1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thái Bình:

Tình cờ trồng phát lộc hóa ra lại phát tài, cả làng được khen "tài, lộc"

Nhiều năm nay, cây phát lộc không chỉ góp phần làm thay đổi cơ cấu cây trồng trên đồng ruộng mà còn trở thành cây làm giàu của nhiều hộ dân ở xã Minh Tân (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình).

Nghề trồng cây phát lộc và làm tháp phát lộc ở thôn Đình Phùng, xã Minh Tân đã có hơn 15 năm với trên 90% hộ dân tham gia phát triển nghề. Ưu điểm của loại cây này là rất dễ trồng, phát triển nhanh, giống cây phát lộc rẻ và chi phí chăm sóc thấp, trồng khoảng 1 năm là cho thu hoạch.

Tình cờ trồng phát lộc hóa ra lại phát tài, cả làng được khen tài, lộc - 1

Sản phẩm cây phát lộc của xã Minh Tân (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) được tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Chị Nguyễn Thị Thắm, thôn Đình Phùng cho biết: Cây phát lộc rất dễ trồng, chỉ cần cắt ngọn trồng xuống, giữ đủ nước cây sẽ phát triển nhanh, xanh mỡ màng. 

1 sào cây phát lộc nếu chỉ bán ngọn cũng thu được 20 - 25 triệu đồng, cao gấp nhiều lần cấy lúa. Từ ngày chuyển từ cấy lúa sang trồng cây phát lộc đời sống gia đình tôi ngày càng được nâng cao.

Để tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ phong phú, nâng cao giá trị của cây phát lộc, người dân các thôn Đình Phùng, Duy Tân, Hưng Sơn (xã Minh Tân) đã nghiên cứu, làm ra các sản phẩm phát lộc độc, lạ, đẹp với nhiều hình dạng khác nhau. Nhờ đó nhiều hộ dân nơi đây đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá, giàu và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. 

Là một trong những gia đình đầu tiên của xã Minh Tân làm cây phát lộc, ông Nguyễn Thành Tô, thôn Đình Phùng cho biết: Gia đình tôi làm cây phát lộc đến nay đã 15 năm. 

Những năm đầu chúng tôi trồng để bán cây, bán ngọn, thu được khoảng 20 triệu đồng/sào. Từ khi chúng tôi cải tiến làm các lẵng phát lộc từ 3 - 11 tầng, sau đó làm các lọ lục bình, làm thuyền buồm, nậm rượu, thu nhập đạt 80 - 100 triệu đồng/sào. 

Mỗi năm gia đình thu lãi từ làm cây phát lộc hàng trăm triệu đồng, giải quyết việc làm cho các thành viên trong gia đình và 6 lao động trong xã.  

Tình cờ trồng phát lộc hóa ra lại phát tài, cả làng được khen tài, lộc - 2

Chị Nguyễn Thị Phúc, thôn Đình Phùng, xã Minh Tân (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình ) thu lãi từ làm tháp cây phát lộc trên 100 triệu đồng/năm.

Nghề làm cây phát lộc có thể làm quanh năm nhưng bắt đầu từ tháng 9 âm lịch là lúc cao điểm các gia đình tập trung nhân lực làm hàng phục vụ thị trường tết. Vì vậy, những ngày cuối năm này Minh Tân tấp nập người và xe đến mua, chuyển phát lộc tới khắp các tỉnh, thành trong cả nước bán cho người dân trang trí trong nhà hay phòng làm việc. 

Anh Nguyễn Quý Anh, xã Minh Tân cho biết: Tôi thường chuyển sản phẩm cây phát lộc của xã đi Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang... Người dân nơi đó họ rất thích sản phẩm cây phát lộc của xã Minh Tân vì nó đẹp, mẫu mã đa dạng. Ngày thường tôi chuyển 2 - 3 xe/tháng, ngày tết tôi chuyển nhiều gấp 3 lần. 

