Tổng giám đốc điều hành của Starbucks di chuyển 1.600km để... đi làm

Bích Ngọc

(Dân trí) - Tổng giám đốc điều hành mới của tập đoàn Starbucks lựa chọn di chuyển 1.600km từ nơi ở tới nơi làm việc thay vì chuyển nhà.

Ông Brian Niccol (50 tuổi) đã được bổ nhiệm là tân tổng giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn Starbucks - thương hiệu cà phê nổi tiếng trên thế giới. Điều thu hút sự chú ý là ông Niccol sẽ không thay đổi nơi ở để thuận tiện cho việc di chuyển tới trụ sở tập đoàn nằm ở thành phố Seattle.

Thông tin này được phía Starbucks chính thức xác nhận với truyền thông Mỹ. Ông Niccol sẽ vẫn sống tại nhà riêng ở thành phố Newport Beach, bang California, Mỹ. Hàng tuần, ông sẽ di chuyển tới trụ sở văn phòng cách nhà riêng 1.600km bằng chuyên cơ riêng.

Tổng giám đốc điều hành của Starbucks di chuyển 1.600km để... đi làm - 1

Ông Brian Niccol là tân CEO của tập đoàn Starbucks (Ảnh: CNBC).

Với vị trí công việc mới, ông Niccol sẽ nhận mức lương cơ bản hàng năm vào khoảng 1,6 triệu USD. Mức thu nhập phụ thêm hàng năm của ông dao động trong khoảng từ 3,6 tới 7,2 triệu USD tùy thuộc vào kết quả điều hành công việc của ông. Ông cũng có cơ hội nhận những khoản tiền thưởng hàng năm lên tới 23 triệu USD.

Trong sự nghiệp của mình, ông Niccol thường đưa ra thỏa thuận với bên tuyển dụng về việc ông sẽ không thay đổi nơi ở bất kể trụ sở công ty ở đâu.

Năm 2018, khi làm CEO của chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh Chipotle, ông cũng không thay đổi nơi ở. Sau đó, Chipotle đã thay đổi trụ sở văn phòng từ thành phố Denver, bang Colorado tới thành phố Newport Beach, bang California, nơi ông Niccol đã sinh sống nhiều năm.

Với vị trí công việc mới ở tập đoàn Starbucks, ông Niccol sẽ được đặc cách để có một văn phòng điều hành công việc từ xa. Nhân sự hỗ trợ ông tại văn phòng này sẽ do ông tự lựa chọn.

Nếu không có lịch đi công tác, ông Niccol được yêu cầu làm việc tại trụ sở chính của Starbuck nằm ở thành phố Seattle ít nhất 3 ngày/tuần, theo đúng quy định của tập đoàn đối với nhân viên khối văn phòng.

Hiện tượng CEO di chuyển hàng nghìn km đi làm

Vấn đề khoảng cách địa lý giữa nơi ở và nơi làm việc nhìn chung vẫn là một yếu tố có tính quyết định đối với cả người lao động và nhà tuyển dụng. Đa phần nhân viên văn phòng vẫn cần phải có nơi ở gần nơi làm việc, họ không thể làm việc từ xa toàn thời gian. Dù vậy, các công ty lớn đang có xu hướng tạo ra ngoại lệ cho những nhân sự cấp cao để hấp dẫn nguồn nhân lực chất lượng.

Giảng viên Raj Choudhury của Trường Kinh doanh Harvard chuyên nghiên cứu về nhóm lao động làm việc từ xa cho biết, số lượng CEO làm việc từ xa đang gia tăng nhanh chóng.

Tổng giám đốc điều hành của Starbucks di chuyển 1.600km để... đi làm - 2

Sự linh động về thời gian và địa điểm làm việc sẽ dần trở thành tiêu chí cạnh tranh giữa các nhà tuyển dụng (Ảnh: Makemymove).

Trong thị trường lao động giàu tính cạnh tranh, ngay cả nhà tuyển dụng cũng cần cạnh tranh với nhau để có được nhân sự chất lượng. Hiện tại, các nhân sự chất lượng đều coi yếu tố linh hoạt về thời gian và địa điểm làm việc là một yếu tố quan trọng để quyết định có "đầu quân" hay không.

Công ty thời trang nội y Victoria's Secret cũng vừa bổ nhiệm bà Hillary Super là CEO mới của thương hiệu. Bà Super vốn là một nhân sự cấp cao trong bộ máy vận hành hãng thời trang nội y Fenty x Savage của nữ ca sĩ tỷ phú Rihanna.

Khi bà Super chuyển sang làm việc tại Victoria's Secret trong tháng 9 này, bà làm việc tại văn phòng chi nhánh đặt ở thành phố New York, thay vì làm việc tại trụ sở chính của công ty nằm ở thành phố Reynoldsburg, bang Ohio. Chi tiết này được đưa ra cụ thể trong thỏa thuận tuyển dụng giữa bà Super và công ty Victoria's Secret.

Giảng viên Choudhury nhận định: "Càng ngày sẽ càng có nhiều công ty chấp nhận sự linh động trong cách thức thực hiện công việc để hấp dẫn và giữ chân nhân sự chất lượng. Điều này thậm chí sẽ trở thành xu hướng trong thị trường tuyển dụng.

Thay đổi thường bắt đầu từ trên xuống. Dần dần, các nhà tuyển dụng sẽ thử nghiệm cơ chế linh hoạt áp dụng đối với cả nhóm nhân sự quản lý tầm trung và nhân viên văn phòng".

Theo CNBC