1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tổng thu tăng qua các năm, việc chi tài chính công đoàn ra sao?

Hoa Lê

(Dân trí) - Tài chính công đoàn được hình thành chủ yếu từ 4 nguồn. Tổng thu tài chính công đoàn tăng trung bình 12%/năm.

Thu - chi tài chính công đoàn trong 9 năm

Theo báo cáo đánh giá tác động khi xây dựng Luật Công đoàn sửa đổi, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trong 9 năm (từ năm 2013 đến năm 2021), tổng thu tài chính công đoàn là 143.999 tỷ đồng, trung bình mỗi năm tăng 12%. 

Trong đó, đoàn phí công đoàn là 35.516 tỷ đồng, chiếm 24,66%. Kinh phí công đoàn là 90.836 tỷ đồng, chiếm 63,08%.

Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ chiếm 0,35%, tương ứng 517 tỷ đồng. Ngoài ra, các khoản thu khác là 17.129 tỷ đồng chiếm 11,91% tổng số thu.

So với năm 2012, tổng thu tài chính công đoàn năm 2021 tăng 2,5 lần. Nguyên nhân do quỹ tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí và kinh phí công đoàn tăng. Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn đã đổi mới công tác thu tài chính công đoàn để đôn đốc thu kinh phí công đoàn... 

Tổng thu tăng qua các năm, việc chi tài chính công đoàn ra sao? - 1

Tài chính công đoàn được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).

Tài chính công đoàn được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau:

- Đoàn phí công đoàn do đoàn viên đóng;

- Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng;

- ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ;

- Các khoản thu khác.

Từ năm 1957 đến nay, việc xác định nguồn tài chính công đoàn tại Luật Công đoàn 2012 đã được xem xét một cách toàn diện, thấu đáo trên cơ sở đặc thù tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Bên cạnh đó, nguồn thu này cũng đặt trong mối quan hệ với Luật Ngân sách nhà nước, tính lịch sử của quá trình hình thành nguồn tài chính công đoàn cũng như yêu cầu, nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn năm 2013 đến năm 2021, tổng số chi tại các cấp công đoàn là 110.553 tỷ đồng.

Trong đó, số chi tập trung nhiều nhất tại cấp công đoàn cơ sở là 81.199 tỷ đồng, chiếm 73,45 % tổng chi.

Số chi tại cấp quận, huyện là 16.443 tỷ đồng và số chi tại cấp tỉnh, ngành là 11.695 tỷ đồng. Bên cạnh đó, số chi tại cấp Tổng Liên đoàn là 807 tỷ đồng, chiếm 0,73% tổng chi và đơn vị sự nghiệp là 409 tỷ đồng chiếm 0,37% tổng chi.

Như vậy sau khi có Luật Công đoàn 2012, Công đoàn Việt Nam đã điều chỉnh giảm tỷ trọng chi tại các cấp trên để tập trung nguồn tài chính cho cấp công đoàn cơ sở sử dụng nhằm mục tiêu chi chăm lo, bảo vệ lợi ích cho đoàn viên, người lao động.

Kết dư hơn 43.000 tỷ đồng

Theo báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội tại Tổ về dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tính đến ngày 31/12/2023, số dư nguồn tài chính công đoàn tích lũy khoảng 43.211 tỷ đồng (tính theo niên độ tài chính).

Tổng thu tăng qua các năm, việc chi tài chính công đoàn ra sao? - 2

Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi nêu 2 phương án phân phối kinh phí công đoàn (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, số dư tài chính công đoàn tích lũy tại 4 cấp tính đến hết niên độ tài chính (31/12 hàng năm) còn dư. Tuy nhiên, thực tế sau Tết Âm lịch, số kinh phí kết dư tại công đoàn cơ sở thường được sử dụng hết để chăm lo cho đoàn viên, người lao động tham gia trực tiếp.

Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi vẫn quy định kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Bên cạnh đó, dự thảo luật đề xuất hai phương án quy định tỷ lệ sử dụng kinh phí công đoàn giữa các cấp công đoàn.

Phương án 1: Giao Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ sử dụng kinh phí công đoàn giữa công đoàn cấp trên với công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Phương án 2: Xác định cụ thể công đoàn cấp trên sử dụng 25%, công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sử dụng 75%.

Thảo luận tại kỳ họp thứ 7 về việc quy định tỷ lệ sử dụng kinh phí công đoàn, các đại biểu vẫn còn những ý kiến khác nhau về hai phương án nêu trên.