Điểm nhấn trong phòng khách nhà bà Trần Thị Thắm, phường Bồ Xuyên (thành phố Thái Bình) chính là chậu phát lộc nhiều tầng, lộc lúc nào cũng nhiều. Bà Thắm cho biết: Cây phát lộc mang ý nghĩa phát tài, phát lộc, mang may mắn, sức khỏe cho gia chủ. Vì vậy, cứ gần đến tết là tôi lại tìm về Minh Tân chọn mua sản phẩm phát lộc để trang trí ở phòng khách và cắm trên ban thờ.  

Dễ trồng, dễ chăm nhưng cái khó của thú chơi cây phát lộc nằm ở việc cắt tỉa, tạo hình. Việc cắt lộc cũng cần phải có kỹ thuật, lúc cắt phải chú ý giữ lại phần đốt để cây có thể nhú mầm ra lá, ra rễ. Muốn có một chậu tháp phát lộc đẹp người làm phải chọn những cây to bằng nhau, đều. 

Khi cắt cũng phải chú ý cắt cho các đốt lộc có chiều dài bằng nhau. 

Các mắt lộc phải được bố trí hướng ra ngoài để khi đâm chồi sẽ có một tòa tháp đẹp. Bên cạnh đó, các hộ còn nghiên cứu cải tiến mẫu mã, đưa máy móc vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm như: thay ống nứa bằng ống nhựa, khung sắt, từ cắt cành bằng tay chuyển sang cắt máy vừa nhanh vừa đều. 

Tình cờ trồng phát lộc hóa ra lại phát tài, cả làng được khen tài, lộc - 3

Làm phát lộc giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài xã.

Không dừng lại ở tháp 3 - 5 tầng, các hộ còn nghiên cứu làm tới 11 - 12 tầng, rồi làm lọ lộc bình cao tới hơn một mét, thuyền, buồm, nậm phát lộc...

Để sản phẩm tháp cây phát lộc bắt mắt, gia tăng hương vị cho ngày tết, các hộ còn trang trí thêm vào đó những chiếc nơ đỏ, chữ phát lộc, phát tài, chúc mừng năm mới...

Theo các hộ dân nơi đây, năm nay dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai nhưng nhu cầu trang trí nhà và phòng làm việc của nhân dân để chơi tết bằng các sản phẩm làm từ cây phát lộc của Minh Tân vẫn cao nên số lượng hàng bán ra vẫn nhiều, giá bán vẫn ổn định. 

Đến nay, đã có gần 300 hộ dân của xã Minh Tân tham gia trồng cây phát lộc với diện tích trên 22ha. 

Trồng phát tài và làm phát lộc đã trở thành một nghề, là cây làm giàu chủ yếu của người dân nơi đây, góp phần đưa Minh Tân từ một xã khó khăn trở thành xã phát triển mạnh của huyện Đông Hưng, giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã xuống còn 2,78%. 

Ông Nguyễn Hữu Hậu, Chủ tịch UBND xã Minh Tân (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) cho biết: Thu nhập từ cây phát lộc đã đạt 450 - 500 triệu đồng/ha nên bà con rất phấn khởi, tích cực mở rộng diện tích trồng. Đảng ủy, UBND xã cũng khuyến khích, tạo điều kiện để người dân chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây phát lộc cho hiệu quả kinh tế cao hơn như tạo điều kiện cho các hộ vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp đầu tư làm cây phát lộc; chỉ đạo HTX DVNN xã thường xuyên đào đắp mương máng, khơi thông dòng chảy, tưới, tiêu nước kịp thời cho các cánh đồng, hỗ trợ các hộ mua phân bón trả chậm để họ chăm sóc cây trồng...

Nhờ làm cây phát lộc, nhiều gia đình ở Minh Tân đã phát tài. Với tiềm năng lớn, UBND xã đã chọn phát lộc làm sản phẩm OCOP của địa phương, từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm. 

Theo Báo Thái Bình