụng LĐPT lên đến 65% với các vị trí như: công nhân (CN) lắp ráp linh kiện điện tử, bảo vệ, nhân viên vận hành…

Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam (KCX Linh Trung 1, quận Thủ Đức, TP HCM) đang cần tuyển 500 CN sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử.

Bà Huỳnh Thị Thùy Trang, chuyên viên nhân sự công ty, cho biết: "Thời gian gần đây, công ty thường rơi vào tình trạng biến động lao động, chủ yếu do nữ CN lập gia đình, về quê, có con nhỏ, không chấp nhận làm ca đêm. Để có đủ CN cho nhu cầu mở rộng sản xuất và bù đắp vào đã nghỉ việc, công ty hạ tiêu chuẩn tuyển dụng đối với nữ CN, chỉ cần tốt nghiệp THCS thay vì THPT như trước đây. Để thu hút CN, công ty cũng vừa nâng cấp khu lưu trú với đầy đủ trang thiết bị như máy giặt, quạt máy, WiFi…" - bà Trang cho hay.

Người lao động tìm hiểu công việc tại một ngày hội việc làm
Người lao động tìm hiểu công việc tại một ngày hội việc làm

Song song với việc điều chỉnh tiêu chuẩn tuyển dụng, công ty còn phối hợp cùng Công đoàn xây dựng các chương trình sinh hoạt tập thể, mời ca sĩ về hát, tổ chức chiếu phim, thi đấu thể thao… để CN vui chơi, giải trí.

Công ty TNHH DV&ĐT Gia An (hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ vệ sinh, phường 12, quận 3, TP HCM) cũng gặp không ít khó khăn trong việc tuyển dụng lao động không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Ông Tạ Hoàng Phương Trung, chuyên viên tuyển dụng công ty, cho biết: "Tiền công làm việc của công ty khá cao từ 35.000-50.000 đồng/giờ cho các vị trí giúp việc nhà, tạp vụ văn phòng, vệ sinh. Thế nhưng, số lượng người lao động ứng tuyển rất ít dù công ty đã tìm mọi cách, chẳng hạn như rao tuyển trên báo, sàn việc làm, thậm chí sử dụng mạng xã hội như Facebook… Thậm chí qua các trang tuyển dụng".

Ông Trung cho biết đây là tình trạng chung của các doanh nghiệp (DN) có nhu cầu tuyển LĐPT. Với một công ty, không tìm được khách hàng là đáng lo nhất nhưng nghịch lý hiện nay là DN có hợp đồng thì lại không có đủ nhân viên làm việc.

Nhảy việc để đổi đời?

Theo các chuyên gia, lao động trẻ ngày nay có xu hướng không thích làm CN trong nhà máy mà họ có thể tìm những công việc khác phù hợp hơn với thị trường lao động. Đó là nguyên nhân khiến cho các DN gặp khó khăn khi tuyển LĐPT.

Sau khi vợ sinh con gái thứ 2, vợ chồng anh Hoàng Ngọc Sỹ, CN lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Panasonic AVC Networks Việt Nam (KCX Linh Trung 1, quận Thủ Đức, TP HCM), quyết định nghỉ việc để buôn bán tự do.

Anh Sỹ cho biết: "Tôi làm ở công ty đã gần 8 năm nhưng mức lương chỉ gần 6 triệu đồng/tháng, vợ chỉ hơn 5 triệu/tháng. Với thu nhập như thế này, trước đây chúng tôi còn xoay xở được nhưng bây giờ có thêm một cháu nữa thì không kham nổi". Sau một thời gian bỏ công tìm hiểu các mô hình kinh doanh khu vực thuê trọ, anh Sỹ bàn cùng vợ thuê mặt bằng mở quán ăn.

"Vợ tôi học nấu ăn chủ yếu qua mạng. Ngoài phục vụ trực tiếp tại quán, vợ chồng tôi còn nhận giao hàng cho khách qua Facebook. Công việc khá vất vả nhưng được cái không gò bó, lại có thu nhập ổn định so với khi làm CN. Vợ tôi cũng có nhiều thời gian hơn để chăm sóc cho 2 con thay vì trước đây phải gửi con ở nhà nội đến tối mới đón về" - anh Sỹ cho biết.

Sau một thời gian làm CN một DN gia công giày tại KCX Linh Trung 1, quận Thủ Đức TP HCM, anh Phạm Văn Bộ cũng quyết định xin nghỉ. Chia sẻ lý do, anh Bộ cho hay: "Người nhà ở Đồng Nai mở cơ sở kinh doanh nên bắn tiếng nhờ tôi về phụ giúp. Công việc không cực lắm nhưng được cái mức lương cao, lại gần nhà".

Tương tự là trường hợp anh Hồ Quốc Toàn (quận 9, TP HCM), một CN pha trộn thuốc thú y. Gắn bó với nghề được 3 năm, lo ngại môi trường làm việc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài trong khi thu nhập chỉ vừa đủ sống, anh quyết định xin nghỉ việc. "Tôi muốn tìm một công việc khác phù hợp và có cơ hội thăng tiến hơn. Còn trẻ, nếu mình không mạnh dạn thay đổi sẽ mất đi cơ hội".

Theo Báo Người lao động