1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Đại biểu Quốc hội:

2% kinh phí công đoàn làm tăng chi phí nhưng doanh nghiệp "chấp nhận được"

Hoa Lê

(Dân trí) - Theo đại biểu Quốc hội, việc đóng 2% kinh phí công đoàn vẫn nằm trong phạm vi chấp nhận được của doanh nghiệp. Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đối tác không phản đối vấn đề này.

2% kinh phí công đoàn chiếm tỷ trọng nhỏ trong chi phí doanh nghiệp?

Thảo luận về dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi sáng 18/6, đại biểu Hoàng Ngọc Định (đoàn Hà Giang) cho rằng dự luật kế thừa mức đóng kinh phí công đoàn 2% hoàn toàn hợp lý.

Theo đại biểu, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc Đảng, Nhà nước cho phép Công đoàn thu 2% kinh phí làm công cụ để Công đoàn Việt Nam giúp Đảng, Nhà nước tập hợp, giáo dục đoàn viên, người lao động xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, vững mạnh, phát triển nguồn nhân lực…

Mặt khác, đại biểu Hoàng Ngọc Định cho rằng, kinh phí công đoàn 2% do doanh nghiệp đóng không phải là tiền của doanh nghiệp chịu. Chi phí này được pháp luật cho phép hạch toán vào giá thành của sản phẩm.

2% kinh phí công đoàn làm tăng chi phí nhưng doanh nghiệp chấp nhận được - 1

Đại biểu Hoàng Ngọc Định (Ảnh: Quốc hội).

"Như vậy, người tiêu dùng sẽ phải trả tiền cho chi phí này chứ không phải doanh nghiệp", đại biểu nêu.

Về bản chất, theo đại biểu đoàn Hà Giang, việc quy định thu gián tiếp 2% theo quy định của Luật Công đoàn để phục vụ chăm lo lại cho người lao động, tái sản xuất sức lao động để bù đắp hao phí sức lao động của người lao động mà người sử dụng, doanh nghiệp chưa tính đúng, tính đủ vào tiền lương của người lao động.

Theo đại biểu, thực tiễn nghiên cứu cho thấy, việc đóng 2% kinh phí công đoàn chiếm tỷ trọng nhỏ trong chi phí của doanh nghiệp mà lại được tính vào giá thành sản xuất kinh doanh khoảng 0,2% đối với doanh nghiệp gia công, 0,4% với doanh nghiệp khác.

"Do vậy, mặc dù làm tăng chi phí doanh nghiệp nhưng về tổng thể mức đóng 2% vẫn nằm trong phạm vi chấp nhận được với sức chịu đựng của tổ chức, doanh nghiệp. Trong quá trình đàm phán các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các đối tác không phản đối vấn đề này", đại biểu Hoàng Ngọc Định nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) tán thành việc quy định kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Vì đây là nội dung đã thực hiện ổn định, lâu dài, không phát sinh nhiều vướng mắc trên thực tế.

Không nên quy định cứng tỷ lệ phân phối

Về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, đại biểu Việt Nga cho biết đây là nội dung quan trọng, vì vậy, nên quy định ngay trong dự thảo luật như phương án 2 của dự thảo.

2% kinh phí công đoàn làm tăng chi phí nhưng doanh nghiệp chấp nhận được - 2

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Ảnh: Quốc hội).

Tuy nhiên, đối với một số nội dung trong phương án 2 mà dự thảo quy định, đại biểu cho biết, việc quy định cụ thể tỷ lệ phân phối kinh phí công đoàn là cần thiết, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng tài chính công đoàn.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho việc tăng cường bố trí nguồn kinh phí công đoàn cho các hoạt động của công đoàn cơ sở - là nơi trực tiếp chăm lo cho đời sống của người lao động, theo đại biểu nên có sự linh hoạt trong việc quy định tỷ lệ phân bổ kinh phí công đoàn, không quy định cứng tỷ lệ 25% và 75% như dự thảo, mà chỉ nên quy định đó là tỷ lệ "tối thiểu" và tỷ lệ "tối đa".

Cụ thể, đại biểu Việt Nga đề nghị xem xét quy định "Kinh phí công đoàn theo điểm b khoản 1 điều 29 do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng tối đa 25%, còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp".

Trong dự thảo cũng có quy định việc phân bổ kinh phí cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Tại điểm b khoản 2 Điều 30 có quy định: "Ở doanh nghiệp chỉ có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thì tổ chức này được phân phối theo số thành viên trên số lao động thu được kinh phí công đoàn".

Theo đại biểu, quy định chưa làm rõ trong trường hợp này, số tiền còn lại sau khi phân phối cho tổ chức của người lao động thì sẽ được tiếp tục phân phối, sử dụng như thế nào. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ và bổ sung thêm.

Khoản 2 Điều 30 dự thảo luật đề xuất hai phương án quy định tỷ lệ sử dụng kinh phí công đoàn giữa các cấp công đoàn.

Phương án 1: "Tại những nơi đã có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, kinh phí công đoàn theo điểm b khoản 1 Điều 29 được phân phối cho các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở theo quy định của Chính phủ".

Phương án 2: "Kinh phí công đoàn theo điểm b khoản 1 Điều 29 do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%; 75% còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp"…